1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Học giả Anh: Trung Quốc thách thức nghiêm trọng khu vực

Giám đốc Chương trình châu Á thuộc Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh Hoàng gia Anh (RUSI), ông Edward Schwarck (ảnh) đã khẳng định như vậy trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho phóng viên TTXVN tại London liên quan đến vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông.


Học giả Anh: Trung Quốc thách thức nghiêm trọng khu vực


Chuyên gia Schwarck cho rằng còn tương đối sớm khi đề cập đến những ý đồ lâu dài của Trung Quốc ở Biển Đông nếu xem xét bối cảnh họ hạ đặt giàn khoan dầu mới này. Song, xét bối cảnh 40 năm trước, Trung Quốc đã sử dụng lực lượng quân sự để xâm lược và chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, gần đây lại theo đuổi cái gọi là "tuyên bố chủ quyền đường 9 đoạn" ở Biển Đông với nhiều hành động đe dọa đến an ninh hàng hải của khu vực, thì hành động của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép tại EEZ và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông có thể là một phần của chiến lược Bắc Kinh đang triển khai nhằm thực hiện những bước đi có lợi, từ đó thúc đẩy việc thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.

Hành động kiểu này của Trung Quốc tạo ra thách thức nghiêm trọng đối với Việt Nam và các bên có tuyên bố chủ quyền trong khu vực. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay với các nước khu vực là phải tìm ra biện pháp thích hợp để thể hiện phản ứng của mình. Đây chính là thông điệp mạnh mẽ gửi tới Trung Quốc nhằm cảnh báo về nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang mà có thể là thảm họa đối với tất cả các bên liên quan.

Đánh giá về những tác động đối với môi trường an ninh khu vực mà vụ việc giàn khoan Hải Dương - 981 gây ra cũng như phản ứng của thế giới nhằm ngăn chặn những hành động gây căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông, ông Schwarck nhận định xét dưới nhiều góc độ khác nhau thì những tuyên bố hoặc quyết định triển khai hoạt động thăm dò dầu lửa ở Biển Đông đều đi ngược lại với chính sách cho đến thời điểm này của Chính phủ Trung Quốc. Ban lãnh đạo Bắc Kinh đề ra chính sách thiết lập mối quan hệ tốt đẹp và tin cậy với các nước láng giềng ở Biển Đông. Vì thế, vụ việc mới nhất này phản ánh những mâu thuẫn trái ngược trong sâu thẳm chính sách của Trung Quốc đối với Đông Nam Á. Một mặt Bắc Kinh muốn xây dựng mối quan hệ gần gũi với các nước khu vực, quan hệ thương mại hữu ích hơn, quan hệ chính trị tốt đẹp hơn. Mặt khác, Trung Quốc vẫn kiên quyết theo đuổi mục tiêu bảo vệ những lợi ích cốt lõi. Đó là một mâu thuẫn. Điều không may là cách tiếp cận này trong chính sách của Trung Quốc đối với khu vực sẽ còn gây ra cho họ nhiều vấn đề trong những năm tới.

Theo ông Schwarck, thời điểm mà Trung Quốc quyết định hạ đặt giàn khoan này rất đáng chú ý. Nó xảy ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama có chuyến công du đến châu Á. Trong chuyến thăm này, ông Obama đã đưa ra hàng loạt các cam kết mạnh mẽ về an ninh với Nhật Bản, hay thỏa thuận hẹp hơn với Philippines... Như vậy, quyết định của Trung Quốc bắt đầu hoạt động khoan thăm dò dầu khí ở Biển Đông cũng có thể được coi là phản ứng đối với Mỹ nhằm chứng minh rằng Bắc Kinh không bị ngăn cản bởi những cam kết an ninh của Washington. Trung Quốc cũng muốn khẳng định họ vẫn duy trì khả năng đẩy căng thẳng ở Biển Đông leo thang tùy theo ý định của mình.

Ông Schwarck nhấn mạnh sự trỗi dậy của Trung Quốc vừa mang lại cơ hội, vừa tạo ra nguy cơ thách thức đối với các nước phương Tây và các nước trong khu vực. Xét ở khía cạnh nguy cơ, là một cường quốc đang nổi, Trung Quốc đôi khi tìm cách kiểm nghiệm sức mạnh của mình. Tuy nhiên, ở khía cạnh cơ hội, cho đến thời điểm này, Trung Quốc cũng chưa đề ra được một chiến lược dài hạn đối với khu vực. Ông Schwarck cho rằng cộng đồng quốc tế cần can dự tích cực với Trung Quốc trên tinh thần xây dựng khuyến khích Trung Quốc trở thành một cường quốc thế giới công bằng và có trách nhiệm hơn.

Theo TTXVN/Báo Tin Tức

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm