1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Liên tiếp phóng tên lửa, Triều Tiên ra "tối hậu thư" đàm phán với Mỹ

Thành Đạt

(Dân trí) - Triều Tiên đã đặt ra các yêu cầu với Mỹ nếu Washington muốn thúc đẩy đàm phán hòa bình, sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa liên tiếp trong những tuần qua.

Liên tiếp phóng tên lửa, Triều Tiên ra tối hậu thư đàm phán với Mỹ - 1

Đại sứ Triều Tiên Kim Song phát biểu tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 27/9 (Ảnh: Yonhap).

Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim Song ngày 27/9 tuyên bố, mối quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ và Triều Tiên có thể được thiết lập nếu Washington từ bỏ chính sách thù địch với Bình Nhưỡng.

"Nếu Mỹ muốn thấy chiến tranh Triều Tiên, cuộc chiến kéo dài nhất trên thế giới, đi đến hồi kết, và nếu Mỹ thực sự mong muốn hòa bình và hòa giải trên Bán đảo Triều Tiên, họ nên thực hiện bước đi đầu tiên, đó là từ bỏ chính sách thù địch chống lại Triều Tiên, bằng cách ngừng vĩnh viễn các cuộc tập trận chung cũng như triển khai tất cả các loại vũ khí chiến lược", ông Kim nói trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ.

Đại sứ Kim Song tin rằng "triển vọng tốt đẹp sẽ mở ra cho quan hệ Mỹ - Triều Tiên và Hàn Quốc - Triều Tiên nếu Mỹ kiềm chế đe dọa Triều Tiên và từ bỏ thái độ thù địch với Bình Nhưỡng".

Cáo buộc mới về chính sách thù địch của Mỹ đối với Triều Tiên được đưa ra khoảng một tuần sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đề xuất chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Cuộc chiến này cho đến nay mới kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến, thay vì hiệp ước hòa bình, do vậy trên danh nghĩa, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.

Triều Tiên trước đó nói rằng Mỹ phải từ bỏ thái độ thù địch với Bình Nhưỡng trước khi các nước có thể xem xét tuyên bố kết thúc chiến tranh. Trong khi đó, Washington phủ nhận có bất kỳ ý định thù địch nào nhằm vào Triều Tiên.

Đại sứ Kim Song cho rằng các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc đã chứng tỏ mối đe dọa quân sự mà Triều Tiên đang phải đối mặt hàng ngày.

"Chính sách thù địch của Mỹ đối với Triều Tiên được thể hiện rõ nhất ở các mối đe dọa quân sự chống lại chúng tôi. Không một binh sĩ nước ngoài nào, không một căn cứ quân sự nước ngoài nào hiện diện trên lãnh thổ Triều Tiên. Nhưng ở Hàn Quốc, gần 30.000 lính Mỹ đang đồn trú tại nhiều căn cứ quân sự, duy trì trạng thái sẵn sàng chiến tranh để hành động quân sự chống lại Triều Tiên bất cứ lúc nào", nhà ngoại giao Triều Tiên cho biết.

Theo ông Kim Song, các chính quyền Mỹ trước đây đã tuyên bố bằng cả lời nói và văn bản rằng họ không có ý định thù địch chống lại Triều Tiên, nhưng những tuyên bố đó hóa ra chỉ là "những lời hoa mỹ để che đậy chính sách thù địch".

"Mỹ hiện tại có hai lựa chọn. Một là đóng góp vào hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên và thế giới bằng cách rút lại chính sách thù địch đối với Triều Tiên một cách quyết liệt và đầy đủ. Nếu Mỹ cho thấy quyết định từ bỏ chính sách thù địch của mình, chúng tôi cũng sẵn sàng sẵn sàng hồi đáp bất cứ lúc nào", ông Kim Song nhấn mạnh.

Phát biểu của Đại sứ Kim Song được đưa ra trong bối cảnh Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng ít nhất một vật thể nghi là tên lửa đạn đạo từ vùng biển phía đông của nước này rạng sáng 28/9. Đây là vụ phóng thứ 3 của Bình Nhưỡng trong tháng 9. Đầu tháng này, Triều Tiên cho biết đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu hỏa. 

Mặc dù các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên không bao gồm các vũ khí tầm xa, nhưng giới phân tích cho rằng các vũ khí chiến thuật trong đó có vũ khí có thể mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên có thể tạo ra mối đe dọa đối với lực lượng của Mỹ và đồng minh ở Hàn Quốc và Nhật Bản.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm