Nga-Syria ngừng bắn, tránh đối đầu với 100.000 quân đối lập?
Sau thỏa thuận ngừng bắn, người ta mới giật mình về số lượng quân khổng lồ trên 100.000 người của các nhóm khủng bố và đối lập ôn hòa Syria.
Nga và Syria thực hiện chiến lược “Vừa đánh-vừa đàm”
Vừa qua, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cùng với chính quyền Syria đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn với các phe nhóm đối lập kể từ ngày 30/12, trừ 2 tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS và Jabhat Fateh Al-Sham (tức al-Nusra Front - chi nhánh al-Qaeda Syria mới đổi tên).
Sau khi ngừng bắn, bên cạnh việc vẫn tiếp tục đánh 2 tổ chức khủng bố trên, chính quyền Syria và các phe nhóm đối lập sẽ tiếp tục tiến trình chính trị, đàm phán chấm dứt hoàn toàn xung đột, mang lại hòa bình cho Syria.
Bên cạnh đó, tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng được bảo đảm, ít nhất cho đến khi diễn ra một cuộc tổng tuyển cử mới (nếu thuận lợi kết thúc nhiệm kỳ là đến hết năm 2021), ông và gia đình cũng nhận được cam kết bảo đảm về an ninh.
Nhiều người coi chiến thắng ở Aleppo báo hiệu giây phút cáo chung của khủng bố và đối lập Syria, là bước ngoặt để chính quyền Assad giải phóng hoàn toàn đất nước. Thế nhưng, theo các chuyên gia quân sự, điều này hoàn toàn không hề dễ dàng.
Syria là một chiến trường vô cùng phức tạp với sự hiện diện của vài chục phe nhóm đối lập (có liên kết và cả không liên kết), cùng với 2 tổ chức khủng bố IS và al-Nusra, trong đó, IS đang chiếm giữ phần lớn khu vực đông và đông bắc, còn al-Nusra đang bị dồn về Tây Aleppo và Idlid.
Trong khi đó, có tới vài chục phe nhóm đối lập đang hiện diện trên khắp cả nước Syria (lớn nhất là Quân đội Syria Tự do với gần 30.000 quân, tập trung chủ yếu ở phía Bắc, cùng với al-Nusra).
Nếu các phe nhóm này liên kết lại với nhau, hình thành một tổ chức đối lập lớn (như các nhóm khủng bố ở tây Ghouta-Damascus vừa qua), có sự chỉ huy thống nhất, nhận được sự hỗ trợ tài chính, vũ khí của Mỹ và đồng minh thì cục diện Syria sẽ biến động rất khó lường.
Bên cạnh đó, lực lượng vũ trang của người Kurd (YPG) cũng là điều cần phải tính tới. Họ là bạn của Mỹ trong cuộc chiến chống IS nhưng cũng là "đồng minh bất đắc dĩ" của Syria trong cuộc chiến chống IS và ngăn chặn sự xâm nhập của Thổ Nhĩ Kỳ.
Người Kurd hiện đang kiểm soát một khu vực rất lớn bao gồm một số cứ điểm ở 2 khu tự trị ở Aleppo là Afrin, Kobani và Manbij, cùng với phần lớn tỉnh đông bắc al-Hasakah (Khu tự trị Cizire Canton, hay còn gọi là Jazira Canton).
Hiện nay người Kurd còn đang mở chiến dịch đánh chiếm tỉnh Raqqa - được coi là thủ đô không chính thức của Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria. Nếu họ chớp thời cơ giành được tỉnh này, Syria về sau sẽ rất khó đòi lại, đất nước sẽ mất thêm một vùng lãnh thổ rất quan trọng.
Như vậy, cục diện Syria hiện không hề thuận lợi cho Nga như người ta vẫn nghĩ. Do đó, Moscow và Damascus buộc phải nhân đà chiến thắng ở thành phố Aleppo để đưa ra thỏa thuận ngừng bắn có lợi nhất cho Assad, đồng thời ngăn chặn đà tiếp tục cuộc chiến xé nát đất nước này.
Nếu đưa được các nhóm đối lập vào khuôn khổ ngừng bắn họ sẽ cô lập được IS, tách FSA khỏi al-Nusra, khi đó mới rảnh tay diệt trừ 2 tổ chức khủng bố này. Việc YPG được coi là "phe đối lập" cũng đúng với ý nguyện của người Kurd và ngăn chặn đà họ tự do đánh chiếm Raqqa.
Các nhóm đối lập Syria có tất cả bao nhiêu quân?
Sau khi thỏa thuận ngừng bắn được đưa ra, người ta mới giật mình về lực lượng quân sự của các nhóm này. Tổng số các phe nhóm tham gia ngừng bắn trong lần này gồm 7 nhóm lớn, với tổng quân số lên tới 51.000 quân, đó là còn chưa tính tới quân số khổng lồ của FSA.
Theo truyền thông phương Tây, hiện nay do chưa thể phân tách khủng bố al-Nusra và Quân đội Syria Tự do (FSA) nên người ta chưa thống kê lực lượng của FSA vào danh sách này (khoảng 30.000 quân). Như vậy, sau này tổng số quân đối lập có thể sẽ lên tới 80.000 quân.
Với lực lượng khổng lồ này, cộng với lực lượng của khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS và al-Nusra, hiện trên lãnh thổ Syria đang có tới khoảng 120.000 quân khủng bố và đối lập ôn hòa, mà 2/3 trong số đó là các nhóm phiến quân đối lập do Mỹ và các nước Ả rập hậu thuẫn.
Điều này giải thích tại sao trước khi Nga can thiệp vào Syria, quân đội nước này lại liên tiếp thảm bại trước lực lượng khủng bố và đối lập. Nó cũng là nguyên nhân khiến Nga và Syria, mặc dù mới thắng lớn ở Aleppo nhưng vẫn phải chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn với phiến quân.
Theo công bố của trang tin al-Masdar News, 7 nhóm đối lập hiện đang kiểm soát khu vực rộng lớn ở phía bắc và miền trung Syria hiện được đưa vào danh sách tham gia lệnh ngừng bắn cụ thể như sau:
1. Feilak al-Sham: Có tổng số 19 phân đội, với tổng quân số trên 4.000 người, hiện đang kiểm soát một số khu vực thuộc tỉnh Aleppo, Idlib, Hama và Homs.
2. Ahrar al-Sham, tên đầy đủ là Harakat Ahrar al-Sham al-Islamiyya có khoảng 80 nhóm chiến đấu, với tổng quân số vào khoảng 16.000 người. Lực lượng này đang hiện diện chủ yếu tại các tỉnh Aleppo, Damascus, Daraa, Idlib, Latakia, Hama và Homs.
3. Jaysh al-Islam có tới 64 đơn vị tchiến đấu, với khoảng 12.000 tay súng, hiện đang tiến hành các hoạt động chiến đấu chống Quân đội Syria tại các tỉnh Homs Aleppo, Damascus, Daraa, Deir ez-Zor, Latakia, Hama và Homs.
4. Thuwar al-Sham có tổng số 8 tiểu đoàn, với quân số vào khoảng 2.500 người, hiện đang trấn thủ một vài cứ điểm ở các tỉnh Aleppo, Idlib và Latakia.
5. Jaysh al-Mujahideen có quân số tương đối đông là khoảng 8.000 người, được biên chế trong 13 nhóm phiến quân, tiến hành các hoạt động chiến đấu chống SAA ở địa bàn thành phố Aleppo và tỉnh Aleppo, tỉnh Idlib và tỉnh Hama.
6. Jaysh Idlib có quân số khá đông (hơn 6.000 người) được biên chế thành 3 cụm chiến đấu lớn, địa bàn hoạt động chủ yếu trong tỉnh Idlib.
7. Jabhat al-Shamiyah có vẻn vẹn 5 nhóm chiến đấu, mỗi nhóm biên chế khoảng 600 quân. Hiện nhóm này đang tiến hành các hoạt động quân sự tại các tỉnh Aleppo, Idlib và Damascus.
Theo Huy Bình
Đất Việt