1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hiệu ứng Trump trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ

Thanh Thành

(Dân trí) - Các chuyên gia nhận định rằng, bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ sắp tới ở Mỹ sẽ là cuộc trưng cầu dân ý đối với vị thế và hình ảnh của cựu Tổng thống Donald Trump.

Hiệu ứng Trump trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ - 1

Cựu Tổng thống Donald Trump có mặt tại một chiến dịch tranh cử ở Warren, bang Michigan hôm 1/10 (Ảnh: Reuters).

Hồi tháng 9, cựu Tổng thống Trump và các đồng minh thân cận đã thành lập một siêu ủy ban hành động chính trị (PAC) thời hậu Nhà Trắng có tên Maga Inc để tạo cơ sở tài trợ cho các ứng viên đảng Cộng hòa trong các cuộc bầu cử.

Và ông Trump cũng đã thể hiện sở trường chọn "ngựa chiến" cho đảng của ông. Vị cựu tổng thống này đã ủng hộ và tán thành hầu như tất cả các ứng viên đảng Cộng hòa trên khắp nước Mỹ, trong động thái mà hãng tin BBC gọi là "sự tán thành phi thường".

Theo đó, ông Trump đã có mặt ở 200 cuộc đua để ủng hộ các ứng viên Cộng hòa tranh cử vào Thượng viện, Hạ viện hoặc ghế thống đốc bang ở 39 trong số 50 bang. Đây là một con số cao bất thường.

Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018, ông Trump ủng hộ chưa đến 90 ứng cử viên cho các vị trí tương tự, theo thống kê của trang Ballotpedia.

Và quan trọng hơn nữa là hầu hết các ứng viên được cựu Tổng thống Trump ủng hộ đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ và sẽ đại diện đảng Cộng hòa ra tranh cử trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới.

Lòng trung thành là chìa khóa cho sự ủng hộ của cựu Tổng thống. Bởi theo một cách nào đó, phần lớn các ứng cử viên được ông Trump hỗ trợ đều lan truyền các tuyên bố cựu tổng thống đưa ra về việc thắng cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 vốn bị cho là vô căn cứ. 

BBC nhận định, sự ủng hộ của ông Trump dường như chỉ nhằm trả đũa những người từng chỉ trích cựu tổng thống.

Và hiệu ứng Trump sẽ được kiểm nghiệm tốt nhất trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 8/11 tới.

Tâm điểm trong cuộc bầu cử sắp tới là Elise Stefanik, một ứng viên đảng Cộng hòa ở New York.

Bà Stefanik nổi lên với tư cách là "nhân vật thứ 3 mới" của đảng Cộng hòa tại Hạ viện sau khi bà Liz Cheney - nhân vật hay công khai chỉ trích ông Trump, đặc biệt là về cuộc bạo động tại Quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021 - bị truất ngôi khỏi vị trí lãnh đạo của đảng Cộng hòa ở Hạ viện.

Hồi tháng 5/2021, bà Stefanik đã được vào vị trí lãnh đạo cao thứ ba tại Hạ viện thay bà Liz Cheney, trong động thái mà giới phân tích nhận định "tiếp tục cho thấy vai trò đặc biệt của cựu Tổng thống Trump" trong đảng Cộng hòa.

Kết quả này cũng cho thấy, ông Trump sẽ còn có vị trí quan trọng với các cuộc bầu cử trong tương lai ở Quốc hội Mỹ, khi vẫn đủ khả năng kêu gọi thanh trừng những người bị xem là "không trung thành".

Ông Trump mô tả bà Cheney là một "người kinh khủng", "không có nhân cách hay bất cứ điều gì tốt đẹp cho chính trị hoặc đất nước".

Trong khi đó, bà Stefanik là một người ủng hộ nhiệt thành của cựu Tổng thống Trump.

Bà Stefanik đã bảo vệ ông Trump trong hai lần ông bị luận tội và cũng là người ủng hộ đơn kiện nhằm đảo ngược thất bại của cựu chủ nhân Nhà Trắng sau cuộc bầu cử năm ngoái. Bàn thân ông Trump cũng gọi bà Stefanik là "người bảo vệ lớn nhất của tôi".

Theo các chuyên gia, bà Stefanik dự kiến sẽ tiếp tục chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ lần này và đảng Cộng hòa có khả năng nắm quyền kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện.

Phương châm của đảng Cộng hòa tại thời điểm hiện tại có thể được tóm tắt là "chọn ông Trump hoặc sẽ lụi bại", mặc dù có vẻ như các đảng viên Cộng hòa đều đồng thuận cho rằng, ông Trump nên đợi đến khi bầu cử giữa nhiệm kỳ rồi mới công bố quyết định chạy đua bầu cử tổng thống vào năm 2024.

Theo SCMP