1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hiệu quả đột phá của vắc xin với người từng mắc Covid-19 trước chủng Delta

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ công bố một nghiên cứu mới kêu gọi những người từng mắc và hồi phục khỏi bệnh Covid-19 vẫn nên đi tiêm phòng vì hiệu quả đột phá của vắc xin có thể ngăn họ không bị tái nhiễm chủng Delta nguy hiểm.

Hiệu quả đột phá của vắc xin với người từng mắc Covid-19 trước chủng Delta - 1

Vắc xin được xem là vũ khí mạnh mẽ chống lại Covid-19 (Ảnh: Reuters).

Theo AP, bản báo cáo ngày 6/8 của trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) chỉ ra bằng chứng khoa học cho thấy, những người từng mắc Covid-19 sau khi tiêm vắc xin sẽ tăng đáng kể các tế bào miễn dịch chống lại virus, đồng nghĩa với việc sở hữu khả năng bảo vệ cơ thể mạnh mẽ trước các biến chủng mới.

Theo đó, nghiên cứu chỉ ra rằng những người từng mắc Covid-19 không đi tiêm chủng có nguy cơ tái nhiễm virus cao hơn gấp đôi so với những người được tiêm chủng.

"Nếu bạn từng mắc Covid-19 trước đó, hãy vẫn đi tiêm chủng. Tiêm vắc xin là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và những người xung quanh bạn, đặc biệt trước biến chủng nguy hiểm Delta đang lây lan khắp cả nước", giám đốc CDC Rochelle Walensky cho biết.

Theo một khảo sát mới của Gallup, một trong những lý do chính khiến nhiều người Mỹ không có kế hoạch đi tiêm vắc xin là vì họ tin rằng họ đã có kháng thể bảo vệ sau khi mắc Covid-19. Từ trước đó, các quan chức y tế đã kêu gọi những người từng mắc Covid-19 hãy đi tiêm chủng. Các mũi tiêm có thể không mang lại hiệu quả bảo vệ hoàn hảo, nhưng nó giúp ngăn chặn một cách mạnh mẽ nguy cơ bị ốm nặng phải nhập viện hoặc tử vong do nhiễm Delta.

Theo AP, các nhà khoa học nói rằng, việc từng mắc Covid-19 sẽ thường khiến những người sống sót không bị tái nhiễm một cách nghiêm trọng với một biến thể tương tự của virus. Tuy nhiên, các xét nghiệm máu cho thấy, với các biến chủng đáng lo ngại, kể cả với người từng mắc Covid-19, khả năng chống chịu của nhiều người trước mầm bệnh giảm đi đáng kể.

Báo cáo mới nhất của CDC đã cung cấp bằng chứng thực tế về điều trên. Các nhà khoa học nghiên cứu một nhóm người dân Kentucky từng mắc Covid-19 vào năm 2020, phần lớn từ tháng 10-12 năm ngoái. CDC so sánh 246 người bị tái nhiễm virus vào tháng 5 hoặc tháng 6 với 492 người vẫn sống khỏe mạnh. Kết quả cho thấy, những người từng mắc Covid-19 mà không đi tiêm vắc xin có nguy cơ tái nhiễm virus cao hơn nhiều so với những người đã tiêm chủng đầy đủ, dù họ cùng từng sống sót trước mầm bệnh từ 6 - 9 tháng trước đó.

Nghiên cứu của CDC chỉ ra rằng, miễn dịch tự nhiên có từ việc từng mắc Covid-19 không đủ mạnh như miễn dịch mà những người đi tiêm chủng có được.

"Không có gì đáng nghi ngờ rằng việc tiêm vắc-xin cho người sống sót trước Covid-19 sẽ tăng cường khả năng miễn dịch để bảo vệ họ không chỉ trước chủng gốc mà còn các biến chủng", nhà dịch tễ học hàng đầu nước Mỹ Anthony Fauci nhận định.

Trong một nghiên cứu riêng rẽ, các nhà khoa học từ đại học Rush, Chicago, chỉ ra rằng người từng mắc Covid-19 nếu được tiêm thêm một liều vắc xin tăng cường sẽ tăng đáng kể tế bào miễn dịch so với người chưa từng mắc Covid-19 mà tiêm chủng đủ 2 mũi.

Một nghiên cứu gần đây đăng trên tạp chí Khoa học và Tự nhiên chỉ ra rằng, sự kết hợp giữa việc từng mắc Covid-19 và tiêm chủng giúp tăng năng lực miễn dịch của con người trước virus không ngừng biến đổi. Khái niệm này được nhà virus học Shane Crotty thuộc Viện Miễn dịch học La Jolla ở California gọi là "miễn dịch lai".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm