1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hiểm họa khôn lường khi máy bay va chạm với chim

Bảo Châm

(Dân trí) - Va chạm với chim là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn máy bay và các nước đã phải tìm cách phòng tránh mối nguy hại này.

Hiểm họa khôn lường khi máy bay va chạm với chim - 1

Đàn chim bay gần một máy bay chuẩn bị hạ cánh tại sân bay quốc gia Reagan ở Washington, Mỹ (Ảnh: Getty).

Các chuyên gia đang đặt nghi vấn về giả thuyết ban đầu rằng va chạm với chim là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn thảm khốc của chuyến bay 7C2216 thuộc hãng hàng không Jeju Air tại Hàn Quốc, khiến 179 người thiệt mạng.

Chiếc Boeing 737-800 ban đầu được cho là đã bị rơi sau khi va chạm với một đàn chim vào hôm 29/12, sau một loạt tin nhắn của hành khách lan truyền trên mạng.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhanh chóng đưa ra các giả thuyết khác, bao gồm lỗi kỹ thuật, cho rằng va chạm với chim không thể là nguyên nhân duy nhất dẫn đến sự cố đồng thời ở nhiều bộ phận quan trọng.

Mặc dù chưa thể xác định điều gì đã thực sự xảy ra, nhưng va chạm với chim là một rủi ro phổ biến đối với máy bay. Nó có thể gây hư hại, thậm chí dẫn đến thương vong.

Va chạm với chim là tình huống máy bay đâm phải chim trong lúc hoạt động. Tuy nhiên, định nghĩa này đôi khi được mở rộng để bao gồm cả các vụ va chạm trên mặt đất với động vật như hươu, thỏ, chó và cá sấu.

Vụ va chạm với chim đầu tiên được ghi nhận bởi Orville Wright vào năm 1905, trên một cánh đồng ngô ở Ohio, Mỹ.

Hiện nay, các vụ việc này xảy ra hàng ngày, với tần suất thay đổi theo mùa do sự di cư của các loài chim.

Năm 2009, một vụ va chạm với chim di cư đã xảy ra ở Mỹ. Cụ thể, ngay sau khi cất cánh từ sân bay LaGuardia, New York, chuyến bay 1549 của hãng US Airways gặp phải một đàn ngỗng Canada đang di cư khiến cả hai động cơ của máy bay đều bị hỏng. Cơ trưởng Sully Sullenberger đã buộc phải điều khiển máy bay hạ cánh không động cơ trên sông Hudson.

Từ năm 2008 đến năm 2017, Ủy ban An toàn Giao thông Australia đã ghi nhận 16.626 vụ va chạm với chim. Tại Mỹ, Cơ quan Quản lý Hàng không Liên bang (FAA) báo cáo có tới 17.200 vụ va chạm với chim chỉ riêng trong năm 2022.

Hậu quả khôn lường của các vụ va chạm với chim

Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), 90% vụ va chạm với chim xảy ra gần sân bay. Thông thường, những vụ việc này xảy ra khi máy bay đang cất cánh, hạ cánh, hoặc bay ở độ cao thấp, nơi diễn ra hầu hết các hoạt động của chim.

Tác động của va chạm với chim phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm loại máy bay. Hậu quả có thể kể đến là tắt động cơ, như trường hợp của chuyến bay Virgin Australia. Máy bay này là Boeing 737-800, có khả năng bay với một động cơ duy nhất và điều hướng đến một sân bay thay thế.

Ở máy bay nhỏ, đặc biệt là máy bay động cơ đơn, va chạm với chim có thể gây tử vong. Kể từ năm 1988, đã có 262 trường hợp tử vong do va chạm với chim được ghi nhận trên toàn cầu và 250 máy bay bị phá hủy.

Va chạm với chim là mối lo ngại lớn đối với các sân bay và cơ quan hàng không trong nhiều năm. Tại Mỹ, va chạm với động vật gây thiệt hại hơn 900 triệu USD cho máy bay mỗi năm và đã gây ra hơn 250 trường hợp tử vong kể từ năm 1988.

Dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Hàng không Liên bang Mỹ và Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy va chạm giữa chim và máy bay đang gia tăng về tần suất.

Từ năm 1990 đến năm 2023, đã có 296.613 vụ va chạm với động vật hoang dã trên toàn cầu, phần lớn là va chạm với chim. Chỉ riêng trong năm 2023, có 19.603 vụ va chạm được ghi nhận, trong đó 3,6% gây ra thiệt hại.

Va chạm với chim đặc biệt nguy hiểm trong quá trình cất cánh và hạ cánh, khi máy bay ở độ cao thấp và dễ bị tổn thương nhất.

Các nhà sản xuất máy bay và phi công phòng ngừa ra sao?

Hầu hết các vụ va chạm với chim xảy ra vào sáng sớm hoặc hoàng hôn, khi chim hoạt động tích cực nhất. Các phi công được huấn luyện để tăng cường cảnh giác trong những thời điểm này.

Radar có thể được sử dụng để theo dõi đàn chim. Tuy nhiên, công nghệ này chủ yếu trên mặt đất và không có sẵn trên toàn cầu, do đó không thể áp dụng ở mọi nơi.

Hai nhà sản xuất máy bay chở khách lớn nhất, Boeing và Airbus, sử dụng động cơ phản lực cánh quạt. Những động cơ này sử dụng một loạt cánh quạt để nén không khí trước khi thêm nhiên liệu và ngọn lửa để tạo ra lực đẩy cần thiết cho cất cánh.

Chim đâm vào một trong những động cơ này có thể gây hư hỏng nghiêm trọng cho cánh quạt, khiến động cơ bị hỏng. Các nhà sản xuất kiểm tra độ an toàn của những động cơ này bằng cách bắn một con gà đông lạnh tốc độ cao vào động cơ khi nó đang hoạt động hết công suất.

Thông tư của Cơ quan An toàn Hàng không Dân dụng Australia về quản lý nguy cơ động vật hoang dã nêu rõ các biện pháp mà sân bay cần thực hiện để ngăn chim và động vật tiếp cận khu vực sân bay.

Một trong những phương pháp là sử dụng các vụ nổ khí nhỏ để tạo âm thanh giống như súng trường, nhằm xua đuổi chim không tụ tập gần đường băng. Ở những khu vực có mật độ chim cao, sân bay cũng có thể sử dụng một số loại cỏ và cây không thu hút chim.

Theo Telegraph, Washington Post