Hết tiền, hết gạo, hết xăng: Khủng hoảng khiến chính phủ Sri Lanka sụp đổ
(Dân trí) - Tổng thống và Thủ tướng Sri Lanka đồng ý từ chức trước sức ép từ làn sóng biểu tình bùng phát sau những giận dữ, bất bình âm ỉ lâu nay với cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị của đất nước.
Lửa giận dữ lan đến dinh tổng thống
Sáng 9/7, khoảng 100.000 người biểu tình đã bao vây và xông vào bên trong dinh tổng thống ở thủ đô Colombo của Sri Lanka. Tổng thống Gotabaya Rajapaksa buộc phải chạy khỏi dinh thự để đảm bảo an toàn. Một đoạn phát trực tiếp trên Facebook ghi lại khung cảnh bên trong nhà của tổng thống cho thấy hàng trăm người biểu tình tập trung bên trong các phòng và hành lang, hô vang các khẩu hiệu phản đối nhà lãnh đạo 73 tuổi.
Trong khi đó, những người biểu tình quá khích cũng xông vào dinh thự của Thủ tướng Ranil Wickremesinghe ở một khu phố nhà giàu tại Colombo và phóng hỏa.
Để xoa dịu dư luận và đảm bảo một quá trình chuyển giao quyền lực trong hòa bình, Tổng thống Rajapaksa và Thủ tướng Wickremesinghe đồng ý từ chức vào ngày 13/7 tới. Quyết định này lập tức kéo theo những tràng pháo hoa ăn mừng khắp thủ đô Colombo.
Sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Rajapaksa dường như đã được dự báo từ trước khi nước này ngày càng lún sâu vào khủng hoảng. Hồi đầu tháng 4, gần như toàn bộ nội các của Sri Lanka đã đệ đơn từ chức, trừ các anh em nhà Tổng thống và Thủ tướng.
Khủng hoảng hết tiền, hết xăng, hết lương thực
Cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka đang thể hiện ra ở mọi khía cạnh, từ khủng hoảng lương thực, khủng hoảng nhiên liệu đến khủng hoảng tiền mặt. Hồi tháng 5, lần đầu tiên trong lịch sử, Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ vì không thể thanh toán các khoản nợ nước ngoài hơn 51 tỷ USD. Chính phủ đổ lỗi cho đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến thương mại và du lịch - nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của nước này.
Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Ali Sabri cho biết Sri Lanka chỉ còn lượng dự trữ ngoại hối dưới 50 triệu USD, vì vậy nước này cần các khoản viện trợ hàng hóa thiết yếu.
Ông Sabri thừa nhận: "Tôi không biết mọi người có nhận ra tính chất nghiêm trọng của tình hình hiện nay hay không, nhưng Sri Lanka đang trải qua giai đoạn khó khăn về kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi dành được độc lập năm 1948, với tình trạng thiếu điện, thiếu trầm trọng lương thực, nhiên liệu và thuốc men khiến cuộc sống của người dân khốn đốn".
Sri Lanka vốn phụ thuộc vào nhập khẩu nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, lương thực và thuốc men. Liên Hợp Quốc ước tính, khoảng 4/5 người dân Sri Lanka đã bắt đầu bỏ bữa vì không đủ tiền ăn. Hàng loạt gia đình đang phải trông chờ tiếp tế gạo từ chính phủ, cũng như các quỹ từ thiện và người hảo tâm.
Thông thường, các nước sẽ cố gắng duy trì lượng ngoại hối đủ để có thể nhập khẩu hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống của người dân, song giờ đây, Sri Lanka đang rơi vào cuộc khủng hoảng thiếu tất cả những mặt hàng này và chính phủ đổ lỗi do "giá tăng". Theo số liệu của chính phủ Sri Lanka, lạm phát trong tháng 6 của nước này đã lên 54,6%, trong đó chi phí vận tải tăng 123%, thực phẩm tăng 80%. Để đối phó lạm phát, Sri Lanka đang có kế hoạch ngừng in tiền.
Từ cuối tháng trước, Sri Lanka đã bắt đầu đóng cửa trường học và tạm dừng tất cả dịch vụ không thiết yếu, chỉ những nhân viên chủ chốt đi làm trong các văn phòng chính phủ. Bệnh viện buộc phải ngừng các dịch vụ phẫu thuật không khẩn cấp do mất điện và thiếu thuốc men. Biện pháp này nhằm hạn chế việc đi lại, tiết kiện nhiên liệu trong bối cảnh nước này gần như cạn xăng dầu.
Cuộc khủng hoảng kéo dài trên mọi mặt đời sống đã làm dấy lên làn sóng biểu tình nhiều tháng trở lại đây yêu cầu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức.
Sai lầm nối tiếp sai lầm
Những khó khăn của Sri Lanka được cho phần nào do tác động ngoại cảnh như đại dịch Covid-19, khủng hoảng Ukraine, nhưng nguyên nhân chính bắt nguồn từ những sai lầm chính sách điều hành đất nước của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và em trai ông là cựu Thủ tướng Mahinda Rajapaksa. Những sai lầm này xuất hiện ngay từ khi nhà Rajapaksa lên cầm quyền, như việc xóa bỏ chính sách thắt lưng buộc bụng, cắt giảm thuế, in tiền số lượng lớn dẫn đến lạm phát tăng phi mã hay từ chối tái cơ cấu nợ.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Tổng thống Rajapaksa đã bị chỉ trích vì những đợt cắt giảm thuế lớn mà ông đưa ra vào năm 2019. Bộ trưởng Tài chính Sabri cho biết những điều này khiến chính phủ Sri Lanka mất nguồn thu hơn 1,4 tỷ USD mỗi năm.
Khi tình trạng thiếu hụt ngân sách nói chung và ngoại tệ nói riêng của Sri Lanka trở thành một vấn đề nghiêm trọng vào đầu năm 2021, chính phủ đã cố gắng hạn chế bằng cách cấm nhập khẩu phân bón hóa học để thúc đẩy hoạt động canh tác hữu cơ có nguồn gốc địa phương. Tuy nhiên, kế hoạch trên đã thất bại. Sri Lanka rơi vào cảnh mất mùa diện rộng, buộc phải bổ sung dự trữ lương thực từ nước ngoài. Điều này càng khiến tình trạng thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng hơn nữa.
Vấp phải sự phản ứng ngày càng dữ dội của người dân, chính phủ Sri Lanka buộc phải rút lại lệnh cấm nhập khẩu phân bón vào cuối năm ngoái. Bộ Nông nghiệp nước này kêu gọi người dân canh tác tại nhà để đối phó cuộc khủng hoảng hiện nay. Trong 3 tháng tới, Sri Lanka phép công chức nghỉ làm thứ 6 hàng tuần để canh tác. Tất nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, và tình trạng khan hiếm lương thực, nhiên liệu sẽ còn ảnh hưởng đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân Sri Lanka một thời gian dài nữa.
Cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka được cho là cũng bắt nguồn từ việc lạm dụng vay nợ nước ngoài. Chính phủ Sri Lanka đã vay hàng tỷ USD của nước ngoài nhiều năm liên tiếp. Trung Quốc là một trong những chủ nợ lớn nhất của quốc gia châu Á này. Tính đến cuối năm 2020, Sri Lanka nợ Trung Quốc khoảng 3,5 tỷ USD và chủ yếu dành cho các dự án hạ tầng như xây dựng cảng biển. Sri Lanka đã phải cho Trung Quốc thuê cảng chiến lược Hambantota trong 99 năm để hoán đổi khoản nợ 1,2 tỷ USD.
Nhiều người tin rằng, mối quan hệ kinh tế của Sri Lanka với Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến quốc gia này rơi vào khủng hoảng, một hiện tượng mà Mỹ gọi là "ngoại giao bẫy nợ". Tuy nhiên, đến nay vẫn có nhiều tranh cãi về điều này.
"Chính phủ của ông Rajapaksa lẽ ra nên từ bỏ một số dự án hạ tầng do Trung Quốc đầu tư, vốn chịu phí quản lý nợ cao nhưng mức thu lợi nhuận thấp. Đáng lẽ, họ nên tăng sản xuất nông nghiệp thay vì thử nghiệm với thực phẩm hữu cơ và cấm phân bón hóa học", Seshadri Chari, chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại và chiến lược của Ấn Độ, nhận định.
Trong khi đó, Umesh Moramudali, nhà nghiên cứu kinh tế chuyên về nợ công ở Sri Lanka và thương mại quốc tế của Đại học Warwick tại Anh, cho rằng những dự án do Trung Quốc đầu tư ở Sri Lanka tuy gây lo ngại về tính bền vững kinh tế và tính chất cần thiết ngay từ khi bắt đầu, nhưng lập luận cho rằng Bắc Kinh tạo "bẫy nợ" với quốc đảo này là không thuyết phục.