1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ toàn bộ 51 tỷ USD nợ nước ngoài

Nhật Linh

(Dân trí) - Sau vài tuần bất ổn về kinh tế, đảo quốc Sri Lanka đã chính thức tuyên bố không trả được toàn bộ khoản nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD sau khi hết ngoại hối để nhập khẩu.

Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ toàn bộ 51 tỷ USD nợ nước ngoài - 1

Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Sri Lanka đã gây ra tình trạng khốn khổ cho 22 triệu người dân đảo quốc Nam Á. (Ảnh: Shutterstock).

Sri Lanka đang phải vật lộn với cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập, với tình trạng mất điện diễn ra thường xuyên và thiếu hụt thực phẩm, nhiên liệu trầm trọng.

Bộ Tài chính Sri Lanka cho biết trong một tuyên bố rằng các chủ nợ, bao gồm các chính phủ nước ngoài, có thể chọn vốn hóa (cộng vào nợ gốc) bất kỳ khoản thanh toán lãi vay nào đến hạn hôm nay hoặc nhận khoản thanh toán bằng đồng rupee Sri Lanka.

Colombo coi biện pháp khẩn cấp này là giải pháp cuối cùng để ngăn chặn tình trạng tài chính của nước cộng hòa này ngày càng xấu hơn.

Sri Lanka cũng cho rằng vụ vỡ nợ trước mắt là để đảm bảo "công bằng và đối xử bình đẳng với tất cả các chủ nợ" trước chương trình phục hồi mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ cho quốc gia Nam Á này.

Theo AFP, Sri Lanka đang nợ nước ngoài đến 51 tỷ USD. Trong năm nay, nước này phải thanh toán 4 tỷ USD, bao gồm 1 tỷ USD trái phiếu chính phủ đáo hạn vào tháng 7. Tuy nhiên, theo ngân hàng trung ương nước này, tính đến cuối tháng 3, nguồn dự trữ ngoại hối của Sri Lanka còn 1,93 tỷ USD.

Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Sri Lanka bắt đầu nổi lên khi nước này không thể nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu sau khi đại dịch làm sụt giảm doanh thu từ du lịch và kiều hối. Chính phủ Sri Lanka đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu ồ ạt để bảo tồn nguồn dự trữ ngoại hối và sử dụng chúng để trả nợ.

Cuộc khủng hoảng đã gây ra tình trạng khốn khổ cho 22 triệu người dân Sri Lanka, khiến tình trạng thiếu hụt thực phẩm và nhiên liệu trầm trọng. Mỗi ngày người dân Sri Lanka phải xếp hàng dài trên khắp đảo quốc để mua các loại hàng hóa khan hiếm như xăng, khí đốt và dầu hỏa để nấu ăn.

Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đã hạ cấp tín nhiệm đối với Sri Lanka từ năm ngoái, nhằm ngăn chặn một cách hiệu quả nước này truy cập vào thị trường vốn nước ngoài để huy động các khoản vay cần thiết cho nhập khẩu.

Sri Lanka đã tìm cách giảm nợ từ Ấn Độ và Trung Quốc nhưng thay vào đó cả hai nước này lại cấp nhiều hạn mức tín dụng hơn để Sri Lanka có thể mua hàng hóa từ nước họ.

Các số liệu chính thức cho thấy Trung Quốc và Nhật Bản là hai chủ nợ lớn của Sri Lanka, mỗi chủ nợ nắm giữ khoảng 10% nợ nước ngoài của nước này, trong khi Ấn Độ nắm dưới 5%.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm