1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hé lộ kế hoạch di tản tuyệt mật của Mỹ năm 1975

Tháng 4-1975, Mỹ đã xây dựng những kế hoạch tuyệt mật, di tản trẻ em Việt Nam, người Mỹ, quan chức và điệp viên của CIA khỏi Sài Gòn.

40 năm trước, giây phút 5 cánh quân của Quân giải phóng nhân dân Việt Nam tiến vào giải phóng Sài Gòn đã trở thành thời khắc đau đớn nhất trong lịch sử của nước Mỹ, trong thế kỷ 20.

30-4-2015 là ngày kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Việt Nam nhưng cũng là ngày nước Mỹ kỷ niệm 40 năm thất bại duy nhất và cũng là đau đớn nhất trong lịch sử hàng chục cuộc chiến tranh ở khắp nơi trên thế giới của họ.

Mỗi khi nghĩ về giai đoạn bi thảm đó, những chính khách, quan chức quân sự và điệp viên Mỹ đã từng trải qua những giây phút cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam không thể quên được giây phút lên trực thăng trên nóc Đại sứ quán Mỹ để chạy trốn khỏi Sài Gòn.

Hiện nay, trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ở khắp nơi trên thế giới, cuộc chiến ở Việt Nam vẫn mãi là một bài học kinh nghiệm xương máu. Cứ mỗi ngày cuối tháng 4 hàng năm, những người đã từng tham gia “cuộc đào thoát vĩ đại” này lại nhớ về những giây phút kinh hoàng này.

Sài Gòn, buổi chiều trước ngày 30-4-1975

Quan chức Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) Frank Snepp cũng như tất cả những quan chức người Mỹ có mặt trong Đại sứ quán Hoa Kỳ đang nóng ruột như lửa đốt.

Bước chân của Quân giải phóng nhân dân Việt Nam đang ngày một gần, tình hình trong và ngoài Đại sứ quán Mỹ cũng đang ngày càng hỗn loạn, Snepp cần phải sơ tán gấp tất cả những điệp viên và bằng hữu của mình trước khi “Việt Cộng” đánh chiếm Sài Gòn.
 
Trực thăng Mỹ từ tàu chiến bay vào Sài Gòn di tản công dân Mỹ
Trực thăng Mỹ từ tàu chiến bay vào Sài Gòn di tản công dân Mỹ

Cũng trong giây phút Snepp chỉ huy “cuộc đào thoát vĩ đại”, tại văn phòng của mình tại Nhà Trắng, Tổng thống Ford đang ngồi một mình trong “Phòng bầu dục”, quan sát cảnh tượng trực thăng của hải quân đánh bộ Mỹ sơ tán những công dân Hoa Kỳ cuối cùng trên nóc ở trên nóc tòa Đại sứ Mỹ.

Sau này, trong một buổi phỏng vấn, vị cựu Tổng thống Mỹ này đã nhớ lại: “Ngày 30-4-1975 là thời khắc ám ảnh suốt cuộc đời tôi khi đích thân nhìn thấy người Mỹ bị hất cẳng khỏi Việt Nam”. Trong suốt hơn 10 năm can dự vào cuộc chiến tranh ở mảnh đất nhiệt đới này, Mỹ đã tổn thất 58.000 quân.

Niềm tin đánh mất

Vào năm 2000, thư viện cá nhân của cựu Tổng thống Ford cũng đã công khai một số tài liệu tuyệt mật, giải mật một số nội tình trong những giây phút cuối cùng của cuộc chiến tranh 25 năm về trước và hé lộ cảm nghĩ của những “người trong cuộc”.

Những tài liệu này đề cập đến tâm trạng của 2 chứng nhân vô cùng quan trọng trong thời điểm đó: Sự day dứt không nguôi của Điệp viên cao cấp Cục tình báo trung ương Mỹ CIA tại Đại sứ quán Mỹ ở Nam Việt Nam và lý tưởng sống của điệp viên-tình báo, nguyên phóng viên của tờ báo Mỹ “Times” Phạm Xuân Ẩn.

Sau 5 năm ở Việt Nam, điệp viên cao cấp rất mẫu mực của CIA Frank Snepp đã hoàn toàn đánh mất niềm tin. 5 năm trước, khi một người đàn ông rất đẹp trai từ Bắc Carolina sang làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Nam Việt Nam, dưới quyền của Đại sứ Mỹ Graham Martin, anh đặc biệt ngưỡng mộ sự thông minh và nhiệt huyết của ông.
 
Điệp viên cao cấp CIA Frank Snepp - thời điểm trước khi Sài Gòn thất thủ

Điệp viên cao cấp CIA Frank Snepp - thời điểm trước khi Sài Gòn thất thủ

Điều mà Snepp kính phục nhất là vào năm 1973, vị Đại sứ này đã có một câu nói không những làm phấn chấn cả chế độ Việt Nam Cộng hòa mà còn khích lệ tinh thần người Mỹ là: “Tôi sẽ không bao giờ để Việt Nam rơi vào tay chế độ Cộng sản”. Thế nhưng đến mùa xuân năm 1975, niềm tin này đã sụp đổ.

Lúc này, quân lực Việt Nam Cộng hòa đang vùng vẫy trong vô vọng, Quốc hội Mỹ cũng không còn viện trợ dễ dãi cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa như cho kẹo một đứa trẻ nữa. Và dĩ nhiên là câu nói bất hủ “Nước Mỹ không thể bị đánh bại” của ông Martin cũng không còn là một “liều thuốc thần”.

Kế hoạch di tản tuyệt mật

Ngày 17-4-1975, Frank Snepp đã nắm được một thông tin “động trời” từ một điệp viên 2 mang. Điệp viên này thông báo với Snepp một thông tin tình báo chiến lược là “Việt Cộng” đã xây dựng kế hoạch giải phóng Sài Gòn đúng vào ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là 19-5, nếu không có biến động gì, cuộc Tổng công kích có thể bắt đầu vào ngày 1-5.

Snepp vội vã báo cáo tin tức tuyệt mật về “Chiến dịch Hồ Chí Minh” với Đại sứ Martin và tổng bộ CIA ở Hoa Kỳ, cùng với Văn phòng trợ lý An ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ. Thế nhưng, Đại sứ Martin không tin vào những thông tin mà ông báo cáo, Snepp lập tức nổi cơn điên.

Rất may mắn là Tổng thống Ford đặc biệt chú ý tới thông tin tình báo tối khẩn mà Snepp gửi về từ Sài Gòn. Ngay trong đêm đó, Tổng thống Mỹ đã triệu tập một cuộc họp bí mật khẩn cấp với những cộng sự thân cận và đưa ra 2 quyết định cực kỳ quan trọng.
Những trẻ em Việt Nam trong chuyến bay từ Sài Gòn đến thành phố San Francisco ở Mỹ, tháng 4-1975
Những trẻ em Việt Nam trong chuyến bay từ Sài Gòn đến thành phố San Francisco ở Mỹ, tháng 4-1975

Thứ nhất: Lập tức giảm số lượng quan chức và nhân viên nguời Mỹ ở Đại sứ quán tại Sài Gòn xuống còn 1250 người. Trong tình huống khẩn cấp, toàn bộ số người này sẽ được sơ tán bằng trực thăng của lực lượng hải quân đánh bộ từ các tàu chiến gần bờ biển Nam Việt Nam trong vòng 1 ngày.

Thứ 2: Lần lượt sơ tán khoảng 200.000 người, bao gồm: các quan chức chính quyền Việt Nam Cộng hòa và gia quyến; “tay chân”, “vợ hờ” của các quan chức quân sự, dân sự Mỹ và những đứa trẻ có huyết thống Mỹ. Tốp đầu tiên có thể được di tản bằng máy bay ở sân bay Tân Sơn Nhất vài ngày sau cuộc họp.

Tuy mãi đến ngày 21-4-1975 chiến dịch di tản theo quyết định số 2 mới bắt đầu được triển khai nhưng trên thực tế từ trước đó, Hoa Kỳ đã tiến hành một chiến dịch khác, di tản hàng nghìn trẻ em Việt Nam mà họ coi là “trẻ mồ côi” hay “trẻ vô gia cư” sang Mỹ.
Khái lược về chiến dịch “Operation Babylift” (Không vận Trẻ em) của Mỹ
 
Ngay từ đầu tháng 4-1975, sau khi Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa… liên tiếp thất thủ, dự cảm trước thất bại không thể cứu vãn của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, Washington đã triển khai kế hoạch di tản hàng nghìn trẻ em Việt Nam sang Hoa Kỳ.
 
Đầu tháng 4-1975, quân đội Mỹ thực hiện chiến dịch “Operation Babylift” (Không vận Trẻ em) đưa hàng nghìn người con Việt Nam rời khỏi quê hương. Ngày 2-4-1975, chuyến bay đầu tiên chở gần 60 trẻ em đã cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất, mặc dù một ngày sau, tổng thống Mỹ Gerald R. Ford mới chính thức phê chuẩn chiến dịch.
 
Những trẻ em Việt Nam trong chuyến bay từ Sài Gòn đến thành phố San Francisco ở Mỹ, tháng 4-1975

Những thành viên Babylift năm xưa đã trở về Việt Nam vào giữa tháng 6/2005, 30 năm sau khi máy bay đưa họ rời khỏi quê hương
 
Tính tổng cộng, quân đội Mỹ đã tiến hành hơn 30 chuyến bay kể từ khi bắt đầu vào ngày 2-4-1975. Chuyến bay cuối cùng rời khỏi Sài Gòn cất cánh ngày 26-4-1975, ba ngày trước khi người Mỹ hoàn toàn sơ tán khỏi Việt Nam. Theo ước tính, Mỹ đã đưa gần 2.700 trẻ em rời Việt Nam.
 
Washington tuyên bố, “Operation Babylift” là một chiến dịch nhân đạo, phần lớn trẻ mà họ đưa rời khỏi Việt Nam là trẻ mồ côi ở nhiều độ tuổi. Những đứa trẻ này có thể mất bố, mẹ vì chiến tranh, bị bỏ rơi, hoặc là con của lính Mỹ với phụ nữ Việt Nam trong thời chiến.
 
Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích rằng, không phải tất cả các em đều là trẻ mồ côi như Washington khẳng định. Ngoài ra, nhiều người không đồng tình về hành động tự quyết định số phận của người khác của Hoa Kỳ, khi tách những đứa trẻ này khỏi đất nước và cội nguồn dân tộc.
 
Nhiều thập kỷ qua, những đứa trẻ Babylift đã trưởng thành và dù sống trong sự thương yêu của bố mẹ nuôi, những trẻ em được đưa sang Mỹ ngày xưa vẫn liên tục tìm kiếm gốc gác, cội nguồn bản thân. Nguyện vọng của họ là tìm thấy đấng sinh thành hoặc người thân ở Việt Nam.
 
Những thành viên Babylift năm xưa đã tập hợp lại và trở về Việt Nam vào tháng 6-2005. Dù cũng đã có những trường hợp tìm lại được người thân nhưng 3 thập kỷ đã trôi qua, cha mẹ của những đưa trẻ này cũng đã già, người còn-người mất, thông tin mờ mịt nên không nhiều người thực hiện được nguyện vọng của mình.

(Xem tiếp kỳ sau: Kế hoạch di tản của Mỹ năm 1975: Cấp tốc thoát thân)

  Theo Thiên Nam
Đất Việt