Hành trình Mỹ trở thành đồng minh thân thiết nhất của Israel
(Dân trí) - Trong những tuần gần đây, các quan chức và lãnh đạo Mỹ đã nhiều lần nhắc lại sự ủng hộ vững chắc đối với Israel, cả về mặt ngoại giao, tài chính và quân sự.
Ông Biden, người từng chỉ trích chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, khẳng định: "Chúng tôi sát cánh cùng Israel… Và chúng tôi sẽ đảm bảo rằng Israel có những gì họ cần để chăm sóc công dân của mình, tự bảo vệ mình và đáp trả cuộc tấn công này."
Trong khi xuất hiện cùng ông Netanyahu, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã nói: "Các bạn có thể đủ mạnh mẽ để tự bảo vệ mình, nhưng miễn là nước Mỹ còn tồn tại, các bạn sẽ không bao giờ phải làm vậy. Chúng tôi sẽ luôn ở bên cạnh bạn".
Bất chấp một số bất đồng chính sách trong quá khứ, Mỹ đến nay vẫn tiếp tục viện trợ vô điều kiện cho Israel, với tổng giá trị 158 tỷ USD (chưa điều chỉnh theo lạm phát) kể từ Thế chiến thứ 2 - lớn hơn các khoản viện trợ Mỹ từng dành cho các nước khác.
Lược sử quan hệ Mỹ - Israel
Mỹ có lập trường ủng hộ thành lập nhà nước Do Thái sau Thế chiến thứ 2 nhưng quan hệ song phương không có gì đáng chú ý trong những thập niên đầu. Mối quan hệ này chỉ thực sự bắt đầu phát triển sau năm 1967, thời điểm Israel một mình đánh bại liên minh các nước Ả-rập mà chỉ chịu thương vong tương đối thấp.
Trước cuộc chiến ấy, Mỹ luôn lo ngại về ảnh hưởng của Liên Xô trong khu vực, cũng như về việc xung đột leo thang và biến thành cuộc chiến ủy nhiệm. Nhưng Israel đã sớm chấm dứt giao tranh, từ đó trở thành đồng minh hấp dẫn trong mắt Mỹ, trong bối cảnh Washington đang bận tâm đến các vấn đề khác và không đủ khả năng can dự quân sự tại Trung Đông.
"Điều quan trọng của cuộc chiến năm 1967 là việc Israel đã đánh bại quân Ả-rập trong 6 ngày mà hoàn toàn không có sự trợ giúp quân sự từ Mỹ", Giáo sư lịch sử Joel Beinin tại Đại học Stanford, cho biết. "Điều đó cho Mỹ thấy "những người này rất giỏi. Hãy kết nối với họ. Và rồi mọi việc phát triển dần dần theo thời gian".
Lúc đầu, Mỹ chủ yếu tặng nhưng cũng bán vũ khí cho Israel, cũng như cho phép nước này vay hỗ trợ phát triển từ các ngân hàng Mỹ với lãi suất thấp hơn thị trường. Trong những năm 1980 và 1990, Mỹ và Israel bắt đầu hợp tác nghiên cứu, phát triển và sản xuất vũ khí.
Tới năm 1999, khi cựu Tổng thống Bill Clinton bắt đầu thúc đẩy hòa bình lâu dài giữa Israel và các nước láng giềng Ả-rập, Mỹ đã ký bản ghi nhớ đầu tiên trong số 3 bản ghi nhớ có thời hạn 10 năm cam kết cung cấp hàng tỷ USD viện trợ quân sự hàng năm.
Theo tiến sĩ Olivia Sohns, từng là phó giáo sư Lịch sử thuộc Đại học Trung Florida, sau vụ khủng bố 11/9/2001 và sự gia tăng bất ổn tại Trung Đông sau đó, chuyên môn của Israel trong lĩnh vực chống khủng bố và an ninh nội địa đã làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác chiến lược quân sự Mỹ - Israel.
Hiện tại, Israel nhận được 3,8 tỷ USD viện trợ quân sự hàng năm từ Mỹ theo bản ghi nhớ được ký vào năm 2019. Con số này chiếm khoảng 16% tổng ngân sách quân sự của Israel vào năm 2022 - một tỷ lệ đáng kể nhưng không lớn như trong quá khứ.
Giáo sư Beinin cho biết năng lực sản xuất của Israel hiện phát triển đến mức có rất ít vũ khí nước này không thể tự sản xuất mà không cần trợ giúp từ Mỹ. Ngoại lệ có thể là tiêm kích F-16 và F-35, nhưng ngay cả các bộ phận của các loại máy bay này hiện cũng được sản xuất tại Israel.
Điều này khiến Israel trở thành nước xuất khẩu quân sự lớn thứ 10 trên thế giới và cũng khiến Mỹ phải phụ thuộc ngược vào Israel.
Vì sao Mỹ tin rằng Israel gắn chặt với lợi ích của mình?
Các quan chức Mỹ từ lâu đã khẳng định rằng quan hệ Mỹ - Israel sẽ là lực lượng ổn định tình hình ở Trung Đông, giúp ngăn chặn tình trạng bất ổn có thể đe dọa khả năng tiếp cận nguồn cung dầu mỏ của mình trong khu vực.
Ban đầu, Israel đóng vai trò là lực lượng đối trọng với ảnh hưởng của Liên Xô, nhưng lối suy nghĩ này vẫn tồn tại sau Chiến tranh Lạnh. Nó càng trở nên phổ biến hơn sau vụ 11/9, khi người ta phát hiện ra rằng một số thủ phạm của vụ tấn công là công dân Ả-rập Xê-út, quốc gia mà Mỹ cũng coi là đồng minh quan trọng tại Trung Đông.
Từ đó, Mỹ đã nghiêng nhiều hơn vào Israel vì cho rằng giữa 2 bên chia sẻ nhiều giá trị và lợi ích chung hơn, như cam kết chung về dân chủ. Dù vậy, kế hoạch cải tổ cơ quan tư pháp gần đây của Thủ tướng Netanyahu - được cho là sẽ siết quyền lực của tòa án - đã làm dấy lên hoài nghi về cam kết dân chủ.
"Đó không chỉ là cam kết đạo đức lâu dài mà là cam kết chiến lược", ông Biden - khi ấy là Phó Tổng thống - nói vào năm 2013. "Một nước Israel độc lập, an toàn trong biên giới của mình và được thế giới công nhận sẽ phù hợp với lợi ích chiến lược thực tế của Mỹ. Tôi từng nói là… nếu không có Israel, chúng ta sẽ phải xây dựng nên một nước như vậy".
Gần đây, Israel đã trở thành trụ cột chính trong mục tiêu của Mỹ nhằm tạo ra một "Trung Đông hội nhập, thịnh vượng và an toàn", trong bối cảnh nước này muốn chuyển trọng tâm sang các khu vực khác trên thế giới.
Chính quyền ông Trump đã góp phần thúc đẩy các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số nước láng giềng có đa số người Hồi giáo như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain và Morocco.
Giới chuyên gia cho rằng cuộc tấn công của Hamas nhằm làm đổ bể các cuộc đàm phán do chính quyền ông Biden làm trung gian nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Ả-rập Xê-út để 2 nước này có thể thành lập mặt trận thống nhất chống lại Iran, nước hậu thuẫn Hamas.
Tuy nhiên, cuộc chiến ở Gaza có thể đe dọa vị thế của Israel trong việc đóng vai trò là phương tiện giúp Mỹ kiến tạo hòa bình trong khu vực.