1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đằng sau việc Mỹ dồn dập không kích Syria

An Hoàng

(Dân trí) - Washington có động thái đáp trả cứng rắn sau khi các lực lượng do Iran hậu thuẫn liên tục tấn công quân đội Mỹ tại Trung Đông.

Đằng sau việc Mỹ dồn dập không kích Syria - 1

Một chiến đấu cơ F-16 của Mỹ (Ảnh: Getty).

Trong 10 ngày qua, các căn cứ quân sự của Mỹ ở miền đông Syria và miền tây Iraq liên tục bị tập kích bởi tên lửa và máy bay không người lái. Tính đến hiện tại, lực lượng của Mỹ tại đây trở thành mục tiêu của ít nhất 22 cuộc tấn công.

Các vụ tập kích khiến hơn 20 quân nhân Mỹ bị thương nhẹ và một nhà thầu dân sự thiệt mạng.

Đầu tuần này, Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ có động thái đáp trả nếu các cuộc tập kích kiểu này tiếp diễn. Tuy nhiên, các vụ tập kích không có dấu hiệu dừng lại.

Washington quyết định đáp trả bằng các cuộc không kích. Các máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ đã phá hủy một nhà kho và một boongke chứa vũ khí được cho là của lực lượng do Iran hậu thuẫn ở Syria. Hiện chưa có thông tin về thương vong sau đòn trả đũa của Washington.

Đằng sau việc Mỹ dồn dập không kích Syria - 2

(Bản đồ: BBC)

Iran đứng sau các vụ tấn công nhằm vào quân đội Mỹ?

Giới quan sát quân sự cho rằng, những vụ tấn công nhằm vào quân đội ở Mỹ có thể do Lực lượng kháng chiến Hồi giáo Iraq tiến hành. Đây là một lực lượng mới nổi tại chiến trường Trung Đông, được tạo ra để hỗ trợ các nhóm vũ trang cực đoan ở Syria và Iraq kết hợp sức mạnh và trở thành một tổ chức quân sự lớn.

Tuy nhiên, lập luận trên vẫn có thể không hoàn toàn chính xác, cũng có ý kiến cho rằng lực lượng này được tạo ra nhằm che giấu vai trò quan trọng thực sự của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.

Đến thời điểm hiện tại, không có bằng chứng trực tiếp hoặc ít nhất là chưa có bằng chứng xác đáng nào được công khai chứng minh mối liên hệ giữa Iran và các cuộc tấn công thời gian qua. Tuy nhiên, các nhóm cực đoan cấu thành Lực lượng Kháng chiến Hồi giáo Iraq đều được thành lập, tài trợ hoặc hỗ trợ bởi Teheran.

Điều này không chứng minh nhóm vũ trang trên luôn nhất thiết phải tuân theo mệnh lệnh của Iran, nó chỉ thể hiện mối liên kết chặt chẽ giữa hai bên với nhau. Do đó, họ được coi là một phần của "trục kháng chiến" do Tehran thiết lập.

Các nhóm này rải rác khắp chảo lửa Trung Đông, từ Yemen đến bờ Địa Trung Hải. Mạng lưới này sở hữu lực lượng tinh nhuệ Hezbollah ở Li Băng, bao trùm tới cả nhóm Houthis ở Yemen cũng như nổi cộm nhất gần đây là Hamas ở Dải Gaza.

Tính toán của Mỹ sau các đòn không kích trả đũa

Đằng sau việc Mỹ dồn dập không kích Syria - 3

Tàu sân bay USS Gerald R Ford của Mỹ ở phía đông Địa Trung Hải (Ảnh: Getty).

Mỹ đã di chuyển hai tàu sân bay đến phía đông Địa Trung Hải và triển khai thêm các khí tài quân sự, đặc biệt là hệ thống phòng thủ tên lửa, ở các vùng lân cận xung quanh. Theo tuyên bố của Nhà Trắng, đây là những hành động nhằm răn đe và hạn chế các bên can thiệp quân sự vào khu vực Trung Đông gây đối đầu trực diện và căng thẳng khu vực leo thang.

Bên cạnh đó, động thái này còn nhằm tăng cường bảo vệ cho khoảng 900 binh sĩ Mỹ ở Syria và 2.500 quân ở Iraq. Nhiệm vụ chính cho sự hiện diện của các lực lượng này ở Trung Đông là hỗ trợ cho chiến dịch chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Sau cuộc tấn công của Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố: "Chúng tôi không thể chấp nhận được những cuộc tấn công do Iran hậu thuẫn nhằm vào lực lượng Mỹ và các cuộc tấn công này phải chấm dứt ngay lập tức. Iran muốn chơi trò "ném đá giấu tay" và liên tục phủ nhận trách nhiệm trong các vụ tấn công này nhưng Washington sẽ không làm ngơ".

Người đứng đầu Lầu Năm Góc cảnh báo: "Nếu các cuộc tấn công của lực lượng ủy nhiệm của Iran nhằm vào quân đội Mỹ tiếp diễn, chúng tôi sẽ không ngần ngại thực hiện thêm các biện pháp cần thiết để bảo vệ người dân của mình".

Lời khẳng định mang tính răn đe của Mỹ và tiềm lực không quân nước này khiến Teheran sẽ phải cân nhắc rất nhiều trước khi quyết định có nên để Hezbollah tổ chức một cuộc tấn công lớn nhằm vào Israel hay không.

Liệu xung đột có leo thang?

Kể từ khi căng thẳng ở Trung Đông bùng phát vào ngày 7/10, đây là lần gần nhất Mỹ sử dụng vũ lực trực tiếp. Cùng với tình trạng hỗn loạn tại Dải Gaza hiện tại và chiến dịch trả đũa đang được Israel nung nấu, các nhà phân tích nhận xét khu vực này sẽ sớm chẳng còn gì ngoài mùi thuốc súng.

Tuy nhiên, cách Mỹ phản ứng trong những cuộc tấn công gần đây được điều chỉnh một cách cẩn trọng hơn. Nhà Trắng được cho là đang thực sự nỗ lực răn đe thay vì công kích.

Mỹ đã nêu rõ những lo ngại và khẳng định "các cuộc tấn công chỉ nhằm mục đích tự vệ, bảo vệ cho quân nhân Mỹ ở Iraq và Syria".

Có thể thấy, tuyên bố này đang gửi đi thông điệp "các vị lùi lại một bước, chúng tôi cũng sẽ nhượng bộ".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết: "Chúng tôi tiếp tục kêu gọi tất cả các bên tránh hành động có thể khiến cuộc chiến leo thang và trở thành xung đột khu vực".

Theo Guardian, Al Jazeera