Hành trang lãnh đạo Mỹ - Triều mang tới bàn đàm phán tại Hà Nội
(Dân trí) - Cả Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đều có những suy tính nhất định khi bước tới bàn đàm phán tại Hà Nội trong bối cảnh mỗi nước đều kỳ vọng vào sự nhượng bộ của bên còn lại.
Tổng thống Donald Trump từng nói ông “không vội” hối thúc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, thay vào đó ông muốn tập trung hơn vào việc kiềm chế Bình Nhưỡng tái khởi động các vụ thử hạt nhân.
Tuy vậy, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 19/2, ông Trump cho biết ông kỳ vọng đạt được “sự tiến triển vượt bậc” tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai ở Hà Nội vào cuối tháng này.
Yêu cầu của Mỹ
Chính quyền Mỹ lâu nay vẫn thể hiện lập trường rõ ràng rằng, họ muốn chứng kiến tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên hoàn toàn, đầy đủ và có thể kiểm chứng. Washington muốn ông Kim Jong-un cam kết những biện pháp cụ thể để thúc đẩy tiến trình đó tại hội nghị thượng đỉnh ở Việt Nam.
Mỹ cũng muốn Triều Tiên giải giáp kho tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) cũng như chương trình chế tạo loại vũ khí này để giảm thiểu mối đe dọa về nguy cơ xảy ra tấn công hạt nhân nhằm vào lục địa Mỹ. Tuy nhiên nếu Mỹ tập trung quá nhiều vào khía cạnh này mà không triển khai các bước đi đồng thời để phi hạt nhân hóa, các đồng minh then chốt của Washington như Nhật Bản và Hàn Quốc có thể cảm thấy bất an sâu sắc.
Những bước đi này sẽ mang lại lợi thế cho ông Trump khi nội bộ nước Mỹ đang rối ren với hàng loạt vấn đề. Hơn nữa, đây cũng là điểm cộng quan trọng cho chiến dịch tái tranh cử của tổng thống Trump vào năm tới.
Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun gần đây nói rằng Mỹ không còn yêu cầu Triều Tiên phải cung cấp trước danh sách chi tiết các cơ sở tên lửa và hạt nhân của nước này - điều mà Bình Nhưỡng vẫn luôn phản đối. Thay vào đó, ông Biegun cho biết Triều Tiên có thể thực hiện yêu cầu này vào “thời điểm nào đó” trước khi phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Theo Washington Post, kịch bản lý tưởng nhất là Mỹ muốn thống nhất với Triều Tiên một lộ trình nhằm đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa, trong đó mỗi bên sẽ có những bước đi tương xứng trên con đường phi hạt nhân hóa và duy trì mối quan hệ thân thiện.
Các chuyên gia cho rằng Mỹ - Triều khó có thể đạt được lộ trình phi hạt nhân hóa chi tiết tại hội nghị thượng đỉnh lần này do các bên vẫn thiếu lòng tin vào nhau. Hơn nữa, các cuộc đàm phán cũng vừa mới bắt đầu. Tuy nhiên theo chuyên gia Duyeon Kim tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, đây là một mục tiêu quan trọng.
Ưu tiên của Triều Tiên
Ưu tiên hàng đầu của Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh với Mỹ lần này là nới lỏng trừng phạt. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tuyên bố rõ rằng ông muốn thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Triều Tiên, do vậy ông cần thương mại và đầu tư.
Vấn đề quan trọng hàng đầu trong chương trình nghị sự của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là hạ thấp những rào cản hạn chế hoạt động xuất khẩu than đá và nhập khẩu dầu thô cũng như xăng dầu tinh luyện của Triều Tiên. Ngoài ra, ông Kim Jong-un cũng đặt ưu tiên vào việc nối lại hợp tác kinh tế với Hàn Quốc thông qua khu công nghiệp chung Kaesong và dự án du lịch chung tại núi Kumgang ở Triều Tiên.
Triều Tiên từng tuyên bố cần vũ khí hạt nhân để bảo vệ chính họ trước nguy cơ bị Mỹ xâm chiếm và sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân trừ khi họ cảm thấy được an toàn.
Để đạt được điều đó, Bình Nhưỡng đã kêu gọi các bên đưa ra tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Cuộc chiến này mới chỉ kết thúc bằng một hiệp định đình chiến và Triều Tiên cho rằng, Mỹ cần thể hiện cam kết về một mối quan hệ hòa bình với Bình Nhưỡng bằng cách tuyên bố chấm dứt chiến tranh.
Tuyên bố chấm dứt chiến tranh sẽ là bước đi đầu tiên trước khi hai bên đạt được một hiệp ước bình chính thức và toàn diện. Các bên tham gia ký kết hiệp ước hòa bình sẽ là Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc và có thể cả Trung Quốc.
Ngoài ra, Triều Tiên cũng yêu cầu chấm dứt các cuộc tập trận quân sự chung giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc. Bình Nhưỡng cho rằng đây là hành động thù địch và là cái cớ để liên minh Mỹ - Hàn tập dượt cho kịch bản xâm chiếm Triều Tiên.
Mỹ có thể nhượng bộ?
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát tên lửa đạn đạo tầm xa Hwasong-12 (Ảnh: KCNA)
Ngoài việc nới lỏng trừng phạt, Mỹ có rất ít “củ cà rốt” để trao cho Triều Tiên.
Mỹ có thể thực hiện những bước đi đơn giản như viện trợ nhân đạo hay tiến hành các cuộc trao đổi văn hóa và thể thao với Triều Tiên.
Ngoài ra, hai bên cũng có thể mở các văn phòng liên lạc tại thủ đô Washington và Bình Nhưỡng, tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Điều này sẽ trao cho Triều Tiên sự công nhận về mặt ngoại giao mà nước này đang khao khát.
Mỹ đã đình chỉ một số cuộc tập trận quân sự sau khi Tổng thống Trump gọi đây là hành động “khiêu khích”. Tuy nhiên, quân đội Mỹ vẫn cho rằng các cuộc tập trận này là điều quan trọng để duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu và chưa có ý định chấm dứt vĩnh viễn.
Nếu Mỹ đồng ý giảm bớt số lượng binh sĩ so với con số 28.500 quân hiện tại ở Hàn Quốc để “chiều lòng” Triều Tiên, điều này có thể khiến quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn và Mỹ - Nhật bị tổn thương sâu sắc. Hơn nữa, động thái này cũng làm giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ và biến khu vực này rơi vào tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Liên quan tới các lệnh trừng phạt, chính quyền Trump tuyên bố sẽ chỉ dỡ bỏ hoàn toàn cho tới khi Triều Tiên giải giáp hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Các lệnh trừng phạt của Mỹ được đưa ra vì nhiều lý do và chỉ có thể được dỡ bỏ nếu Quốc hội Mỹ đồng ý với phương án này.
Trong khi đó, việc nới lỏng các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thậm chí còn khó khăn hơn vì về cơ bản, nếu đã được dỡ bỏ, các lệnh trừng phạt này gần như không thể được áp đặt lại. Trước đây, những nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Liên Hợp Quốc phải rất khó khăn mới nhận được lá phiếu ủng hộ của hai nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an là Nga và Trung Quốc - những đồng minh quan trọng của Bình Nhưỡng.
Triều Tiên sẽ "xuống thang"?
Triều Tiên đã dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Đây được cho là động thái nhượng bộ của chính quyền Kim Jong-un vì theo các nhà khoa học hạt nhân, Triều Tiên vẫn cần tiến hành thêm các vụ thử nữa mới có thể thành công trong việc gắn một đầu đạn hạt nhân lên tên lửa ICBM để phóng tới Mỹ, hoặc chế tạo thành công bom H.
Ông Kim Jong-un năm ngoái cũng cam kết sẽ cho phép các thanh tra viên quốc tế tới Triều Tiên để kiểm chứng rằng nước này đã đóng cửa cơ sở hạt nhân chính tại Punggye-ri và một bãi thử động cơ tên lửa tại Tongchang-ri. Tuy nhiên các chuyên gia nhận định những cơ sở này không còn nhiều giá trị với Triều Tiên, do vậy không thể xem là một nhượng bộ mới trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại Hà Nội.
Ông Kim Jong-un hồi tháng 9 năm ngoái từng nói với tổng thống Hàn Quốc rằng ông sẵn sàng dỡ bỏ vĩnh viễn tổ hợp hạt nhân Yongbyon nếu Mỹ có những bước đi tương xứng. Thậm chí, theo đặc phái viên Biegun, ông Kim Jong-un còn đưa ra cam kết xa hơn là phá hủy toàn bộ cơ sở làm giàu uranium và plutonium ngoài Yongbyon nếu Washington cũng có động thái nhượng bộ phù hợp.
Tuy vậy, các chuyên gia hoài nghi về tuyên bố trên. Lò phản ứng chính tại Yongbyon đã đóng cửa 2 lần trước đây sau khi các bên đạt được thỏa thuận, nhưng sau đó Triều Tiên vẫn tái khởi động chương trình hạt nhân. Hơn nữa, dù cho Triều Tiên đóng cửa các cơ sở làm giàu uranium, nước này được cho là vẫn còn sở hữu số lượng lớn các nguyên liệu phân hạch và đầu đạn hạt nhân cũng như tên lửa để phóng số đầu đạn này.
Các ý kiến xung quanh thỏa thuận đạt được tại thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất chia rẽ. Một số chuyên gia lo sợ rằng Tổng thống Trump có thể “chốt” một thỏa thuận mà ông cho là sẽ có tác dụng tại quê nhà, như giảm số tên lửa ICBM của Triều Tiên và rút quân Mỹ tại châu Á về nước.
Tuy nhiên, điều này sẽ làm lung lay mối quan hệ đồng minh của Mỹ với các nước trong khu vực và gần như không có tác dụng trong việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Trong khi đó, một số chuyên gia khác kỳ vọng về một thỏa thuận nhằm giải giáp và cho phép thanh sát tổ hợp Yongbyon - nơi được xem là “vương miện hạt nhân” của Triều Tiên.
Thành Đạt
Theo Washington Post