1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hàng triệu liều vắc xin Covid-19 sắp hết hạn giữa "cơn khát" trên toàn cầu

Đức Hoàng

(Dân trí) - Một nghịch lý đang xảy ra trên thế giới là hàng triệu liều vắc xin sắp hết hạn trong lúc tại nhiều khu vực trên toàn cầu không thể mua được chế phẩm này vì thiếu nguồn cung.

Hàng triệu liều vắc xin Covid-19 sắp hết hạn giữa cơn khát trên toàn cầu - 1

(Ảnh minh họa: Getty). 

Washington Post đưa tin, hàng triệu liều vắc xin Covid-19 trên khắp thế giới sẽ hết hạn trong vài tuần tới trong lúc đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp.

Mặc dù vắc xin Covid-19 đã được phát triển, sản xuất và phân phối với tốc độ nhanh chưa từng có tiền lệ, nhưng hàng loạt các yếu tố gồm tâm lý e ngại vắc xin và nạn tin giả đã dẫn tới hiện tượng thừa chế phẩm này ở một số khu vực trên thế giới. Trong khi đó, tại một số nơi, các chương trình tiêm chủng diễn ra chậm chạp vì thiếu trầm trọng nguồn cung vắc xin.

Theo Prashant Yadav, một chuyên gia Trung tâm Phát triển Toàn cầu, hiện thế giới chưa có hệ thống nhằm theo dõi các liều vắc xin hết hạn, nên rất khó có được bức tranh toàn cảnh về sự "lãng phí" vắc xin giữa lúc nhiều nước đang cần các chế phẩm này để dập dịch.

Tuy nhiên, dựa trên các bài báo đăng tải trên các hãng truyền thông, hàng triệu liều vắc xin đã bị tiêu hủy hoặc đang đối diện với nguy cơ bị bỏ phí. Ví dụ, theo truyền thông Israel, 80.000 liều vắc xin Covid-19 hết hạn vào cuối tháng 7. Chính phủ Bulgaria thông báo tháng trước sẽ tặng các vắc xin sắp hết hạn vì đã nhận gần 5 triệu liều nhưng chỉ sử dụng 1,8 triệu. Ba Lan cũng phải tìm cách xử lý 73.000 liều vắc xin. Trong khi đó, Slovakia trả lại 160.000 liều vắc xin Sputnik V gần hết hạn cho Nga và chưa rõ số phận của chúng ra sao.

Tại Hà Lan, hàng trăm nghìn liều vắc xin cũng sắp hết hạn trong bối cảnh một nửa dân số tại đây đã tiêm chủng. Washington Post dẫn nguồn tin cho biết, chính phủ quốc gia châu Âu trước đó đã bỏ nhiều liều vắc xin, viện dẫn các lý do về pháp lý và hậu cần cho việc không thể tặng đi các chế phẩm này.

Tại Mỹ, hàng triệu liều vắc xin đã bị bỏ đi. Ví dụ, bang Alabama đã bỏ 65.000 liều, Iowa bỏ đi 81.000 liều, Georgia bỏ đi 110.000 liều. Tại North Carolina, có khoảng 800.000 liều vắc xin sẽ sớm hết hạn.

Nghịch lý vắc xin

Đây là bằng chứng cho thấy nghịch lý đang xảy ra trên thế giới, khi tại nhiều khu vực, phần lớn người dân vẫn chưa được tiếp cận với vũ khí có thể giúp chặn đứng đại dịch. Ví dụ, tại châu Phi, tính đến cuối tháng trước, chỉ có 2,2% tổng dân số được tiêm ít nhất một liều.

Vắc xin bị bỏ phí gây ra tình trạng lãng phí hàng triệu USD nhưng hậu quả tiềm tàng với sức khỏe và tính mạng người được xem còn lớn hơn rất nhiều.

Lawrence Gostin, giáo sư luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown (Mỹ) gọi đây là tình trạng "thảm họa" khi "chúng ta không có đủ vắc xin, trong khi ở một số nơi chúng hết hạn, bị hư hỏng vì thiếu điện hoặc không được chuyển tới người dân".

Vắc xin vốn là chế phẩm có hạn sử dụng ngắn và việc tiêm bằng vắc xin quá hạn không được khuyến cáo vì chúng có thể không tạo ra được các phản ứng miễn dịch tương tự như liều còn hạn. Các loại vắc xin sử dụng công nghệ mRNA như Pfizer và Moderna yêu cầu phải được bảo quản ở nhiệt độ rất thấp.

Tuy nhiên, ngay cả khi vắc xin được cung cấp tới nơi đang cần chúng, vấn đề hạn sử dụng cũng gây nên cơn "đau đầu". Ví dụ, tại châu Phi, quy trình vận chuyển vắc xin khá chậm chạp nên khiến các vắc xin có hạn sử dụng ngắn rất nhanh bị hết hạn và khiến cho nhiều chính quyền "trở tay không kịp" vì không có đủ thời gian để triển khai tiêm chủng chúng.

Ví dụ, Liberia chỉ có 15 ngày để phân phối hàng chục nghìn liều vắc xin được chuyển tới Liên minh châu Phi. Khoảng 27.000 liều sau đó bị hết hạn. Tại Benin, nước này phải bỏ 51.000 liều hồi tháng trước vì mất 3 tháng vận chuyển các vắc xin. Tại Malawi, chính phủ đã tiêu hủy 20.000 liều vắc xin hết hạn vào tháng 5.