1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hàng trăm tàu cá Trung Quốc càn quét bờ biển Nam Mỹ

Thành Đạt

(Dân trí) - Chính phủ Chile đang theo dõi chặt chẽ đội tàu cá khổng lồ của Trung Quốc dọc bờ biển Thái Bình Dương ở Nam Mỹ.

Hàng trăm tàu cá Trung Quốc càn quét bờ biển Nam Mỹ - 1

Chỉ huy Chiến dịch Hàng hải và An ninh Chile Juan Pablo Marin giới thiệu những khu vực Chile đang theo dõi đội tàu cá Trung Quốc dọc bờ biển Nam Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Chile Andres Allamand ngày 8/10 cho biết Bộ Quốc phòng và Hải quân Chile đang theo dõi hoạt động của đội tàu cá Trung Quốc để bảo vệ “chủ quyền” tại vùng đặc quyền kinh tế của Chile.

Theo Ngoại trưởng Chile, đội tàu cá Trung Quốc, gồm khoảng 300 tàu, thường xuyên xuất hiện ở Thái Bình Dương và hoạt động xung quanh vùng biển Peru.

Đường bờ biển dài dọc Thái Bình Dương của Chile có trữ lượng lớn cá và hải sản. Đây cũng là nguồn thu nhập quan trọng cho ngư dân Chile.

Hải quân Peru hồi tháng 9 thông báo đang theo dõi chặt chẽ 250 tàu cá Trung Quốc di chuyển ngoài khơi quốc gia Nam Mỹ. Sự xuất hiện của các tàu này làm dấy lên lo ngại từ những người trong ngành đánh bắt hải sản Peru, đồng thời dẫn tới một cuộc “khẩu chiến” trên mạng xã hội Twitter giữa Washington và Bắc Kinh.

Trước đó, đội tàu Trung Quốc từng đánh bắt mực cỡ lớn ở gần quần đảo Galapagos của Ecuador, buộc hải quân Ecuador phải triển khai máy bay tới khu vực đội tàu cá Trung Quốc đang hoạt động, đồng thời điều các tàu tuần tra quân sự tới giám sát các tàu Trung Quốc.

Quần đảo Galapagos, nơi cách bờ biển Ecuador khoảng 1.000 km, là khu vực có nhiều loài sinh vật hiếm, bao gồm rùa khổng lồ. Galapagos cũng là nơi được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1978.

Đại sứ quán Mỹ ở Peru viết trên Twitter rằng các tàu Trung Quốc có lịch sử tránh né việc bị theo dõi và dường như thường vứt rác thải nhựa xuống biển. Đại sứ quán Trung Quốc sau đó đáp trả rằng họ rất coi trọng việc bảo vệ môi trường và đại dương. 

Chỉ huy lực lượng tuần duyên Peru Jorge Portocarrero cho biết đội tàu của Trung Quốc không tập trung ở một khu vực mà xuất hiện rải rác xung quanh khu vực gần vùng biển của Peru.

Quan chức Peru cũng cho biết đội tàu Trung Quốc xuất hiện ở Thái Bình Dương trong nhiều năm qua, di chuyển từ bắc Chile, khu vực gần bờ Peru cho tới gần quần đảo Galapagos, tùy thuộc vào đường di chuyển của đàn mực.

Trong báo cáo được công bố hồi tháng 9, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ chỉ trích lực lượng tàu đánh bắt có vũ trang, được cho là dân quân biển, của Trung Quốc. Đội tàu cá Trung Quốc ước tính có khoảng 17.000 tàu, trong đó hơn 12.000 tàu hoạt động tại các vùng biển không thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Theo báo cáo do Viện Phát triển Hải ngoại có trụ sở tại London (Anh) công bố hồi tháng 6, Trung Quốc là nước góp phần lớn nhất tạo ra cuộc “khủng hoảng nghề cá toàn cầu” vì nước này có đội tàu cá đánh bắt xa bờ lớn nhất thế giới.

Trên bảng xếp hạng chỉ số đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không kiểm soát (IUU) năm 2019 do Tổ chức Sáng kiến Toàn cầu Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia công bố, Trung Quốc cũng là nước có chỉ số kém nhất.

Đội tàu cá Trung Quốc bị cáo buộc thường xuyên dính líu đến các hoạt động khai thác quá mức, nhắm vào các loài cá có nguy cơ tuyệt chủng, xâm phạm quyền tài phán trên biển, sử dụng giấy tờ đánh bắt và cấp phép giả, cưỡng ép lao động trên tàu.

Theo SCMP, Ecuador dự kiến sẽ thiết lập một hành lang bảo tồn biển với các nước láng giềng ở Thái Bình Dương, gồm Costa Rica, Panama và Colombia để phong tỏa các khu vực đa dạng biển quan trọng. Ecuador cũng tổ chức một cuộc họp ngoại giao với Chile, Peru, Colombia và Panama để gửi công hàm phản đối Trung Quốc về hoạt động của các tàu cá.

Về phần mình, Trung Quốc tuyên bố họ là “quốc gia đánh bắt có trách nhiệm” và “không dung thứ” cho các hành vi đánh bắt trái phép. Đại sứ quán Trung Quốc tại Ecuador khẳng định tất cả tàu cá Trung Quốc đều hoạt động hợp pháp và “không gây ra mối đe dọa với bất kỳ ai”.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm