1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hàng nghìn thanh niên Myanmar muốn rời đất nước sau lệnh gọi nhập ngũ

Quốc Đạt

(Dân trí) - Hơn 1.000 người xếp hàng trước Đại sứ quán Thái Lan ở Yangon vào ngày 16/2, trong bối cảnh nhiều thanh niên muốn rời Myanmar sau khi chính quyền tuyên bố sẽ áp dụng nghĩa vụ quân sự.

Hàng nghìn thanh niên Myanmar muốn rời đất nước sau lệnh gọi nhập ngũ - 1

Người dân tập trung bên ngoài Đại sứ quán Thái Lan tại Yangon để xin thị thực vào ngày 16/2 (Ảnh: AFP).

Kể từ khi chính phủ thông báo về việc thực thi "Luật nghĩa vụ quân sự nhân dân" vào cuối tuần trước, Đại sứ quán Thái Lan tại Yangon bắt đầu xuất hiện cảnh tượng nhiều thanh niên cả nam lẫn nữ xếp hàng xin thị thực.

Ngày 16/2, nhà báo của AFP bắt gặp hàng dài khoảng 1.000-2.000 người trên các con phố gần cơ quan đại diện ngoại giao của Thái Lan ở trung tâm thành phố Yangon. Đây là mức tăng đáng kể so với ước tính chưa đến 100 người trước thông báo ngày 10/2.

Đại sứ quán Thái Lan nói rằng họ đang phát 400 số thứ tự mỗi ngày để kiểm soát dòng người xếp hàng.

Aung Phyo, một sinh viên 20 tuổi dùng bí danh, nói mình đến Đại sứ quán lúc 20h ngày 15/2, qua đêm trên ô tô rồi bắt đầu xếp hàng vào khoảng nửa đêm.

"Chúng tôi đợi 3 tiếng đồng hồ cho tới khi cảnh sát mở cổng an ninh vào khoảng 3h. Chúng tôi phải chạy đến trước cổng đại sứ quán để xí chỗ lấy số", Aung nói với AFP. "Khi chúng tôi đã nhận được số, nhiều người không may vẫn xếp hàng trước đại sứ quán vì hy vọng người ta có thể phát thêm".

Hàng nghìn thanh niên Myanmar muốn rời đất nước sau lệnh gọi nhập ngũ - 2

Luật nghĩa vụ quân sự Myanmar đã được ban hành vào năm 2010 nhưng chưa từng được kích hoạt (Ảnh: AFP).

Luật nghĩa vụ quân sự đã được ban hành vào năm 2010 nhưng chưa từng được kích hoạt. Hiện chưa rõ đạo luật sẽ được thực thi như thế nào.

Nhà chức trách cũng chưa đưa ra thông tin chi tiết về việc người được gọi nhập ngũ sẽ phải thực hiện hoạt động gì, nhưng nhiều thanh niên không muốn chờ đợi.

"Tôi sẽ đến Bangkok bằng visa du lịch và hy vọng sẽ ở lại đó một thời gian", Aung Phyo nói. "Tôi vẫn chưa quyết định đi làm hay đi học. Tôi chỉ muốn rời khỏi đây".

Chính quyền quân sự cho biết, họ đang thực hiện các biện pháp để vũ trang cho lực lượng dân quân thân quân đội trong cuộc chiến đấu với các nhóm nổi dậy khắp đất nước, bao gồm "Lực lượng phòng vệ nhân dân" phản đối cuộc chính biến năm 2021 và các nhóm vũ trang sắc tộc.

Người phát ngôn chính quyền quân sự Zaw Min Tun ngày 10/2 nói rằng việc kích hoạt hệ thống nghĩa vụ quân sự là cần thiết "vì tình hình đang xảy ra ở đất nước".

Theo AFP