1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hàng loạt công ty tính rút khỏi Trung Quốc sau đòn trừng phạt của Mỹ

(Dân trí) - Khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng, lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc cho biết sẵn sàng chuyển chuỗi cung ứng sang một nơi khác nếu giá hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu tăng vọt.

Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế 10% lên 200 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu của Trung Quốc hồi tháng 9 sau đợt áp thuế lên 50 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc trước đó. Ông Trump cũng cảnh báo sẽ tăng mức áp thuế lên 25% vào tháng 1 tới, thậm chí dọa sẽ áp thuế đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, tương đương 531 tỷ USD trong 12 tháng.

Bloomberg đã thống kê các công ty nước ngoài đang có ý định rời khỏi Trung Quốc để tìm kiếm thị trường mới do lo ngại nguy cơ từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Công ty sản xuất tem nhãn Avery Dennison

“Nếu thuế được áp đặt trên diện rộng, tôi nghĩ bạn sẽ được chứng kiến cảnh (các công ty) rút khỏi Trung Quốc để tới các khu vực khác ngày càng tăng. Tuy nhiên điều này cần phải có thời gian. Họ đã xây dựng cơ sở hạ tầng rất lớn tại Trung Quốc. Do vậy điều này cần phải có thời gian”, Mitch Butier, giám đốc điều hành (CEO) của Avery Dennison có trụ sở tại California, Mỹ, cho biết hôm 23/10.

Công ty đường sắt quốc gia Canada

“Các nhà máy, đặc biệt trong ngành công nghiệp nhẹ, có thể rời đi rất nhanh. Nhiều nhà máy đã rời khỏi Trung Quốc. Họ chuyển tới Việt Nam, Bangladesh, Indonesia. Các sản phẩm của họ đang được sản xuất ở đây. Các sản phẩm có thể được sản xuất ở các nước khác (ngoài Trung Quốc), tuy nhiên về cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu của những người cần các sản phẩm đó. Nhìn chung chúng tôi vẫn lạc quan về thương mại từ châu Á - Thái Bình Dương, có điều hoạt động thương mại đó đến từ những nước khác (ngoài Trung Quốc)”, Jean-Jacques Ruest, giám đốc điều hành Công ty đường sắt quốc gia Canada, cho biết.

Hãng sản xuất thiết bị đầu vào máy tính Logitech

Công nhân làm việc tại nhà máy lắp ráp chuột máy tính của Logitech tại Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg)
Công nhân làm việc tại nhà máy lắp ráp chuột máy tính của Logitech tại Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg)

Theo Bracken Darrell, giám đốc điều hành của hãng Logitech (Thụy Sỹ), nếu Logitech cần chuyển một dây chuyền sản xuất ra khỏi khu vực nào đó, trong trường hợp này là Trung Quốc, hãng này có đủ khả năng để thực hiện.

“Chúng tôi có đội ngũ để làm việc đó và chúng tôi cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc này”, ông Darrell nói.

Công ty thiết bị kiểm soát ô nhiễm Pentair Plc

“Chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục đánh giá chuỗi cung ứng toàn diện và tìm kiếm các cơ hội thay đổi để giảm tác động của việc áp thuế dài hạn. Chúng tôi có một nhà máy ở Tô Châu (Trung Quốc) và sẽ đánh giá xem chúng tôi cần làm gì ở đó cũng như xem chuỗi cung ứng của chúng tôi cần được tổ chức như thế nào”, Mark Borin, giám đốc tài chính của Pentair, nói.

Công ty thiết bị điều hòa không khí Lennox

Todd Bluedorn, giám đốc điều hành của công ty Lennox có trụ sở tại Texas, Mỹ cho biết công ty này đang “tích cực chủ động hành động”.

“Tôi không chắc việc áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc có diễn ra ngắn hạn không. Vì thế chúng tôi đang tìm cách tránh việc bị áp thuế bằng cách chuyển hoạt động sang Đông Nam Á và các nước có chi phí thấp khác để có thể đáp ứng yêu cầu của chúng tôi”, CEO Lennox tiết lộ kế hoạch của công ty.

Công ty công nghệ ánh sáng và chăm sóc sức khỏe Philips

CEO Philips Frans van Houten (Ảnh: Bloomberg)
CEO Philips Frans van Houten (Ảnh: Bloomberg)

“Chúng tôi có nhiều cách để giảm thiểu tác động. Một là sắp xếp lại chuỗi cung ứng của chúng tôi. Tất nhiên đây có lẽ là cách dễ nhất vì chúng tôi có các cơ sở sản xuất tại Mỹ, châu Âu và châu Á”, Frans van Houten, giám đốc điều hành của Philips, cho biết.

Hãng thiết bị chuyển đổi điện năng Vicor

Theo James Simms, giám đốc tài chính của Vior, hãng này đang tìm kiếm các nhà cung cấp khác ngoài Trung Quốc. Ngoài ra, Vicor cũng đang đề xuất với chính phủ Mỹ về việc tránh áp thuế đối với một số mặt hàng mà Vicor không tìm thấy nhà cung cấp thay thế Trung Quốc.

Công ty giày Skecher USA

“Chúng tôi có đủ khả năng để rời khỏi Trung Quốc. Chúng tôi sẽ tìm kiếm nơi tốt nhất để đảm bảo chất lượng sản phẩm và giá cả trên toàn thế giới. Có thể nói chúng tôi rất linh hoạt, nhìn chung chúng tôi cũng đang tăng cường sản lượng ở bên ngoài Trung Quốc”, David Weinberg, giám đốc vận hành Skecher USA, công ty giày có trụ sở tại California, nói.

Hãng bán lẻ gạch đá Tile Shop

“Với việc Trung Quốc bị áp thuế, chúng tôi đang tính phương án rời đi. Hiện tại chúng tôi có khoảng 50% sản phẩm sản xuất ở châu Á. Mục tiêu của chúng tôi là đưa sản lượng xuống chỉ còn 25% hoặc thậm chí thấp hơn. Chúng tôi không ngồi chờ. Chúng tôi đang hành động rồi”, Robert Rucker, CEO của Tile Shop, nói với Bloomberg.

Cơ hội tại Đông Nam Á

Giám đốc hãng giày Skechers tuyên bố đủ khả năng rời khỏi Trung Quốc (Ảnh: Skechers)
Giám đốc hãng giày Skechers tuyên bố đủ khả năng rời khỏi Trung Quốc (Ảnh: Skechers)

Theo Bloomberg, Đông Nam Á đang chứng kiến sự bùng nổ về đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung buộc các công ty phải chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc tới khu vực này.

Từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Thái Lan tăng 53% so với một năm trước đó, lên 7,6 tỷ USD. Cùng thời điểm đó tại Philippines, FDI đổ vào ngành chế tạo tăng lên 861 triệu USD, so với năm ngoái là 144 triệu USD.

“Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có lẽ sẽ thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp tới các nước ASEAN để tránh đòn áp thuế. Những ngành như sản phẩm tiêu dùng, công nghiệp, phần cứng công nghệ và viễn thông, ô tô và hóa chất đều nằm trong mối quan tâm của các doanh nghiệp khi tới Đông Nam Á”, Chua Hak Bin và Lee Ju Ye, các nhà kinh tế học của ngân hàng Maybank (Malaysia), nhận định.

Đông Nam Á đang trở thành điểm đến mới của các doanh nghiệp khi họ muốn chuyền dây chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Theo khảo sát từ ngày 29/8-5/9 của Bloomberg, khoảng 1/3 trong số hơn 430 công ty Mỹ tại Trung Quốc đã và đang tính đến việc chuyển cơ sở sản xuất sang nước khác.

“Căng thẳng thương mại gia tăng càng đẩy nhanh xu thế này. Đông Nam Á vừa là một thị trường rộng lớn đang trên đà tăng trưởng, vừa là nơi có thể đặt cơ sở do chi phí sản xuất thấp hơn và tự do thương mại, đồng thời tránh được nguy cơ địa chính trị”, Trinh Nguyen, nhà kinh tế học cấp cao tại ngân hàng đầu tư Natixis có trụ sở tại Pháp, nhận định.

Thành Đạt

Theo Bloomberg

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm