1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hàn Quốc "xoay trục" sang Đông Nam Á: Bán vũ khí hay giảm phụ thuộc vào các "ông lớn"?

(Dân trí) - Giới phân tích cho rằng Hàn Quốc đang đẩy mạnh Chính sách hướng nam mới để giảm phụ thuộc vào các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nga, đồng thời thúc đẩy quan hệ kinh tế, quân sự với các quốc gia Đông Nam Á.

Hàn Quốc xoay trục sang Đông Nam Á: Bán vũ khí hay giảm phụ thuộc vào các ông lớn? - 1

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (Ảnh: Getty)

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung căng thẳng và tranh cãi ngoại giao, kinh tế với Nhật Bản không có dấu hiệu giảm bớt, Hàn Quốc đang đẩy mạnh quan hệ với khu vực Đông Nam Á.

Vào hôm nay 1/9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ bắt đầu có chuyến thăm tới Thái Lan, Myanmar và Lào trong khuôn khổ “Chính sách hướng nam mới” để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga.

Để báo hiệu sự quan tâm ngày càng gia tăng tại khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc sẽ tìm kiếm một thỏa thuận chia sẻ tình báo - có tên gọi là Thỏa thuận an ninh chung về thông tin quân sự (GSOMIA) - với Thái Lan. Kế hoạch, được nội các Hàn Quốc thông qua hồi tháng này, diễn ra sau khi Seoul hồi tuần trước hủy thỏa thuận GSOMIA với Nhật Bản sau khi hai nước vướng vào cuộc tranh cãi ngày càng leo thang do các bất đồng về lịch sử.

Động thái trên bất ngờ của Seoul đã vấp phải sự chỉ trích của giới chức Mỹ, vốn cho rằng quyết định của Hàn Quốc nhằm hủy thỏa thuận chia sẻ tình báo với Nhật Bản sẽ làm suy yếu bộ ba liên minh quân sự nhằm đề phòng Triều Tiên, Nga và Trung Quốc ở Đông Bắc Á.

Giới chức Mỹ cho hay, quyết định của Seoul khiến khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc đối mặt với nguy cơ lớn hơn từ Triều Tiên, và có thể buộc Washington phải hối thúc Seoul phải gánh trách nhiệm chia sẻ tài chính lớn hơn cho sự hiện diện của các binh sĩ Mỹ trong năm tới. Theo một số nguồn tin, Mỹ đang tìm cách tăng gấp 5 lần chia sẻ chi phí của Hàn Quốc, lên con số khoảng 5 tỷ USD mỗi năm.

Đẩy mạnh bán vũ khí?

Nhà phân tích quốc phòng Yang Uk cho rằng Seoul có thể tận dụng lợi thế thỏa thuận với Bangkok để bán vũ khí cho Thái Lan, thay vì lấp chỗ trống gây ra do việc hủy thỏa thuận với Nhật Bản. “Điều này nhằm thúc đẩy cơ hội bán vũ khí của Hàn Quốc trong khu vực thay vì cùng nhau ngăn chặn các mối đe dọa từ Triều Tiên”, ông Yang nói.

Hàn Quốc đã xuất khẩu số vũ khí trị giá 2,8 tỷ USD trong năm ngoái, giảm so với mức 3,6 tỷ USD vào năm 2017. Các vũ khí xuất khẩu bao gồm máy bay, xe tăng, pháo và tàu chiến. Hàn Quốc ký thỏa thuận GSOMIA với 20 quốc gia khác, trong đó có Mỹ, Australia và Pháp.

Cheon Young-ghil, Thứ trưởng Quốc phòng thuộc Ủy ban tổng thống về Chính sách hướng nam mới, cho hay Hàn Quốc có thể là đối tác thân thiện của ASEAN và Ấn Độ, do Seoul không có ý định quân sự trong khu vực. “Là đối tác kinh tế với các ý định tích cực, chúng tôi có thể chia sẻ các kinh nghiệm về phát triển kinh tế”, ông Cheon nói.

Chuyến thăm của ông Moon tới khu vực Đông Nam Á diễn ra trong dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ giữa ASEAN và Hàn Quốc, với việc Tổng thống Hàn Quốc đã thăm Brunei, Malaysia và Campuchia trong năm nay. Chuyến thăm của ông diễn ra trước một thượng đỉnh đặc biệt với ASEAN, và một cuộc gặp riêng rẽ với lãnh đạo 5 quốc gia ASEAN tiếp giáp sông Mekong - Campuchia, Myanmar, Lào, Việt Nam và Thái Lan. Ông Moon sẽ chủ trì các hội nghị này tại Busan vào tháng 11 tới.

Lựa chọn thay thế Trung Quốc 

Chuyên gia Paul Chambers từ Trung tâm nghiên cứu ASEAN tại Đại học Naresuan (Thái Lan), cho nay Chính sách hướng nam mới của Seoul giúp các quốc gia ASEAN có một lựa chọn thay thế đối với các nước lớn, trong đó có Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Nó cũng giúp các quốc gia Mekong tránh các khoản vay đầy rủi ro của Trung Quốc.

“Họ có thể có một lựa chọn khác so với những khoản vay lãi suất cao của Bắc Kinh, vốn có xu hướng dẫn tới các bẫy nợ”, ông Chambers nói.

Michael Montesano, từ Chương trình nghiên cứu Thái Lan thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak, nhận định Bangkok đã thừa nhận rằng việc có quan hệ tốt với Seoul có thể “giảm rủi ro vốn có trong quan hệ kinh tế và chính trị của Thái Lan với Trung Quốc”.

Nhưng chuyên gia Benjamin Loh từ Viện ISEAS-Yusof Ishak cho rằng với các dự án phát triển tại các quốc gia Đông Nam Á khác như tại Campuchia, Lào, Myanmar, khả năng đầu tư Bắc Kinh là đứng đầu.

Chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in đặt mục tiêu gia tăng thương mại với ASEAN lên 200 tỷ USD vào năm tới. Thương mại hai chiều giữa Hàn Quốc và ASEAN đạt con số kỷ lục 160 tỷ USD trong năm ngoái, tăng 7% so với năm 2017. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn hẳn so với kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và Trung Quốc, ở mức 588 tỷ USD trong năm ngoái, tăng 14% so với năm 2017.

“Trung Quốc là đối tác duy nhất có nguồn lực và ý chí chính trị nhằm đầu tư vào các dự án 1-2 tỷ USD, giúp các quốc gia này phát triển các lĩnh vực hạ tầng và năng lượng. Do đó, không có gì bất ngờ khi họ đặc biệt ủng hộ các dự án kinh tế của Trung Quốc”, ông Loh nói.

Tuy nhiên, các quốc gia trên cũng vẫn tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế và an ninh với các đối tác khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.

An Bình

Theo SCMP