Hàn Quốc sắp đóng tàu sân bay đầu tiên
(Dân trí) - Hàn Quốc đang lên kế hoạch đóng tàu sân bay đầu tiên vào năm tới và mua sắm phi đội máy bay chiến đấu cho tàu sân bay.
Quân đội Hàn Quốc năm ngoái từng đề cập đến mong muốn sở hữu một tàu sân bay. Tuy nhiên, trong bản kế hoạch quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 công bố trong tuần này, lần đầu tiên chính phủ Hàn Quốc khẳng định kế hoạch mua sắm một tàu sân bay.
"Tàu sân bay có tải trọng 30.000 tấn này có thể vận chuyển một lực lượng quân sự lớn cùng các trang thiết bị và có thể vận hành với các máy bay chiến đấu cất và hạ cánh thẳng đứng", Yonhap ngày 12/8 dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết.
Thông cáo cho biết thêm: "Tàu sân bay này sẽ cho phép quân đội Hàn Quốc ngăn chặn hiệu quả hơn các mối đe dọa và triển khai các lực lượng, trang thiết bị quân sự đến khu vực tranh chấp trên biển với vai trò tàu điều hành cho hải quân".
Ngoài ra, thông cáo cho biết, chính phủ Hàn Quốc dự kiến mua 20 máy bay chiến đấu F-35B do Mỹ sản xuất. Đây là loại máy bay có thể cất và hạ cánh thẳng đứng trên tàu sân bay cỡ nhỏ. Theo kế hoạch này, Hàn Quốc có thể triển khai máy bay F-35B ở Tây Thái Bình Dương cùng Mỹ và Nhật Bản.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết ngoài vai trò tác chiến, tàu sân bay cũng có thể đóng vai trò một căn cứ quân sự đa chức năng trên biển như hỗ trợ công tác cứu hộ công dân trong trường hợp xảy ra thảm họa hay sự cố.
Hàn Quốc không đưa ra kinh phí ước tính cho việc đóng một tàu sân bay cỡ nhỏ, song theo các báo cáo của chính phủ Mỹ, một tàu sân bay phiên bản mới của tàu tấn công đổ bộ USS Ameria của Mỹ, to hơn 25% đến 35% so với con tàu dự kiến của Hàn Quốc, có giá khoảng 4 tỷ USD, trong khi giá mỗi chiếc F-35B khoảng 122 triệu USD.
"Hàn Quốc cần phân tích kỹ cái được, cái mất (nếu mua sắm tàu sân bay). Có đáng để đổ tiền vào đó hay không? Nếu đổ tiền vào đó, liệu chúng ta có phải bỏ qua những vấn đề cần ưu tiên khác không", ông Chun In-bum, tướng 3 sao về hưu của quân đội Hàn Quốc, bình luận. Ông cho rằng Hàn Quốc cần ưu tiên đầu tư cho các vấn đề như hậu cần, huấn luyện, thậm chí hệ thống vô tuyến tốt hơn cho quân đội.