1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Hàn Quốc gọi, Triều Tiên không trả lời: Bình Nhưỡng tính nước cờ gì?

(Dân trí) - Triều Tiên đã ngừng toàn bộ đường đây nóng liên lạc với Hàn Quốc - một động thái khá bất ngờ sau hơn 2 năm quan hệ liên Triều có xu hướng "tan băng".

Hàn Quốc gọi, Triều Tiên không trả lời: Bình Nhưỡng tính nước cờ gì? - 1

Hàn Quốc và Triều Tiên lần đầu thiết lập đường dây nóng giữa hai nhà lãnh đạo vào năm 2018. (Ảnh minh họa: Getty)

Hàn Quốc gọi, Triều Tiên không trả lời

Truyền thông quốc gia Triều Tiên cho biết, nước này sẽ ngừng các đường dây nóng trong đó có đường dây liên lạc giữa quân đội Triều Tiên và Hàn Quốc, đường dây nóng giữa nhà lãnh đạo hai bên. Các đường dây này được coi là đóng vai trò quan trọng nhằm ngăn nguy cơ xung đột quân sự liên Triều do hiểu lầm.

Choi Hyun-soo, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, cho biết phía Triều Tiên đã không trả lời bất cứ cuộc điện thoại nào qua đường dây nóng giữa quân đội 2 nước vào sáng 9/6, lần đầu tiên kể từ khi đường dây này được thiết lập năm 2018. Cuộc gọi tới đường dây của Văn phòng liên lạc liên Triều cũng không có hồi âm.

"Các đường dây liên lạc liên Triều cần được duy trì theo thỏa thuận bởi đó là các cách thức liên lạc cơ bản. Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu hòa bình và thịnh vượng ở bán đảo Triều Tiên và tuân thủ thỏa thuận liên Triều", thông cáo của Bộ Thống nhất Hàn Quốc nhấn mạnh.

Lý giải cho động thái cắt liên lạc này, Triều Tiên cáo buộc chính phủ Hàn Quốc đã vi phạm thỏa thuận liên Triều đạt được tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 4/2018 khi không giải quyết tình trạng những người đào tẩu rải truyền đơn qua biên giới Triều Tiên.

Free North Korea, một tổ chức phi chính phủ, tuyên bố đã dùng bóng bay để đưa 500.000 truyền đơn vào Triều Tiên, cùng với 2.000 tờ 1 USD, 1.000 thẻ nhớ. Tổ chức này từ chối bình luận về nội dung trong các thẻ nhớ, song trước kia các thẻ nhớ được chuyển sang biên giới Triều Tiên có chứa các bộ phim hoặc chương trình truyền hình của Hàn Quốc và phương Tây.

Toan tính của Triều Tiên, thế khó của Hàn Quốc

Hàn Quốc gọi, Triều Tiên không trả lời: Bình Nhưỡng tính nước cờ gì? - 2
Triều Tiên đột ngột tuyên bố ngắt các đường dây nóng liên lạc với Hàn Quốc sai hơn 2 năm quan hệ liên Triều hạ nhiệt căng thẳng. (Ảnh: WSJ)

Đường dây nóng liên Triều được thiết lập vào năm 1971. Kể từ đó đến nay, Triều Tiên đã ngắt liên lạc ít nhất 5 lần. Lần này, Triều Tiên bất ngờ ngắt liên lạc sau hàng loạt diễn biến tích cực cho thấy quan hệ liên Triều cải thiện đáng kể.

Hãng tin Korea Herald dẫn lời các chuyên gia cho rằng, động thái này của Triều Tiên có thể có nhiều động cơ khác nhau, nhưng một trong số đó có thể là mục tiêu gây sức ép đàm phán không chỉ với Hàn Quốc mà còn với Mỹ.

"Trong ngắn hạn, mục đích của Triều Tiên là chấm dứt các hoạt động rải truyền đơn và gây sức ép với Hàn Quốc. Song mục tiêu dài hạn là gây sức ép buộc Mỹ nới lỏng trừng phạt", Shin Beom-chul, giám đốc Trung tâm An ninh và Ngoại giao thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc gia Hàn Quốc, nhận định.

Shin Jong-woo, chuyên gia phân tích chiến lược tại Diễn đàn Quốc phòng và An ninh Hàn Quốc, cũng cho rằng Bình Nhưỡng đang gây sức ép với Seoul để thuyết phục Washington nới lỏng trừng phạt và viện trợ kinh tế.

"Họ muốn tạo ra một cuộc khủng hoảng trong tầm kiểm soát. Triều Tiên cần một cuộc khủng hoảng trong mối quan hệ với Hàn Quốc và đó phải là một cuộc khủng hoảng không khiến Mỹ can thiệp trực tiếp vào", Andrei Lankov, chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên tại Đại học Kookmin ở Seoul, bình luận.

Ở khía cạnh khác, ông Choi Kang, Phó chủ tịch Viện nghiên cứu chính sách Asan, cho rằng động thái của Triều Tiên có thể nhằm ra “cớ” để tiến hành các hoạt động quân sự sau đó. Ông Cheong Seong-chang, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện nghiên cứu Sejong, cũng cho rằng Triều Tiên có thể sắp nối lại các vụ thử tên lửa, trong đó có các tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm.

Tuy nhiên, chuyên gia Shin đánh giá, Triều Tiên sẽ chưa có hành động quân sự nào đáng kể như thử nghiệm tên lửa xuyên lục địa vào thời gian này bởi nó có thể khiến quan hệ với Trung Quốc căng thẳng. 

Trong bối cảnh đó, chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phải đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan. Đảng của ông Moon Jae-in đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 4, làm dấy lên những lời kêu gọi trong nội bộ đảng về việc tiếp tục hàn gắn quan hệ liên Triều. Woo Won-shik, một nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Hàn Quốc, hôm 9/6 hối thúc khôi phục quan hệ hợp tác liên Triều vì cho rằng nếu không làm thế quan hệ Hàn - Triều sẽ lại căng thẳng như 3 năm trước.

Tuy nhiên, vấn đề là chính quyền của ông Moon không còn nhiều lựa chọn để có thể cùng lúc làm vừa lòng Triều Tiên, vừa không ảnh hưởng đến mối quan hệ với Mỹ.

Về phía Mỹ, sau động thái bất ngờ của Triều Tiên, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Mỹ luôn ủng hộ tiến triển trong quan hệ liên Triều và chúng tôi thất vọng về các hành động gần đây của Triều Tiên. Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên quay lại con đường ngoại giao và hợp tác”.

Minh Phương
Theo Korea Heral, Washington Post