Hàn Quốc "đứng ngồi không yên" sau vụ UAV Triều Tiên xâm nhập lãnh thổ
(Dân trí) - Giữa lúc căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên gia tăng, người dân Hàn Quốc thực sự sốc và lo lắng sau vụ 5 máy bay không người lái (UAV) của Bình Nhưỡng dễ dàng vượt biên giới mà không bị bắn hạ.
Khi Mỹ và Hàn Quốc đưa ra cảnh báo vào đầu năm nay rằng, Triều Tiên đang lên kế hoạch thử vũ khí hạt nhân lần thứ 7, hầu hết người dân Hàn Quốc không quá chú ý.
Nhiều người ở Hàn Quốc đã quá quen với việc này đến mức không chú ý tới các động thái quân sự thường xuyên của Triều Tiên.
Nhưng tuần này, Triều Tiên đã khiến nhiều người Hàn Quốc lo ngại bằng cách sử dụng một loại vũ khí rẻ hơn và ít tinh vi hơn nhiều so với đầu đạn hạt nhân. Đó là những chiếc UAV giá rẻ.
Theo các chuyên gia quân sự, sau khoảng 5 năm vắng bóng, UAV của Triều Tiên lại xâm nhập Hàn Quốc vào đúng thời điểm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng hơn bao giờ hết sau khi Bình Nhưỡng có một năm thử tên lửa với số lượng kỷ lục.
Các quan chức Hàn Quốc ngày 26/12 cho biết, 5 UAV của Triều Tiên đã vượt khu phi quân sự tiến sâu vào lãnh thổ của Seoul, trước khi quay trở lại Triều Tiên hoặc biến mất khỏi radar quân sự của Hàn Quốc.
UAV bị phát hiện lần đầu tại Hàn Quốc vào lúc 10h25 giờ địa phương khi đang bay phía trên tỉnh Gimpo. UAV đã bay qua nhiều thành phố của Hàn Quốc gồm thủ đô Seoul.
Đây là lần đầu tiên trong 5 năm qua, các máy bay Triều Tiên xâm phạm không phận Hàn Quốc.
Vụ việc quá bất ngờ khiến Hàn Quốc "dậy sóng", liên tiếp đưa ra các thông điệp cảnh báo, bắn cảnh cáo và điều máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng tấn công cùng các chiến đấu cơ khác để bắn hạ các UAV nói trên, trong khi vẫn chưa xác nhận được các phương tiện của Triều Tiên có mang vũ khí hay không.
Trong đó, một trực thăng trang bị súng máy đã bắn khoảng 100 viên đạn về phía UAV nhưng không bắn hạ được chiếc nào.
Một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận một máy bay quân sự KA-1 của đã gặp nạn hôm 26/12 sau khi rời căn cứ Wonju ở miền Bắc để đánh chặn UAV Triều Tiên. Hai phi công đã kịp thoát hiểm trước khi máy bay rơi và họ được điều trị tại bệnh viện.
Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên UAV của Triều Tiên bay vào không phận Hàn Quốc, nhưng vụ việc mới nhất này đã khiến nhiều người dân Hàn Quốc lo ngại.
Trên mạng xã hội, người Hàn Quốc bàn tán về khả năng bị UAV Triều Tiên tấn công vào thời điểm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đang gia tăng.
Hàn Quốc lại rơi vào tình thế nguy hiểm lần thứ hai vào hôm 27/12 khi các máy bay chiến đấu lại cất cánh, đáp trả điều mà các quan chức quân sự ban đầu cho rằng có thể là một làn sóng UAV khác của Triều Tiên. Chính phủ đã gửi thông báo khẩn cấp khuyến cáo cư dân gần biên giới nên cẩn thận với "máy bay không người lái". Nhưng hóa ra đó lại là một đàn chim.
Cũng trong ngày 27/12, quân đội Hàn Quốc đã đưa ra lời xin lỗi công khai hiếm hoi vì không bắn hạ được UAV nghi của Triều Tiên. "Chúng tôi đã phát hiện và đuổi theo 5 UAV của kẻ thù xâm phạm không phận Hàn Quốc nhưng không thể bắn hạ chúng. Chúng tôi rất tiếc và rất xin lỗi", Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) ra tuyên bố.
JCS thừa nhận rằng, quân đội có thể đối phó "các UAV gây ra mối đe dọa thực sự", nhưng khả năng phát hiện và tấn công những UAV do thám nhỏ hơn "có giới hạn". "Hậu quả là sự thiếu sẵn sàng của quân đội đã khiến người dân lo ngại", tuyên bố nói thêm.
Tướng Park Han-ki, Chủ tịch JCS, tuyên bố sẽ tăng cường cảnh giác trước các UAV của Triều Tiên và tích cực triển khai vũ khí để "phát hiện và tiêu diệt" chúng.
Các máy bay chiến đấu của Hàn Quốc lại xuất kích hôm 28/12 để đối phó với một vật thể không xác định trên không. Lần này hóa ra là một quả bóng bay.
"Bóng ma" xung đột
Mối lo về UAV Triều Tiên càng lớn do một phần bởi lịch sử thù địch kéo dài giữa liên Triều và những cuộc đụng độ lớn gần đây.
Hàn - Triều đã đụng độ trên biển vào năm 1999 và 2002. Năm 2010, 46 thủy thủ thiệt mạng khi một tàu Hải quân Hàn Quốc bị chìm trong vụ việc mà Seoul cáo buộc do Bình Nhưỡng tấn công bằng ngư lôi. Cuối năm đó, Bình Nhưỡng đã phóng một loạt tên lửa vào một hòn đảo tiền tiêu của Hàn Quốc, khiến 4 người thiệt mạng. Seoul đáp trả bằng một cuộc tấn công bằng pháo binh qua biên giới.
Trong nhiều tháng, Hàn Quốc đã cảnh giác cao độ trước các động thái của Triều Tiên. Năm nay, Bình Nhưỡng đã tiến hành số vụ thử tên lửa kỷ lục, với tuyên bố có khả năng tấn công Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản bằng vũ khí hạt nhân. Các đồng minh đã phản ứng bằng cách mở rộng các cuộc tập trận quân sự chung, động thái khiến Triều Tiên đẩy nhanh việc phát triển vũ khí của mình.
Triều Tiên tuyên bố nỗ lực vượt qua sự cân bằng sức mạnh quân sự chống lại Hàn Quốc bằng cách phát triển một kho tên lửa hạt nhân. Nhưng Bình Nhưỡng cũng đã triển khai các vũ khí giá rẻ như UAV, sử dụng chúng làm công cụ giám sát và tấn công trên không. Nước này được cho là có đến 1.000 UAV, theo ước tính của các nhà phân tích quân sự ở Hàn Quốc.
Triều Tiên đã trưng bày một số UAV trong các cuộc duyệt binh. Quân đội nước này cũng đã chứng minh năng lực điều khiển UAV bằng buổi trình diễn hàng loạt vào ban đêm trong những năm gần đây.
Hàn Quốc lần đầu tiên chứng kiến mối đe dọa từ UAV Triều Tiên khi hai trong số chúng được tìm thấy bị rơi trên lãnh thổ Hàn Quốc vào năm 2014. Từ máy ảnh kỹ thuật số gắn trên một trong số UAV, các quan chức Hàn Quốc đã lấy được 193 bức ảnh chụp từ trên không của chúng, một trong số đó cho thấy văn phòng tổng thống ở thủ đô Seoul.
Lúc đó, người Hàn Quốc bị sốc khi UAV của Triều Tiên xâm phạm biên giới mà không bị phát hiện. Năm 2017, camera gắn trên một UAV Triều Tiên bị rơi cho thấy nó đã bay sâu hơn vào lãnh thổ quốc gia miền Nam, bay quanh một căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ ở phía đông nam Hàn Quốc.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 28/12 đã thông báo kế hoạch chi 560 tỷ won (441,26 triệu USD) trong 5 năm tới để tăng cường khả năng đối phó UAV của Triều Tiên.
Các động thái mới nhất của cả Hàn Quốc và Triều Tiên đang làm dấy lên lo ngại hai bên có thể sẽ sẵn sàng dùng UAV xâm nhập lãnh thổ của nhau thường xuyên hơn trong tương lai, làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột.