Hàn Quốc chính thức trở thành xã hội "siêu già"
(Dân trí) - Hàn Quốc chính thức trở thành xã hội "siêu già" khi tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên chạm ngưỡng 20%, Bộ Hành chính và An sinh nước này cho biết.
Hàn Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học do dân số già hóa nhanh chóng và tỷ lệ sinh thấp.
Tính đến ngày 23/12, số người Hàn Quốc từ 65 tuổi trở lên đã lên tới 10,24 triệu, chiếm 20% trong tổng dân số cả nước, theo số liệu từ Bộ Hành chính và An Ninh nước này.
Liên hợp quốc phân loại các quốc gia có hơn 7% dân số từ 65 tuổi trở lên là xã hội già hóa, quốc gia có hơn 14% dân số thuộc nhóm này là xã hội già và quốc gia có hơn 20% là xã hội siêu già.
Nhóm tuổi này tại Hàn Quốc đã tăng dần qua các năm, lên 4,94 triệu người vào năm 2008, chiếm 10% dân số. Sau đó tỷ lệ vượt mức 15% vào năm 2019 và lên 19,05% vào tháng 1 năm nay.
Tính đến ngày 23/12, số lượng phụ nữ Hàn Quốc trong nhóm tuổi trên 65 là 5,69 triệu, so với 4,54 triệu nam giới.
Nhóm tuổi này chiếm 27,18% dân số ở tỉnh Jeolla Nam - cao nhất trong số các khu vực chính của cả nước. Thành phố trung tâm Sejong có tỷ lệ thấp nhất là 11,57%.
Tại Seoul, tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm 19,41% dân số.
"Cần có một sự thay đổi cơ bản và có hệ thống đối với chính sách dân số, bao gồm việc thành lập một bộ phận chính phủ chuyên trách công tác này", ông Kim Min-jae, một viên chức cấp cao của bộ, cho biết.
Để giải quyết vấn đề chi phí lương hưu tăng cao và dân số trong độ tuổi lao động đang giảm, Chủ tịch Hiệp hội Người cao tuổi Hàn Quốc Lee Joong-ken đề xuất nâng độ tuổi tối thiểu đủ điều kiện hưởng phúc lợi cho người cao tuổi từ 65 lên 75 tuổi.
Với tỷ lệ sinh dưới 1, mức thấp nhất thế giới, kinh tế xã hội Hàn Quốc được dự báo sẽ chịu tác động từ sự thay đổi nhân khẩu học mạnh mẽ trong những thập niên tới.
Diệu Linh