“Hạm đội ma” và lời cảnh báo về Thế chiến thứ 3
Mới đây, Peter Singer - một nhà tương lai học 40 tuổi người Mỹ - đã lên tiếng cảnh báo giới chức quân sự Washington về nguy cơ sắp xảy ra Thế chiến 3 giữa Mỹ với Trung Quốc.
Những dự báo được đưa ra trong một cuốn sách sắp được phát hành có tựa đề: “Ghost Fleet: A Novel of the Next World War” (tạm dịch: “Hạm đội ma: Tiểu thuyết về cuộc thế chiến tiếp theo”).
Theo kịch bản được nêu ra, chiến đấu cơ hiện đại nhất của Mỹ có thể bị nổ tung trên trời do vi mạch của Trung Quốc sản xuất, tin tặc của Trung Quốc lần mò vào được hệ thống tình báo của quân đội Mỹ, và quân đội Trung Quốc chiếm Hawaii.
Các quan chức Lầu Năm Góc hiếm khi lắng nghe dự báo từ các tác giả viết sách giả tưởng. Tuy vậy, ông Singer được đánh giá không phải là một nhà dự báo “tầm thường”. Ông đã viết những cuốn sách xác đáng về sự phụ thuộc của Mỹ và các nhà thầu quân sự tư nhân, an ninh mạng, và sự phụ thuộc ngày càng lớn của Bộ Quốc phòng nước này vào người máy, máy bay không người lái và công nghệ. Hải quân, lục quân và không quân Mỹ đã hai lần đưa một số cuốn sách của ông Singer vào danh sách những cuốn sách cần đọc của lực lượng.
Trong cuộc nói chuyện tại Lầu Năm Góc, ông Singer đề nghị giới chức quân đội Mỹ xem xét khả năng người Mỹ có thể phải đối mặt với các cuộc không chiến và những xung đột trên biển hoàn toàn khác biệt với những gì Mỹ từng chứng kiến kể từ Thế chiến 2.
Kịch bản Thế chiến 3
Bối cảnh cuốn sách diễn ra vào những năm 2020, miêu tả về vũ khí, việc cắt giảm chi phí và các chiến lược đang nổi lên ở thực tại, dự đoán viễn cảnh trong 5 năm tới. Một tác phẩm được bán ở quầy sách viễn tưởng, nhưng giá trị tiên liệu của nó nằm ở 400 ghi chú trong phần cuối về những công nghệ và các xu thế đang nổi lên khiến câu chuyện rất sát với thực tế. Đó là kết quả sau bốn năm tích cực điều tra của tác giả trong từng ngõ ngách ở Lầu Năm Góc, trên các chiến hạm và căn cứ không quân.
Cuốn sách đặc biệt nhấn mạnh một số vũ khí có thể định hình những cuộc chiến trong tương lai, từ chiến tranh mạng đến máy bay không người lái, từ trí thông minh nhân tạo đến thực tế ảo.
Kịch bản của Thế chiến 3 được miêu tả như sau: Một phi hành gia Mỹ bị trục xuất khỏi trạm không gian quốc tế bởi những người tưởng là đồng nghiệp - người Nga và Trung Quốc. Một “nhóm lãnh đạo” các nước đế quốc quyết định lật đổ chế độ Bắc Kinh, tuyên bố tổng tấn công tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Peter Singer cho rằng chỉ bằng cách thừa nhận những xu hướng có thật và rủi ro có thật thì mới có thể có những bước đi nhằm tránh được sai lầm.
Trong khi đó, Hawaii bị hải quân Trung Quốc tiến công bất ngờ và chinh phục. Động cơ của các chiến hạm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ bị virus máy tính vô hiệu hóa từ xa. Phi hành gia Trung Quốc và Mỹ quyết liệt tấn công nhau trong không gian bằng những khẩu súng laser.
Singer là nhà chiến lược của tổ chức New Amerian Foundation (chuyên về các vấn đề quốc gia) và tham gia viết về những vũ khí đang được phát triển của Trung Quốc cho blog “Thần công phương đông” (Eastern Arsenal) ở trang Popular Science. Ông cho rằng Hạm đội ma là sự pha trộn giữa viễn tưởng và thực tế, sử dụng viễn tưởng để khám phá công nghệ thực tại cùng những vấn đề liên quan theo chiều hướng sâu sắc và đậm tính chiến thuật.
Tác giả tỏ ra có cơ sở khi tất cả các phát minh khoa học được nhắc tới đều có thực. Đó có thể là tàu ngầm Trung Quốc sục sạo dưới đáy biển tìm kiếm khí thiên nhiên, các máy bay không người lái, hay những sự cố máy tính có thể vô hiệu hóa toàn bộ Hạm đội Thái Bình Dương, cùng các cuộc chiến tranh mạng ác liệt giữa giới tin tặc Trung Quốc và các chuyên gia tin học ở thung lũng Silicon.
Tác giả đặt ra một vài câu hỏi quan trọng: Điều gì sẽ xảy ra khi Trung Quốc biến nhân dân tệ thành đồng tiền có thể chuyển đổi? Điều gì xảy ra khi thị trường năng lượng thay thế phát triển và Trung Quốc kiểm soát những quặng quý hiếm? Điều gì xảy ra khi Trung Quốc tiếp tục bành trướng? Rõ ràng nhất, cuốn sách miêu tả cuộc chiến với Trung Quốc sẽ diễn ra như thế nào, cùng những chiến lược xây dựng xung quanh các loại vũ khí và một cách tiếp cận chiến tranh khiến phương Tây ít để ý nhất.
“Thế chiến 3 có vẻ giống như một cái gì đó vừa là nỗi sợ hãi trong quá khứ đã có từ rất lâu, vừa là nguy cơ trong tương lai rất xa. Nhưng điều đó lại đang ở rất gần”, Peter Singer nhận định về “viễn cảnh chiến tranh đen tối” trong một cuộc họp tại Lầu Năm Góc trước các quan chức tình báo, sĩ quan không quân và chỉ huy hải quân Mỹ.
Giả thiết và thực tại
Hạm đội ma đã có một số dự đoán trở thành hiện thực. Cuốn sách mở đầu với cảnh tượng chiếc máy bay do thám P-8 Poseidon bị quân đội Trung Quốc giận dữ xua đuổi qua radio (được Singer viết 18 tháng trước).
Tháng 3/2015, một cảnh tượng tương tự đã diễn ra khi hải quân Mỹ cử chiếc máy bay do thám P-8 Poseidon bay ngang qua đảo đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) ở Biển Đông. Một sỹ quan quân đội Trung Quốc vô cùng giận dữ, cảnh báo chiếc máy bay phải rời đi qua radio.
Một mặt Singer thấy vui vì những dự đoán trong cuốn sách là đúng, nhưng ông không muốn chứng kiến Thế chiến 3 diễn ra theo đúng xu hướng được mô tả trong tác phẩm. Nhưng đây cũng chính là lý do Singer muốn viết Hạm đội ma. Một mặt nó phục vụ cho mục đích giải trí, mặt khác nó cảnh báo những quan chức đứng đầu của Mỹ về sự phát triển quân sự của Trung Quốc được thiết kế để chiến thắng trong cuộc chiến với Mỹ.
Luôn tồn tại nguy cơ về một cuộc chiến trên mạng, trong đó các bên đối đầu để giành quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu chính phủ và các bí mật của nhau.
Một trong những chương trình của nhà cầm quyền Trung Quốc là “quả chùy sát thủ”, được thiết kế để chống lại kẻ thù có thế mạnh về công nghệ. Chương trình bao gồm tấn công tin học, chiến tranh ngoài không gian và những hệ thống khác có thể vô hiệu hóa khả năng chiến đấu của quân đội Mỹ.
Singer cho rằng: “Chúng ta sử dụng cụm từ “cuộc chiến không cân sức” để ám chỉ những người luôn tìm kiếm điểm yếu của chúng ta. Và quả chùy sát thủ biến thế mạnh của ta thành điểm yếu để khai thác”. Một cuộc tấn công dạng này sẽ nhanh chóng dẫn đến một cuộc chiến vươn ra khỏi các biên giới, và vào bên trong lãnh thổ của quốc gia thù địch theo các cách con người chưa từng chứng kiến trước đây.
Căng thẳng gia tăng trên Biển Đông đã buộc Lầu Năm Góc phải đánh giá lại thế giới quan và có cách suy nghĩ mới về nguy cơ từ các đối thủ mạnh. Trên thực tế, Bắc Kinh đang dấn mạnh nước cờ trên vùng biển nóng, bồi đắp và xây dựng trên các hòn đảo nhỏ xa xôi, vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam, cùng một số đảo mà Trung Quốc đang tranh chấp với Philippines và Nhật Bản.
Trong khi đó, tin tặc Trung Quốc được cho là đã truy cập vào hệ thống máy tính của Nhà Trắng, có được các kế hoạch công nghiệp quốc phòng của Mỹ cũng như rất nhiều hồ sơ bí mật khác của chính phủ nước này. Điều này đang dẫn tới việc hình thành một cuộc chiến trên mạng, trong đó cả hai bên đối đầu để giành quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu chính phủ và các bí mật của nhau.
Giới chức Mỹ nhiều lần cảnh báo về việc nước này đang đối mặt nguy cơ một “trận chiến Trân Châu Cảng trên mạng”. Các dự án về siêu máy tính cũng đang được triển khai trên thế giới nhằm thách thức quyền lực công nghệ của Mỹ. Washington cần phải lưu tâm đến các lỗ hổng công nghệ, vốn được các cường quốc nhắm đến như những vũ khí lợi hại, nơi một động thái bẻ khóa hệ thống cũng quyết định cả một cuộc chiến.
Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã âm thầm có những bước đi tích cực nhằm khắc phục điểm yếu này khi biến Học viện hải quân Mỹ trở thành “trọng điểm quốc gia” nhằm phát triển bài bản một số lượng lớn các chiến binh kỹ thuật số.
Bằng việc thể hiện mọi thứ đang tiếp diễn đến đâu, và những điểm tương đồng từng có trong quá khứ, Hạm đội ma có thể tạo ra một bức tranh toàn diện hơn cho những mối đe dọa thực sự mà Mỹ và thế giới phải đối mặt hiện nay. Một cuộc chiến có thể xảy ra theo nhiều cách khác nhau, bởi một hành động tình cờ như một cuộc chạm trán vô ý giữa hai tàu chiến. Hoặc, nó cũng có thể diễn ra theo một cách chậm chạp hơn, như một sự sắp xếp lại trật tự trên toàn cầu có thể sẽ diễn ra vào cuối những năm 2020, giai đoạn mà quân sự Trung Quốc đang bắt đầu dần đuổi kịp và thích ứng với quân sự Mỹ.
“Nghe thì có vẻ phi chính trị, nhưng tôi tin rằng chẳng có ích gì nếu tiếp tục tránh nói về sự đối đầu giữa các cường quốc trong thế kỷ 21 và mối nguy thực sự khi các cường quốc này vượt khỏi tầm kiểm soát. Trên thực tế, chỉ bằng cách thừa nhận những xu hướng có thật và rủi ro có thật, chúng ta mới có thể có những bước đi nhằm tránh được sai lầm”, ông Singer nhấn mạnh trong phát biểu tại Lầu Năm Góc…
Theo Trần Quân
An ninh thế giới