Hai thế giới đối lập khi kênh đào Suez "thất thủ"
(Dân trí) - Lần đầu tiên trong 40 năm qua, Wessam Hafez, một hoa tiêu lâu năm tại kênh đào Suez, "ngồi chơi xơi nước" vì không có việc gì để làm.
Gần một tuần khi kênh đào Suez tại Ai Cập tê liệt do siêu tàu mắc cạn, cuộc sống của người dân địa phương cũng bị đảo lộn đáng kể.
Những chuyến tàu tấp nập trên kênh Suez chạy qua gần nhà Wessam cũng không còn, giao thông ở tuyến vận tải biển huyết mạch này tê liệt hoàn toàn sau khi siêu tàu container Ever Given mắc cạn sáng 23/3.
"Không tàu, không hoa tiêu. Khi kênh bị đóng cửa, không chỉ kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng mà tất cả những người làm việc tại đây cũng mất nguồn thu nhập. Từ thuyền trưởng đến những người lái xuồng cao tốc đến những người bán hàng lưu niệm, tất cả đều kiếm sinh nhai từ con kênh, dù là ngành nghề nào cũng bị ảnh hưởng", Wessam cho biết.
Các tàu hàng và thủy thủ đoàn không phải là những đối tượng bị ảnh hưởng bởi sự cố tàu Ever Given "bít" kênh Suez những ngày qua. Reda el Sayed, một ngư dân địa phương, cho biết anh không được phép đánh cá trong 3 ngày ở khu vực mà bình thường anh vẫn đánh bắt sau khi giao thông ở kênh bị đình trệ. Hôm 26/3, giới chức địa phương cuối cùng cũng cho anh đánh bắt trở lại ở hồ Great Bitter ở Ismailia, Ai Cập, nơi ít nhất 40 con tàu chờ để được vào kênh.
"Chúng tôi chưa từng trải qua chuyện như này. Đầu tiên là bão, sau đó là tàu thuyền tắc nghẽn ở kênh, bất cứ khi nào có chuyện gì xảy ra, quân đội sẽ không cho phép đánh bắt thủy hải sản bởi họ muốn đảm bảo an ninh cho con kênh và vùng biển xung quanh", Sayed nói. Anh tâm sự thêm: "Ngày nào mà tôi không có việc làm, gia đình tôi sẽ đói".
Sự cố kênh đào Suez khiến cuộc sống của nhiều người như Sayed ít nhiều bị xáo trộn, nhưng ngược lại nó mang đến cơ hội kiếm tiền cho một số chủ doanh nghiệp.
Một người đàn ông có tên Medhat cho biết, trong những ngày kênh Suez bị tê liệt, công ty của ông nhận được nhiều đơn hàng cung cấp thực phẩm, nước uống và nhu yếu phẩm khác cho hàng trăm con tàu ùn ứ ở ngoài cửa kênh Suez. "Thông thường các con tàu sẽ tiếp tế nhu yếu phẩm ở cảng tiếp theo ở châu Âu hoặc châu Á với chất lượng tốt hơn. Nhưng bây giờ họ buộc phải mua đồ tiếp tế của chúng tôi, họ cũng cần dịch vụ đổ rác thải", Medhat nói.
Ông và các đồng nghiệp của mình luôn tay kiểm tra tình hình tắc nghẽn ở Suez những ngày qua, số lượng tàu ùn ứ không ngừng tăng lên, khoảng 50 tàu mỗi ngày và đến thời điểm tàu Ever Given được giải cứu, gần 500 con tàu phải chờ bên ngoài kênh. "Có vẻ như họ sẽ sử dụng dịch vụ của chúng tôi thêm 40 ngày nữa. Tôi nghĩ cuộc khủng hoảng này sẽ chưa thể chấm dứt một sớm một chiều", Medhat bình luận. Các chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù tàu Ever Given đã được giải phóng nhưng việc giải tỏa ách tắc ở kênh Suez có thể mất nhiều ngày hoặc nhiều tuần.
Đây là lần kênh Suez bị tê liệt lâu nhất trong thời bình, nhưng không phải lần đầu tiên con đường huyết mạch nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ này bị gián đoạn. Năm 1956, Tổng thống Ai Cập khi đó là Gamal Abdel Nasser đã ra lệnh quốc hữu hóa kênh Suez. Động thái này kéo theo việc Anh, Pháp và Israel can thiệp quân sự. Giao tranh khiến kênh Suez bị đóng cửa nhiều tháng.
Năm 1967, kênh Suez tiếp tục bị gián đoạn đến tận năm 1973 trong bối cảnh Israel tấn công khu vực này. Ngoài ra, kênh Suez bị gián đoạn trong một số lần xảy ra các sự cố va chạm tàu nhưng khoảng thời gian gián đoạn không nhiều.