Hai thành viên của gia tộc giàu có bậc nhất Pakistan trên tàu lặn xấu số
(Dân trí) - Chuyến thám hiểm xác tàu Titanic trở thành chuyến đi cuối cùng của cha con tỷ phú Shahzada Dawood, hai thành viên của gia tộc giàu có bậc nhất Pakistan.
Sau chiến dịch tìm kiếm tích cực 5 ngày qua, Lực lượng Tuần duyên Mỹ hôm 22/6 công bố toàn bộ 5 hành khách trên tàu lặn Titan đều đã thiệt mạng trong vụ nổ thảm khốc khi hành trình thám hiểm xác tàu Titanic ở Đại Tây Dương cuối tuần qua.
Các nạn nhân trên tàu gồm: tỷ phú người Anh Hamish Harding 58 tuổi, tỷ phú Pakistan Shahzada Dawood 48 tuổi cùng con trai 19 tuổi Suleman, nhà hải dương học người Pháp và chuyên gia về tàu Titanic Paul-Henri Nargeolet 77 tuổi, và Stockton Rush - nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành người Mỹ của OceanGate Expeditions.
Hai cha con ông Shahzada là người thừa kế thuộc gia tộc kinh doanh giàu có bậc nhất Pakistan.
Ông Shahzada là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Engro, một trong những doanh nghiệp đầu tư đa lĩnh vực lớn nhất Pakistan có trụ sở tại Karachi. Ông cũng là lãnh đạo Tập đoàn Dawood Hercules chuyên sản xuất hóa chất.
Engro đầu tư vào nhiều lĩnh vực từ năng lượng, nông nghiệp, hóa chất đến viễn thông. Cuối năm 2022, tập đoàn này công bố doanh thu lên tới 1,2 tỷ USD.
Ông còn là ủy viên quản trị của SETI, viện nghiên cứu trụ sở tại California, Mỹ hoạt động trong lĩnh vực khám phá không gian, và là thành viên của một số tổ chức khác.
Tỷ phú Shahzada sinh ra ở Pakistan nhưng mang cả quốc tịch Anh và chủ yếu sống ở Anh, nơi ông học luật tại Đại học Buckingham. Ông tu nghiệp cả ở Anh và Mỹ.
Doanh nhân Shahzada cùng vợ Christine, con trai Sulaiman và con gái Alina sống ở đây cho đến khi chuyển đến sống tại một biệt thự ở Canada khoảng một tháng trước khi thảm kịch xảy ra.
Vị tỷ phú này được mô tả là người yêu thích nhiếp ảnh, đam mê khám phá tự nhiên.
Cậu con trai Suleman là sinh viên một trường đại học ở Glasgow, Scotland. Azmeh Dawood, chị của ông Shahzada, cho biết cháu trai từng nói về việc không muốn tham gia chuyến thám hiểm, song miễn cưỡng đồng ý đi cùng cha.
Ông Shahzada từ lâu ấp ủ kế hoạch thám hiểm tàu Titanic dưới đáy Đại Tây Dương. Để tham gia chuyến thám hiểm, mỗi nạn nhân đã trả khoảng 250.000 USD để lên tàu lặn do đích thân ông chủ của OceanGate lái.
"Thật sự rất đau lòng khi nghĩ đến những gì mà Suleman phải chịu đựng dưới biển", bà Azmeh nói.
Ngoài cha con tỷ phú Shahzada, trong số các hành khách xấu số trên tàu Titan có tỷ phú Anh Hamish Harding. Ông là chủ một công ty hàng không ở Dubai.
Ngoài công việc kinh doanh, ông Harding rất đam mê thám hiểm. Ông từng lập Kỷ lục Guinness Thế giới về thời gian lặn lâu nhất tại nơi sâu nhất thế giới vào năm 2021 khi thực hiện hành trình lặn xuống Rãnh Mariana và đi qua khu vực đó trong 4 tiếng 15 phút.
Năm 2019, ông là người bay vòng quanh trái đất nhanh nhất qua cả hai cực trên chiếc máy bay thương gia Gulfstream 650ER. Năm 2022, vị doanh nhân này là một trong 6 người trên chuyến bay vào vũ trụ của công ty Blue Origin.
Trong khi đó, nhà hải dương học người Pháp và chuyên gia về Titanic Paul-Henri Nargeolet từng hơn 30 lần thám hiểm xác Titanic. Trước khi tham gia các cuộc thám hiểm trên khắp thế giới, ông từng có 25 năm phục vụ trong hải quân Pháp.
Ông Stockton Rush trở thành phi công vận tải phản lực trẻ nhất thế giới ở tuổi 19. Tuy nhiên, sự nghiệp của ông rẽ sang một hướng khác liên quan đến công nghệ đại dương cách đây khoảng hai thập niên. Năm 2009, ông thành lập OceanGate, công ty chuyên cung cấp dịch vụ lặn thám hiểm.
Sau một thời gian dài không được cấp phép, đến năm 2021, OceanGate bắt đầu khai thác dịch vụ đưa khách thám hiểm Titanic.