Hải quân Trung Quốc gây động biển ở Biển Đông
(Dân trí) - Theo giới chuyên gia, sự xuất hiện của hạm đội đặc nhiệm hải quân Trung Quốc tại bãi cạn cách bờ biển nước này tới 1.800km và cách Malaysia chỉ 80km là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Bắc Kinh đang củng cố tuyên bố độc chiếm gần như toàn bộ Biển Đông của mình.
Gửi thông điệp mạnh tới Mỹ
Bãi cạn James nằm ngay gần bờ biển Malaysia, một trong nhiều nước đang phải tìm đến sự giúp đỡ của Mỹ nhằm đối phó với một Trung Quốc đang ngày càng quyết liệt để độc chiếm 1 triệu dặm vuông nguồn năng lượng và thủy sản dồi dào trên Biển Đông.
Theo Michael Auslin, chuyên gia về Đông Á tại American Enterprise Institute, việc Trung Quốc tiến hành tập trận quân sự ở bãi James, khu vực họ coi là cực nam của “đường lưỡi bò” là để chứng tỏ chính sách “xoay trục” sang châu Á của chính quyền Obama mang lại ít kết quả cho các nước như Philippines và Nhật Bản.
“Chúng ta đang đánh mất lòng tin với các đồng minh và bạn bè của chúng ta khi không can dự”, ông đánh giá. “Trung Quốc đã hiểu việc Mỹ không hành động gì là bật đèn xanh để họ tiến lên”.
Hạm đội đặc nhiệm bao gồm cả tàu đổ bộ lưỡng cư tiên tiến nhất của Trung Quốc. Thủy thủ trên boong tàu đã tuyên thệ trung thành với đảng Cộng sản Trung Quốc, cam kết “đấu tranh không mệt mỏi để hiện thực hóa giấc mơ cường quốc” Tân Hoa xã cho hay.
Năm 2010, Trung Quốc đã xây dựng một tượng đài trên bãi cạn này, tuyên bố nó là “Bãi Zengmu”, thuộc lãnh thổ của Trung Quốc. Hành động là một phần trong tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các đảo, ngư trường và nguồn năng lượng trong vùng biển mà Việt Nam, Philippines… cũng có chủ quyền. Biển Đông cũng là hải lộ trung chuyển lớn của giao thông hàng hải toàn cầu, với một nửa hàng hóa thế giới đi qua vùng biển này.
Malaysia cho biết tuyên bố của Trung Quốc với bãi James là vô giá trị và chỉ là nỗ lực nhằm chiếm các nguồn tài nguyên như dầu khí nằm sâu trong vùng lãnh hải được quốc tế công nhận là của Malaysia.
Trung Quốc cũng “xoay trục”
Stephanie Kleine-Ahlbrandt, giám đốc Đông Bắc Á của Tổ chức khủng hoảng quốc tế, nhóm phi chính phủ, ngăn chặn xung đột, cho biết cuộc tập trận hải quân tương đồng với “sự chuyển hướng từ sức mạnh tập trung trên bộ sang sức mạnh hải quân” của Trung Quốc.
Theo bà, chiếc lược này đã được thúc đẩy từ hai năm trước, và suốt thời gian qua Trung Quốc ngày một quyết liệt hơn trong các tuyên bố chủ quyền của mình.
Trung Quốc thường xuyên phái tàu cá và các tàu hải giám bán quân sự tới hàng trăm đảo, bãi đá ngầm ở Biển Đông mà nước này tuyên bố chủ quyền, chồng lấn vào lãnh hải của các nước láng giềng. Chuyến ghé qua bãi James lần này là bất thường xét về hỏa lực mà hải quân Trung Quốc đưa tới.
Lực lượng đặc nhiệm được dẫn đầu bởi tàu Jinggangshan, tàu đổ bộ 19.000 tấn, dài 200m, được giới phân tích quân sự đánh giá là một trong những tàu hiện đại, tiên tiến nhất của quân đội Trung Quốc. Tàu có thể chở theo trực thăng, lính thủy đánh bộ, các tàu đổ bộ đệm khí.
Các trang mạng chính thức của Trung Quốc tung hê động thái điều tàu tới bãi James là củng cố chủ quyền đối với vùng lãnh hải cực nam của họ. Trong khi đó các tờ độc lập trong khu vực xem cuộc diễn tập là lần hé lộ về chính sách biển của Trung Quốc dưới thời lãnh đạo mới, ông Tập Cận Bình, người được xem là có mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo quân sự trong nước.
Gary Li, nhà phân tích cấp cao của IHS Fairplay tại London, miêu tả sứ mệnh của hạm đội là “thông điệp mạnh mẽ đầy bất ngờ” từ ban lãnh đạo mới của Trung Quốc, mới được thành lập dưới sự chỉ đạo của ông Tập Cận Bình.
“Đây không chỉ là vài con tàu xuất hiện ở đâu đó, mà là một tàu đổ bộ tiên tiến, chở theo lính thủy đánh bộ cùng tàu đệm khí, lại được một nhóm tàu hộ tống tốt nhất trong hạm đội hải quân hỗ trợ”, ông cho biết vời tờ South China Morning Post. Ông cũng không quên nhắc tới việc các chiến đấu cơ cũng được sử dụng để hỗ trợ cho lực lượng đặc nhiệm. “Chúng ta chưa bao giờ chứng kiến được điều gì như thế này ở xa về phía nam, xét về cả chất lượng lẫn số lượng.”
Mỹ phải đối phó ra sao?
Auslin cho rằng Mỹ nên phản ứng với vai trò lâu dài để đảm bảo vùng biển không phải chỉ do một nước kiểm soát. Ông cũng cho rằng Nhà Trắng cần phải gia tăng tần suất hiện diện của tàu chiến ở khu vực để Trung Quốc thấy “chúng ta đang hiện hữu”. Ông cũng cho rằng, sự xuất hiện của Mỹ cũng sẽ củng cố lòng tin của các đồng minh của Mỹ, cho thấy Mỹ đang đương đầu với thách thức mà láng giềng khổng lồ của họ đang tạo ra.
Nhà Trắng đã tuyên bố họ muốn tất cả các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, thông qua các cấu trúc luật pháp quốc tế. Nhưng thái độ của Trung Quốc, theo nhìn nhận của nhiều nước trong khu vực, là hiếu chiến. Auslin nhận định, Trung Quốc đã phát đi được thông điệp cho thấy Mỹ sẽ không đối đầu với Trung Quốc.
Cũng theo Auslin, thái độ của Trung Quốc có thể phá hủy 100 năm chính sách của Mỹ, cho thấy “kẻ mạnh là kẻ đúng”.
“Chúng ta có muốn thấy môi trường thay đổi theo hướng mối quan hệ giữa các nước được quyết định bởi người mạnh nhất? Đó là thế giới của thế kỷ 19”, ông cho hay.
Vũ Quý
Tổng hợp
.