1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hai "mặt trận", một "ván cờ" của tổng thống Putin

Đánh giá lại hành động của Nga từ cuối tháng 9, chúng ta chợt nhận ra “mặt trận thứ hai” ở Syria, có quan hệ mật thiết với “mặt trận thứ nhất” ở Đông Ukraine.

Trong suốt 2.000 năm, Địa Trung Hải, một vùng biển trung tâm của thế giới có vị trí địa lý vô cùng quan trọng, là cầu nối ba châu lục Á, Âu, Phi. Địa Trung Hải còn là biển cửa ngõ thông ra thế giới của Biển Đen. Với nước Nga, vốn có bờ biển phía bắc và đông bắc thường xuyên bị đóng băng, việc tiến ra đại dương ở phía nam cũng mang tính sống còn trên con đường phát triển.

Chiến lược Địa Trung Hải của Nga có lẽ đã bắt đầu từ vài thế kỷ trước, khi Pie Đại Đế đưa nước Nga thoát khỏi bóng tối, từng bước trở thành cường quốc, đặc biệt là cường quốc hải quân. Năm 1696, quân Nga chiếm pháo đài Azov, bàn đạp từ đây đã vững chắc trên Biển Đen và từ đó tiếp tục tính toán đến Đông Địa Trung Hải.

Suốt từ thời đó đến nay, đặc biệt là giữa thế kỷ 20 với sự lớn mạnh của Liên Xô, và cả thời kỳ nước Nga sau này của V.Putin, Đông Địa Trung Hải luôn luôn là “phần mở rộng” của Biển Đen, do đó Biển Đen cũng luôn là một phần của chiến lược Địa Trung Hải.

Tháng 8/1941, Hồng quân Liên Xô đã phối hợp với quân đội Anh quốc đưa quân vào Iran. Đến cuối chiến tranh, Liên Xô đã có cổ phần trong một số công ty khai thác dầu khí ở Iran. Ngoài ra, Liên Xô còn có những vai trò tích cực ở Iraq cũng trong giai đoạn này.

Từ trước và sau Chiến tranh thế giới, Liên Xô đều tham gia đàm phán và đàm phán lại Công ước Montreux, liên quan đến quyền đi lại tự do của tàu bè qua hai eo biển Bosphorus và Dardanelles (nối Biển Đen với đại dương). Tuy nhiên họ vẫn chưa có được thành công mong muốn trong việc đứng chân chắc chắn hơn nữa ở vùng yết hầu của ba châu lục này.

Thập niên 1960, những cố gắng Liên Xô cũng không hề ngơi nghỉ trong khu vực khi can dự sâu sắc vào xung đột Israel – Arab, như cuộc “Chiến tranh 6 ngày”.

Hai "mặt trận", một "ván cờ" của tổng thống Putin - 1

Biển Đen cũng luôn là một phần của chiến lược Địa Trung Hải của nước Nga. (Ảnh minh họa: Wikipedia)

“Ván cờ Địa Trung Hải” thời Putin

Nước Nga của Putin sang những năm 2010 vẫn tiếp tục quan tâm rất nhiều việc quay trở lại thành cường quốc đại dương: ban hành học thuyết biển mới, sáp nhập bán đảo Crimea, và những hoạt động quân sự khá bất ngờ thời gian gần đây ở Syria.

Tháng 12/2013, công ty khí đốt của Nhà nước Nga Soyuzneftegaz ký một hợp đồng với Syria có giá trị 90 triệu đôla kéo dài 25 năm. Đến nay, cả Israel, Lebanon, Cyprus, và bây giờ Syria đều nhiệt tình hẳn lên trước những dữ liệu thăm dò địa chất của Hoa Kỳ cho thấy trữ lượng khí tự nhiên khổng lồ dưới đáy Địa Trung Hải, ước tính khoảng 3.400 nghìn tỷ mét khối.

Khi quan hệ Israel – Ai Cập xấu đi, thì quan hệ Nga – Ai Cập lại nồng ấm lên. Còn khi quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ nguội, thì Nga – Thổ lại rất “cơm lành canh ngọt.” Đơn cử, Thổ Nhĩ Kỳ là nước trong NATO, nhưng lại không tham gia trừng phạt Nga sau khủng hoảng Ukraine. Cyprus là quốc đảo được đánh giá rất có tiềm năng khai thác khí tự nhiên ngoài khơi, và Nga cũng có chính sách ảnh hưởng khá mạnh đến tình hình chính trị nước này.

Tại sao nước Nga, vốn là nước giàu có về dầu khí, lại can dự khá sâu vào vùng biển đầy rắc rối như Địa Trung Hải ngay từ trước thời điểm họ bị trừng phạt do khủng hoảng Ukraine? Có thể lý giải từ góc độ: sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ dầu đá phiến, cũng như biến đổi khí hậu làm giảm lượng cầu khí đốt của châu Âu. Nước Nga có thể chưa cần bán khí đốt từ nguồn Địa Trung Hải, nhưng cần phải có sự đảm bảo không bị cạnh tranh từ chính nguồn này.

Tartus, căn cứ hải quân cuối cùng của Nga ở nước ngoài là trên bờ biển Syria, ngay ngoài khơi là “mỏ khí đốt khổng lồ.” Do đó Nga còn cần phải mở rộng chân đế của mình hơn nữa, như việc được sử dụng một cảng của Cyprus (2/2015), hay có thêm một căn cứ không quân nữa.

Cuối tháng 9/2015, Nga bắt đầu không kích ở Syria, một hành động có thể nói khá bất ngờ của Putin. Một mặt, có thể coi đây là nước cờ “mở mặt trận thứ hai” của Putin, khi mà tình thế của Nga liên quan đến diễn biến Đông Ukraine còn đang chưa có lối thoát.

Mặt khác, những hành động quân sự của Nga ở Syria đã mau chóng mang lại sự biến chuyển lớn trong cuộc nội chiến Syria, giúp “chân đế” của nước Nga, bàn đạp tiến ra Địa Trung Hải, ngày càng vững chắc.

Sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ cường kích SU-24 của Nga làm cho quan hệ hai nước đang thân thiện, xấu đi nhanh chóng. Biến hại thành lợi, Nga mau chóng mở thêm vài căn cứ quân sự trên lãnh thổ Syria, khá gần biên giới nước này với Thổ Nhĩ Kỳ. Còn phía Thổ, tranh thủ được sự ủng hộ từ NATO, dồn thêm nhiều nguồn lực quân sự về phía biên giới. Lần thứ hai kể từ năm 1946, Nga lại đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào vòng tay của các đồng minh NATO.

Đánh giá lại hành động của Nga từ cuối tháng 9, chúng ta chợt nhận ra “mặt trận thứ hai” ở Syria, có quan hệ mật thiết với “mặt trận thứ nhất” ở Đông Ukraine. Sáp nhập Crimea, Nga có quân cảng Sevastopol, quân cảng lâu đời gắn với danh tiếng của Hạm đội Nga. Để có đường ra biển cho hạm đội Hắc Hải, Nga phải vững chân ở Đông Địa Trung Hải.

Vậy thì tại sao ông Putin lại hành động có thể coi là “vội vã” hay mạnh bạo đến vậy, đúng trong thời điểm nước này đang rất khó khăn? Có một lý do khả dĩ chấp nhận được, là việc chính quyền Al-Assad tồn tại hay không, không quá quan trọng; và với lập trường dứt khoát của Phương Tây, thì việc ông Al-Assad phải ra đi gần như là chắc chắn. Nhưng Nga cần phải có quyền là một bên ngồi bên bàn đàm phán. Bây giờ hoặc là không bao giờ, chính vì thế mà Putin cần phải hành động.

Tất cả vẫn chỉ là “ván cờ Địa Trung Hải”.

Theo Phúc Lai

Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm