Tổng thống Putin, sự trả thù ngọt ngào nhất thường đến vào lúc không ai ngờ...
Sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga ở khu vực biên giới giáp Syria vào ngày 24/11 được giới quan sát nhận định là “vô cùng nghiêm trọng”. Đây cũng là lần đầu tiên một thành viên của Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) công khai thừa nhận việc bắn rơi máy bay quân sự Nga kể từ những năm 1950.
Đến thời điểm hiện tại, cả Ankara và Moscow đều đưa ra những thông tin hoàn toàn trái ngược về vụ việc, cho thấy sự cứng rắn và quyết không nhượng bộ đối phương của mỗi bên. Nhiều ý kiến lo ngại rằng sự cố Su-24 sẽ châm ngòi cho cuộc chiến lớn hơn giữa hai cường quốc quân sự trong khu vực.
Khi mà mục tiêu của Ankara là nhằm thiết lập một vùng an toàn ở miền Bắc Syria, thì sau sự kiện 24/11, Nga sẽ chỉ có hai lựa chọn: đồng ý thỏa hiệp cùng Thổ Nhĩ Kỳ hoặc sử dụng vũ lực. Cả thế giới hiện đang “nín thở” chờ đón những động thái mới từ hai ông lớn này.
Căng thẳng leo thang
Không ngạc nhiên khi Nga có những phản ứng hết sức giận dữ sau vụ chiếc máy bay Su-24 bị bắn rơi. Phía Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh máy bay Nga đã xâm phạm không phận nước này 10 lần trong vòng 5 phút dù đã nhận được lời cảnh báo rõ ràng.
Trong khi đó, Nga khẳng định ở thời điểm bị tấn công, Su-24 đang hoạt động trên lãnh thổ Syria và không hề gây ra bất cứ mối đe dọa nào đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay sau khi vụ bắn hạ xảy ra, Tổng thống Vladimir Putin đã miêu tả đây là một hành động “đâm sau lưng bởi những kẻ ủng hộ khủng bố”, đồng thời cảnh báo hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra cho mối quan hệ song phương Moscow - Ankara.
Vụ việc hôm 24-11 một lần nữa chứng minh mối quan hệ phức tạp và rắc rối tại “chảo lửa” Syria. Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO và là quốc gia sát sườn Syria, muốn lật đổ chính quyền của Tổng thống sở tại Bashar al-Assad. Chính vì vậy, Ankara ra sức hỗ trợ các nhóm phiến quân chống lại ông Assad, cũng như đồng ý cho phép quân đội Mỹ sử dụng căn cứ không quân trên lãnh thổ nước này cho mục đích không kích Syria.
Ngược lại, Nga coi ông Assad như một đồng minh thân cận tại khu vực. Dưới danh nghĩa tham gia cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), Nga đã thực hiện nhiều chiến dịch quân sự giúp quân đội Chính phủ Syria giành lại các vùng đất bị kiểm soát bởi phe chống đối.
Khi Nga bắt đầu hoạt động không kích ở Syria từ tháng 8-2015, đã có những lời kêu gọi rằng cần duy trì một khoảng không an toàn, để các máy bay của Nga cùng NATO dễ dàng hoạt động cạnh nhau. Tuy nhiên, sang đến tháng 10, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã bày tỏ quan ngại về việc máy bay Nga đi vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ Ngoại giao Nga đáp trả lại rằng, bất kỳ sự vi phạm nào vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là “tai nạn” và sẽ được ngăn chặn trong tương lai. Ngay trước vụ Su-24, Nga đã tiến hành hàng loạt cuộc không kích nhằm vào những ngôi làng ở miền Bắc Syria - một vùng đất có mối quan hệ mật thiết với Thổ Nhĩ Kỳ.
Rõ ràng, Ankara “không chịu ngồi yên” sau những động thái của Moscow. Có quan điểm cho rằng, sự kiện 24/11 đã chính thức châm ngòi cho một cuộc chiến Nga - Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn mới. Xét đến sự thù hận trong nhiều năm qua giữa hai quốc gia này, lại thêm “thái độ tiêu cực” của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Chính phủ Syria, hành động tấn công ngay từ đầu đã thổi bùng thêm ngọn lửa căng thẳng giữa hai bên.
Nếu tham chiến, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng cửa eo biển Bosphorus - con đường duy nhất đưa Hạm đội biển Đen của Nga tiếp cận Địa Trung Hải - và kêu gọi sự trợ giúp của các quốc gia thành viên NATO.
Có vẻ như, Ankara đã tính toán kỹ lưỡng. Ngay sau khi bắn hạ Su-24, thay vì tiếp xúc ngay với Nga qua đường dây được thiết lập, Thổ Nhĩ Kỳ lại triệu tập NATO để tham vấn. Bất kể có động cơ gì, Thổ Nhĩ Kỳ đang chơi một trò chơi rất nguy hiểm.
Bằng cách nhờ cậy NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm kiếm sự đoàn kết và hỗ trợ từ các đồng minh trong liên minh quân sự này phòng khi “có biến lớn”. Phía Ankara từng tuyên bố, máy bay Nga đã “xâm phạm” không phận của Thổ Nhĩ Kỳ trong khoảng thời gian đủ lớn, dẫn tới phản ứng quân sự chỉ mang tính phòng vệ là hoàn toàn bình thường. Thế nên, việc Thổ Nhĩ Kỳ chủ động bắn hạ chiến đấu cơ Nga ở Syria không thể được xem là một cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên NATO.
Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, hoạt động người Kurd (nhóm sắc tộc cầm súng đòi tự trị ở Thổ Nhĩ Kỳ và chống IS) ở trong và xung quanh Syria còn nguy hiểm hơn nhiều so với đà tiến của IS. Trong khi đó, các giao dịch ngầm và hoạt động buôn lậu giữa nhóm khủng bố IS với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ đã được “cho qua”, trước khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris. Do vậy, sự khoan dung của cộng đồng thế giới đối với Thổ Nhĩ Kỳ đã sụt giảm nghiêm trọng.
Nếu tham chiến, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng cửa eo biển Bosphorus và kêu gọi sự trợ giúp của các nước thành viên NATO.
Từ từ trả đũa
Một số nhà quan sát nhận định, kịch bản chiến tranh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sẽ không thể xảy ra. Cần biết rằng trong khi việc bắn hạ máy bay chiến đấu của một quốc gia khác bị xem là hành động gây chiến, các sự kiện kiểu này ít khi dẫn tới một cuộc xung đột lớn hơn.
Nếu lật lại những diễn biến trong cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine cách đây hai năm (mà đỉnh điểm là sự bất lực của phương Tây khi chứng kiến Nga sáp nhập bán đảo Crimea) thì gần như chắc chắn, NATO sẽ không phải là bên có nước đi mạo hiểm đầu tiên. Bản thân hai nước liên đới trong vụ việc là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng chưa hề có một động thái nào “quá đà”.
Sẽ chẳng có hiệu quả gì nếu Nga tấn công quy mô nhỏ vào Thổ Nhĩ Kỳ, còn với những chiến dịch quy mô lớn nhưng chưa đủ điều kiện cần thiết, Nga cũng khó lòng chiến thắng. Thổ Nhĩ Kỳ là nước thành viên NATO, chịu ảnh hưởng từ nguyên tắc tự vệ tập thể do tổ chức này đề ra. Theo đó, nếu một (hay nhiều) nước thành viên bị tấn công vũ trang, thì các nước còn lại trong NATO sẽ lập tức giúp đỡ nước bị tấn công.
Một khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nảy sinh xung đột quy mô lớn, các nước Mỹ hay Anh sẽ chắc chắn can thiệp vào chiến sự. Đến lúc này, Nga sẽ phải đối chọi với toàn khối NATO do Mỹ đứng đầu, chứ không phải là một Thổ Nhĩ Kỳ đơn độc.
Nói như vậy không có nghĩa là Nga sẽ “im lặng”. Sau vụ Su-24, Nga không còn tôn trọng lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ. Nga không một chút nương tay như trước kia vì lý do địa chính trị, đã tiến hành “ngay và luôn” không kích vào “vị trí Su-24 rơi” khủng khiếp nhất, phá hủy thành phố Azaz nằm ở phía bắc của Syria - một bàn đạp quan trọng mà Ankara coi là đầu mối quyết định thành bại chiến lược lật đổ chế độ Assad.
Ngoài ra, Nga cùng với lực lượng pháo binh Syria liên tục với cường độ mạnh đã tấn công vào hầu như các cơ sở hạ tầng trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria mà Ankara đã dày công xây dựng trong mấy năm qua. Và Nga đang tính toán đến việc cung cấp vũ khí cho lực lượng dân quân người Kurd. Đây là đòn hiểm mà Nga có thể “với tay” vào lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nét mặt và những tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Vladimir Putin về “cú đâm sau lưng” của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy phản ứng mạnh mẽ của Nga. Moscow từng tuyên bố không có ý định gây chiến tranh, nhưng vẫn sẽ “thẳng tay” với Ankara. Các biện pháp trừng phạt của Nga sẽ liên quan đến kinh tế và du lịch, đồng thời xem xét lại việc đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ tuyến đường ống dẫn khí đốt Turkish Stream.
Các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ làm ăn ở Nga phải đối mặt với nhiều hạn chế khắt khe hơn. Nga cũng áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu thực phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ, triệt tiêu dần những lợi ích mà quốc gia này được hưởng khi Nga áp đặt lệnh cấm đối với các nguồn cung cấp thực phẩm đến từ Liên minh châu Âu (EU).
Tất cả những hậu quả này Ankara phải hứng chịu một mình. Mỹ, một đồng minh lớn của Thổ Nhĩ Kỳ, đã rất khôn ngoan khi tuyên bố rằng sự kiện Su-24 là việc của riêng Moscow và Ankara. Ở vào thời điểm hiện tại, các cường quốc quân sự trong khu vực vẫn tỏ ra “án binh bất động” và thận trọng đánh giá tình hình trước khi đưa ra hành động cụ thể.
Rất khó để có thể dự đoán những gì sẽ xảy ra tiếp theo, nhưng Nga chắc chắn sẽ có những hành động đáp trả mạnh mẽ hơn nữa sau động thái “gây chiến” của Thổ Nhĩ Kỳ. Đối với Tổng thống Putin, sự trả thù ngọt ngào nhất thường đến vào lúc không ai ngờ nhất...
Theo Anh Doãn
Công an nhân dân