1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Hai mặt trận" khốc liệt trong thảm họa cháy rừng ở Los Angeles

Thanh Thành

(Dân trí) - Các vụ cháy rừng khốc liệt và tàn phá nhất trong lịch sử ở Los Angeles, bang California của Mỹ đã đặt các nhà lãnh đạo phải đấu tranh trên hai mặt trận: thiên nhiên và chính trị.

Hai mặt trận khốc liệt trong thảm họa cháy rừng ở Los Angeles - 1

Một căn nhà chìm trong ngọn lửa do thảm họa cháy rừng ở California, Mỹ (Ảnh: Reuters).

Khi dự báo thời tiết cho thấy gió mạnh và nguy hiểm vẫn tiếp tục nhiều diễn biến phức tạp vào tuần này, thống đốc, thị trưởng Los Angeles và những chính trị gia cho rằng, bang California đang bị phía Tổng thống đắc cử Donald Trump, những người bảo thủ và cố vấn khác chĩa mũi dùi.

Trong khi bang California tiếp tục chiến đấu với các vụ cháy rừng thảm khốc thiêu rụi toàn bộ khu dân cư và cướp đi sinh mạng của hàng chục người, các quan chức tiểu bang và địa phương cũng đang chống lại những cáo buộc từ ông Trump và các đồng minh.

Ít nhất 24 người đã chết và nhiều người mất tích khi ngọn lửa dữ dội tàn phá Nam California, trong những gì mà Thống đốc Gavin Newsom cho biết là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ xét về quy mô và phạm vi thiệt hại.

Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm 12/1 giờ địa phương, Thống đốc Newsom cho hay có thể có thêm nhiều trường hợp tử vong hơn nữa trong khi số người mất tích dự kiến sẽ nhanh chóng tăng lên hàng chục người giữa lúc các đội tìm kiếm tiếp tục công việc của họ.

Trước vụ việc này, Tổng thống đắc cử Trump, đồng minh tỷ phú Elon Musk và những nghị sĩ hàng đầu của đảng Cộng hòa liên tục cáo buộc giới lãnh đạo đảng Dân chủ tại tiểu bang California về cuộc khủng hoảng này, làm trầm trọng thêm căng thẳng vốn đã tăng cao giữa những quan chức của đảng Cộng hòa sắp lên nắm quyền và các quan chức chủ yếu của đảng Dân chủ trên thực địa.

Trong đó, ông Trump đã cáo buộc giới chức California thiếu năng lực trong việc ứng phó với thảm họa cháy rừng quanh thành phố Los Angeles. "Các đám cháy vẫn đang hoành hành ở Los Angeles. Các chính trị gia thiếu năng lực tại đây không biết cách dập tắt chúng. Họ bị làm sao vậy?", ông viết trên mạng xã hội Truth Social.

Tổng thống đắc cử 78 tuổi cho biết đây là một trong những thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ông cáo buộc giới chức tiểu bang này rằng: "Họ không thể dập tắt được đám cháy. Chuyện gì xảy ra với họ vậy?".

Ngoài ra, ông Trump cũng chỉ trích Thống đốc California Gavin Newsom vì không giải quyết ổn thỏa các vụ cháy rừng.

Theo các chuyên gia, nhiều chỉ trích mạnh mẽ của ông Trump và tỷ phú Musk đối với thảm họa đang diễn ra có thể gây ra rủi ro chính trị cho các chính trị gia đảng Dân chủ đương nhiệm ở California, những người đang mở các cuộc điều tra và nỗ lực giải trình về các vụ cháy rừng.

Giám đốc Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang Mỹ (FEMA) Deanne Criswell cho biết cơ quan này có đủ kinh phí để hỗ trợ cho phản ứng đối với các vụ cháy rừng ở Los Angeles, nhờ vào khoản tài trợ bổ sung khoảng 27 tỷ USD mà Quốc hội gần đây đã phê duyệt.

"Chúng tôi có kinh phí để hỗ trợ cho phản ứng này, để hỗ trợ cho quá trình phục hồi, nhưng cũng để tiếp tục hỗ trợ cho quá trình phục hồi sau các cơn bão Helene và Milton và 179 tuyên bố thảm họa khác xảy ra trong năm 2024 trên khắp nước Mỹ", bà Criswell nói hôm 12/1 trên một chương trình của đài ABC.

Trong khi đó, phạm vi ảnh hưởng và thiệt hại thực tế của thảm họa này vẫn chưa kết thúc. Các quan chức thời tiết dự đoán rằng gió Santa Ana (là gió khô, mạnh thổi xuống từ các ngọn núi hướng về phía bờ biển nam California) có thể thổi bùng ngọn lửa và mang theo những tàn lửa nguy hiểm, sẽ tăng mạnh vào sáng 13/1 và kéo dài đến 15/1.

Phản ứng của các quan chức chính phủ đối với các thảm họa thiên nhiên như "trò chơi hai mặt": Có thể củng cố vị thế của họ hoặc gây tổn hại không thể cứu vãn.

Còn nhớ hồi năm 2005, Tổng thống George W. Bush đã chứng kiến tỷ lệ ủng hộ của mình giảm xuống mức thấp mới sau khi cơn bão Katrina tàn phá bang New Orleans và bờ biển Vịnh Mexico.

Theo một cuộc thăm dò của Washington Post-ABC News được thực hiện vào một tháng sau cơn bão Katrina, hầu hết người Mỹ rõ ràng không chấp thuận cách các quan chức ở mọi cấp chính quyền xử lý công tác phục hồi sau siêu bão.

Ông Michael D. Brown, giám đốc FEMA vào thời điểm đó, và Eddie Compass, người đang giữ chức giám đốc Sở Cảnh sát của New Orleans, đều đã từ chức sau cơn bão. Ngược lại, Chris Christie, thống đốc đảng Cộng hòa của New Jersey, đã chứng kiến tỷ lệ ủng hộ tăng cao kỷ lục mới sau cơn bão Sandy vào năm 2012.

Các quan chức khác có liên quan đến phản ứng tại thời điểm đó, bao gồm Tổng thống Barack Obama, Thống đốc New York Andrew M. Cuomo và Thị trưởng New York Mike Bloomberg cũng chứng kiến tỷ lệ ủng hộ tăng lên sau bão Sandy.

Thành trì của phe Dân chủ

Hai mặt trận khốc liệt trong thảm họa cháy rừng ở Los Angeles - 2

(Từ trái sang phải) Thượng nghị sĩ Alex Padilla, Thị trưởng Los Angeles Karen Bass và Thống đốc California Gavin Newsom kiểm tra khu phố Pacific Palisades bị cháy rừng tàn phá ở Los Angeles (Ảnh: EPA).

Bang California được mệnh danh là "thành trì của phe Dân chủ". Vì vậy, những người ủng hộ đảng Dân chủ ở California đã chuẩn bị cho tác động của nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống đắc cử tại một phiên họp đặc biệt của cơ quan lập pháp tiểu bang vào cuối năm 2024 ngay cả khi sự ủng hộ đối với ông Trump tại California đã gia tăng trong những năm gần đây.

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, ông Trump đã giành được 38,3% cử tri của tiểu bang, tăng so với con số 34,3% vào năm 2020 và 31,9% vào năm 2016.

Tuần trước, Tổng thống Joe Biden cho biết chính phủ liên bang sẽ chi trả 100% chi phí hỗ trợ thiên tai cho California trong 180 ngày tới, hứa hẹn: "Chúng tôi sẽ ở lại lâu dài để giúp đỡ". Thành phố Los Angeles, với dân số hơn 10 triệu người - nhiều hơn ít nhất 41 tiểu bang - cũng có ảnh hưởng đáng kể khi nói đến chính trị, kinh tế và gây quỹ vận động tranh cử.

Nhưng không rõ sau khi lên nắm quyền tổng thống, ông Trump sẽ tôn trọng hay cản trở việc viện trợ liên bang cho California. Các nhà lãnh đạo địa phương cho biết đã liên lạc với nhóm của Tổng thống đắc cử Trump và đang nỗ lực xác định thời gian để Tổng thống đắc cử đến thăm khu vực này.

Về phần mình, Thống đốc Newsom đã ban hành một lệnh hành pháp hôm 12/1, trong đó cắt giảm thủ tục hành chính và các quy định bao gồm các yêu cầu đánh giá môi trường, "để cho phép các nạn nhân của các vụ cháy rừng gần đây tái thiết nhà cửa và khôi phục doanh nghiệp của họ nhanh hơn".

Thống đốc Newsom hôm 12/1 cũng đã thông báo rằng sẽ triển khai thêm 1.000 thành viên Vệ binh Quốc gia California, nâng tổng số lên 2.500 vệ binh. Ông cũng cảm ơn Thống đốc Texas Greg Abbott, một đồng minh của Tổng thống đắc cử Trump, đã điều hơn 135 lính cứu hỏa và 45 xe cứu thương đến giúp dập lửa.

"Đỏ, xanh, cộng hòa, dân chủ - trong những khoảnh khắc như thế này, chúng ta đoàn kết lại", Thống đốc Newsom viết đăng trên mạng X.

Hai mặt trận khốc liệt trong thảm họa cháy rừng ở Los Angeles - 3

Người dân tại Los Angeles sơ tán do cháy rừng (Ảnh: Getty).

Tuy nhiên, một số đồng minh thân cận nhất của ông Trump vẫn khơi dậy sự chia rẽ. Tỷ phú Musk, trong một loạt bài đăng trên mạng X với hơn 200 triệu người theo dõi, trong những ngày gần đây đã mạnh mẽ đổ lỗi cho đảng Dân chủ về thảm họa này.

Phó Tổng thống đắc cử J.D. Vance, trong một cuộc phỏng vấn với Fox News Sunday, đã cáo buộc Tổng thống Biden "ngủ quên trên tay lái trong một số cuộc khủng hoảng khác nhau".

Những lời cáo buộc này là động thái mới nhất của ông Trump và các đồng minh đối với đảng Dân chủ ở California.

Trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, Trump đã đe dọa sẽ cắt viện trợ liên bang cho California trừ khi tiểu bang này thay đổi cách quản lý nước. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, ông Trump đã chỉ trích mạnh mẽ thống đốc Newsom về các vụ cháy rừng ở California.

Trong vụ cháy thảm họa vốn gây thiệt hại 57 tỷ USD, khiến 180.000 người phải đi sơ tán, 200.000 công trình bị phá hủy lần này, ông Trump đã đổ lỗi cho chính sách trữ nước của bang California. Ông Trump đã lặp lại một tuyên bố mà ông đã đưa ra trong quá khứ, rằng những nỗ lực của tiểu bang "để bảo vệ một loài cá về cơ bản là vô giá trị được gọi là cá trích" đã gây ra đau đớn và khó khăn ở California.

Đảng Dân chủ đã nhiều lần phản đối các tuyên bố này. Trong một bức thư được công bố hồi cuối tuần, Thống đốc Newsom đã mời ông Trump "gặp gỡ những người Mỹ bị ảnh hưởng bởi các vụ cháy rừng này, tận mắt chứng kiến sự tàn phá cùng tôi và những người khác, cảm ơn những người lính cứu hỏa và những người ứng cứu đầu tiên ". Ông Newsom cũng nhấn mạnh rằng "chúng ta không được chính trị hóa thảm kịch của con người hoặc phát tán thông tin sai lệch". 

Trong bài phát biểu trước đó, Tổng thống Biden đã tìm cách bác bỏ những tin đồn về vụ cháy bằng "ngôn ngữ đơn giản, thẳng thắn". Ông Biden cũng cảnh báo rằng trong một cuộc khủng hoảng, "tin đồn và nỗi sợ hãi thường lan truyền rất nhanh".

Theo Washington Post