1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Hạ viện Nhật thông qua dự luật an ninh gây tranh cãi

(Dân trí) - Hạ viện Nhật Bản ngày 16/7 đã thông qua 2 dự luật tranh cãi có thể thay đổi luật an ninh của nước này, bất chấp các cuộc biểu tình tại thủ đô Tokyo.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Bộ trưởng tài chính Taro Aso tại hạ viện ngày 16/7 (Ảnh: AP)
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Bộ trưởng tài chính Taro Aso tại hạ viện ngày 16/7 (Ảnh: AP)

Các thay đổi sẽ cho phép binh sĩ Nhật chiến đấu ở nước ngoài lần đầu tiên kể từ Thế chiến II. Các dự luật vẫn cần được Thượng viện phê chuẩn, nhưng nhiều người kỳ vọng rằng cuối cùng chúng sẽ được phê chuẩn để trở thành luật.

Thủ tướng Shinzo Abe đã hối thúc việc thông qua 2 dự luật, cho rằng điều đó là cần tiết kể mở rộng vai trò của quân đội Nhật trong một học thuyết được gọi là phòng vệ tập thể. Nhưng các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hơn nửa công dân Nhật Bản phản đối chúng.

Hiến pháp hậu Thế chiến II của Nhật cấm nước này sử dụng vũ lực để giải quyết các cuộc xung đột, ngoại trừ các trường hợp phòng vệ.

Nhưng chính phủ của Thủ tướng Abe đã vận động cho một thay đổi mà có thể điều chỉnh các điều luật như quân đội Nhật có thể huy động lực lượng ở nước ngoài khi hội đủ 3 điều kiện:

- Khi Nhật Bản bị tấn công, hoặc khi đồng minh thân cận bị tấn công, và kết quả đe dọa sự sống còn của Nhật Bản và gây ra mối đe dọa rõ ràng đối với người dân.

- Khi không có các cách thức phù hợp khác nhằm đáp trả cuộc tấn công và đảm bảo sự sống còn của Nhật Bản cũng như bảo vệ người dân.

- Việc sử dụng vũ lực bị hạn chế tới mức tối thiểu cần thiết.

Các cuộc biểu tình

Nhiều người không ủng hộ các dự luận an ninh và hàng nghìn người đã tiến hành biểu tình bên ngoài trụ sở quốc hội ở thủ đô Tokyo vào hôm nay.

Trước đó, các nhà tổ chức một cuộc biểu tình lớn diễn ra bên ngoài quốc hội Nhật Bản vào tối ngày 15/7 cho biết khoảng 100.000 đã tham gia.
 
Người Nhật biểu tình phản đối dự luật an ninh mới tại Tokyo (Ảnh:
Người Nhật biểu tình phản đối dự luật an ninh mới tại Tokyo (Ảnh: AP)
 
Hầu hết các nghị sĩ đối lập đã ra khỏi phòng bỏ phiếu để phản đối phiên bỏ phiếu vào hôm nay, và chỉ các thành viên của đảng Phục hưng Nhật Bản, một đảng nhỏ, bỏ phiếu phản đối các dự luật.

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Abe và các đối tác liên minh hiện chiếm 2/3 số phiếu trong hạ viện, tỷ lệ cần thiết kể thông qua các dự luật.

Thượng viện, nơi LDP và các đối tác cũng chiếm đa số, giờ đây có 60 ngày để tiến hành bỏ phiếu về các dự luật. Thậm chí nếu Thượng viện bỏ phiếu phản đối, các dự luật sẽ được đưa trả lại Hạ viện để thông qua thành luật.

Nhưng BBC nhận định rằng phe đối lập Nhật Bản dự kiến sẽ đưa ra các thách thức pháp lý để các dự luật sẽ bị tuyên bố là trái với hiến pháp.

Các láng giềng của Nhật nói gì?

Phản ứng trước các diễn biến mới tại Nhật Bản, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc chất vấn rằng liệu có phải Nhật "đang từ bỏ các chính sách hòa bình" và hối thúc Tokyo "kiên định đi theo con đường phát triển hòa bình" và tranh làm tổn hại tới sự ổn định trong khu vực.

Hàn Quốc hối thúc Nhật Bản "tiếp tục đóng góp cho hòa bình và an ninh khu vực" và kêu gọi sự minh bạch trong các cuộc thảo luận về chính sách quốc phòng của Nhật.

Tờ báo chính thức của Triều Tiên, Nodong Sinmun, "nặng lời" hơn khi nói rằng các dự luật là một nỗ lực nhằm bí mật biến Nhật Bản thành một nhà nước theo chủ nghĩa quân phiệt.

An Bình
Theo BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm