1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hạ viện Mỹ ủng hộ Puerto Rico quyết định vận mệnh

Minh Phương

(Dân trí) - Puerto Rico có thể tiến hành trưng cầu dân ý để quyết định vận mệnh chính trị của mình, hoặc trở thành bang thứ 51 của Mỹ, hoặc độc lập.

Hạ viện Mỹ ủng hộ Puerto Rico quyết định vận mệnh - 1

Puerto Rico nhiều lần trưng cầu dân ý quyết định vận mệnh chính trị (Ảnh: Getty).

New York Times đưa tin, với tỷ lệ 233 phiếu thuận, 191 phiếu chống, Hạ viện Mỹ ngày 15/12 thông qua dự luật cho phép Puerto Rico tự quyết định vận mệnh chính trị. Đây là lần đầu tiên Hạ viện bỏ phiếu yêu cầu chính phủ liên bang tôn trọng kết quả trưng cầu dân ý có thể mở đường để Puerto Rico trở thành bang thứ 51 của Mỹ, hoặc một nhà nước độc lập hoặc một chính phủ liên kết với Mỹ.

Kế hoạch này nhận được sự ủng hộ của Nhà Trắng nhưng có thể sẽ gặp trở ngại ở ải Thượng viện bởi hầu hết nghị sĩ Cộng hòa phản đối. Dự luật cũng khó được thông qua nhanh chóng bởi đảng Cộng hòa sẽ kiểm soát Hạ viện vào đầu tháng 1 tới.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói: "Kết quả bỏ phiếu hôm nay là một bước quan trọng tiến tới đảm bảo rằng tương lai của Puerto Rico là một trong những sự lựa chọn của chính họ".

Puerto Rico trở thành một phần lãnh thổ của Mỹ từ năm 1898 sau chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha. Puerto Rico có thống đốc riêng, hiến pháp riêng.

Hiện nay, khoảng 3,3 triệu người dân ở Puerto Rico mang quốc tịch Mỹ nhưng không có đại diện bỏ phiếu trong quốc hội và cũng không được tham gia bỏ phiếu bầu tổng thống. Ngoài ra, họ cũng không phải đóng thuế thu nhập liên bang đối với các khoản thu nhập tại Puerto Rico, được hưởng không bình đẳng một số chương trình phúc lợi liên bang.

Trước đây, Puerto Rico từng nhiều lần tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Gần đây nhất, năm 2020, kết quả trưng cầu cho thấy, 52% cử tri vùng lãnh thổ này ủng hộ phương án trở thành bang 51 của Mỹ. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng chính trị của Puerto Rico vẫn không thay đổi do kết quả trưng cầu "không ràng buộc".

Theo NYTimes