1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hạ viện Mỹ thông qua lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa từ Tân Cương

Thành Đạt

(Dân trí) - Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật nhằm hạn chế việc nhập khẩu hàng hóa được sản xuất do lao động cưỡng bức tại Tân Cương, Trung Quốc.

Hạ viện Mỹ thông qua lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa từ Tân Cương - 1

Người dân thu hoạch bông ở Tân Cương. (Ảnh: Xinhua)

Theo Reuters, các nghị sĩ tại Hạ viện Mỹ ngày 22/9 đã thông qua một dự luật có tên gọi Luật Chống Lao động Cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ với tỷ lệ ủng hộ áp đảo 406 phiếu thuận và 3 phiếu chống.

Dự luật của Mỹ cấm nhập khẩu hàng hóa từ khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương vì nghi ngờ có hành vi sử dụng lao động cưỡng bức tại đây.

Mỹ hiện cấm nhập khẩu bất kỳ sản phẩm nào nếu phát hiện có hành vi cưỡng bức lao động liên quan tới quá trình sản xuất sản phẩm đó.

Sau khi thông qua tại Hạ viện, dự luật sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện. Nếu Thượng viện nhất trí thông qua, dự luật sẽ được trình lên Tổng thống Donald Trump xem xét.

Cơ quan Biên phòng và Hải quan Mỹ (CBP) ngày 14/9 đã đưa ra thông báo về các hạn chế mới đối với bông và sản phẩm may mặc nhập khẩu từ Tân Cương.

Lệnh cấm bông và các sản phẩm khác liên quan tới cáo buộc lạm dụng lao động bị cưỡng bức ở Tân Cương là động thái chưa từng có của CBP, và có khả năng gây thêm căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo SCMP, lệnh cấm có thể có ảnh hưởng sâu rộng tới các nhà bán lẻ và nhà sản xuất hàng may mặc của Mỹ cũng như các nhà sản xuất thực phẩm. Trung Quốc sản xuất khoảng 20% ​​lượng bông của thế giới và phần lớn từ Tân Cương. Trung Quốc cũng là nước nhập khẩu bông lớn nhất thế giới, bao gồm nhập khẩu từ Mỹ.

Hồi tháng 3, các nhà lập pháp Mỹ đã đề xuất dự luật với lập luận rằng tất cả hàng hóa được sản xuất ở Tân Cương đều "được sản xuất bằng lao động bị cưỡng bức" và yêu cầu các sản phẩm phải được chứng nhận.

Tới tháng 7, Washington đã đưa ra cảnh báo cho biết các công ty kinh doanh ở Tân Cương hoặc các tổ chức sử dụng lao động Tân Cương có thể phải chịu “rủi ro về danh tiếng, kinh tế và pháp lý”.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi thư tới các công ty hàng đầu Mỹ như Walmart, Apple và Amazon để cảnh báo về những rủi ro phải đối mặt khi duy trì chuỗi cung ứng liên kết với nghi vấn vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump đang gia tăng sức ép với Trung Quốc về vấn đề liên quan tới cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Ông Trump hồi tháng 6 đã ký thông qua Đạo luật Chính sách Nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ, kêu gọi trừng phạt các cá nhân có liên quan tới việc bắt giữ và ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng Hồi giáo tại Tân Cương. Những người này sẽ bị trừng phạt bằng các biện pháp như đóng băng tài sản tại Mỹ và bị từ chối nhập cảnh.

Liên Hợp Quốc ước tính hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị bắt giữ tại các trại cải tạo ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh phủ nhận cái gọi là trại cải tạo cũng như cáo buộc ngược đãi, khẳng định người Duy Ngô Nhĩ vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp này là hoàn toàn tự nguyện.

Viện Chính sách Chiến lược Australia hồi đầu năm ước tính ít nhất 80.000 người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng thiểu số khác đã được chuyển từ Tân Cương tới các nhà máy trên khắp Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cho biết trong cuộc họp báo ngày 22/9 rằng, Bắc Kinh kịch liệt phản đối việc sử dụng lao động cưỡng bức và xóa sổ tình trạng này dưới bất kỳ hình thức nào.