Hạ viện Mỹ thông qua dự luật chi tiêu tránh nguy cơ đóng cửa chính phủ
(Dân trí) - Hạ viện Mỹ ngày 14/12 đã thông qua dự luật chi tiêu ngắn hạn, ngăn nguy cơ đóng cửa chính phủ vào cuối tuần này.
Reuters đưa tin, dự luật được Hạ viện Mỹ thông qua với 224 phiếu thuận, 201 phiếu chống. Dự luật nhận được sự ủng hộ của toàn bộ nghị sĩ Dân chủ cùng 9 nghị sĩ Cộng hòa ở Hạ viện. Thượng viện Mỹ có thể sẽ biểu quyết về dự luật chi tiêu ngắn hạn trên vào hôm nay trước khi trình lên Tổng thống Joe Biden phê duyệt.
Dự luật sẽ gia hạn các khoản tài trợ cho hoạt động của chính phủ thêm một tuần nữa, nghĩa là đến ngày 23/12. Điều này cho phép các nghị sĩ quốc hội có thêm thời gian để đạt được thỏa thuận về dự luật ngân sách trị giá khoảng 1.700 tỷ USD cho cả năm tài khóa 2023.
Phe Cộng hòa phản đối dự luật chi tiêu ngắn hạn với lý do nó sẽ khiến gói chi tiêu lớn hơn được thông qua ngay trước khi đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện. Trong khi đó, quốc hội Mỹ phải đối mặt với hạn chót 16/12 để thông qua dự luật ngân sách chi tiêu liên bang trong năm tài khóa 2023.
Đóng cửa chính phủ là tình thế mà chính phủ Mỹ phải tạm thời ngừng cung cấp một số dịch vụ công ích không thiết yếu khi quốc hội không đạt được một thỏa thuận về ngân sách hoạt động của chính phủ, dẫn tới thiếu ngân sách cho một số cơ quan hoạt động. Kể từ năm 1976 tới nay, chính phủ Mỹ từng đóng cửa 17 lần. Đợt đóng cửa lâu nhất là 35 ngày từ 22/12/2018 đến 25/1/2019 dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, gây thiệt hại ước tính 11 tỷ USD cho kinh tế Mỹ.