1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tường biên giới, đóng cửa Chính phủ và tính toán của Tổng thống Trump

Ông Trump cho rằng an ninh biên giới là cuộc khủng hoảng thực sự và Chính phủ bị đóng cửa là cuộc khủng hoảng giả mạo do đảng Dân chủ tạo ra.

“Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump hy vọng việc đóng cửa Chính phủ sẽ giúp ông tập hợp sự ủng hộ của công chúng cho việc xây dựng một bức tường biên giới phía Nam thì chắc chắn ông chủ Nhà Trắng sẽ phải thất vọng”, chuyên gia William Galston tại Viện Brookings trong bài bình luận đăng trên tờ Wall Street Journal hôm 15/1 nhận định.

Tường biên giới, đóng cửa Chính phủ và tính toán của Tổng thống Trump - Ảnh 1.

Ông Trump vẫn rất quyết tâm xây bức tường biên giới với Mexico, bất chấp sự phản đối gay gắt từ phía đảng Dân chủ. Ảnh: AP.


Vũ khí tối thượng của Nhà Trắng đó là thông điệp chính thức của Tổng thống phát đi từ Phòng Bầu dục hôm 8/1 trên thực tế cũng đã chẳng thể thay đổi cái nhìn của công chúng Mỹ đối với bức tường biên giới. Theo các kết quả thăm dò, có tới 49% người được hỏi cho rằng bài diễn văn gửi tới người dân Mỹ của ông Trump chủ yếu là “sai lệch”, 32% cho rằng Tổng thống đã “nhằm trúng vấn đề” và chỉ có vỏn vẹn 2% cho rằng phát biểu của ông chủ Nhà Trắng đã thay đổi suy nghĩ của họ.Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận của công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường toàn cầu Ipsos công bố ngày 15/1, có 51% người dân Mỹ được hỏi đổ lỗi cho Tổng thống Trump về tình trạng đóng cửa một phần chính phủ liên bang. Đây rõ ràng là tin không vui với Tổng thống Trump bởi chiến thuật để chính phủ bị đóng cửa nhằm buộc Quốc hội phê duyệt ngân sách xây tường không đạt được mục tiêu như kỳ vọng.

Có thể thấy, bài diễn văn thất bại không phải vì Tổng thống thiếu các kỹ năng hùng biện mà vì hầu hết người Mỹ không đồng ý với các lập luận mà ông Trump đưa ra. Có 43% nói rằng bức tường biên giới với Mexico sẽ giúp nước Mỹ an toàn hơn trong khi có tới 55% cho rằng nó chẳng mang lại điều gì.

Kết quả của các cuộc thăm dò khác cũng cho thấy, có 41% tin rằng một bức tường sẽ là phù hợp với các giá trị của người Mỹ so với 52% cho rằng điều đó là không phù hợp. Đáng chú ý hơn, hầu hết người Mỹ phản đối việc Tổng thống liên hệ vấn đề người nhập cư bất hợp pháp với tình trạng tội phạm gia tăng: 29% nói rằng những người nhập cư có nhiều khả năng phạm tội hơn so với công dân Mỹ, 63% còn lại nói không. Điều này giúp giải thích tại sao giữa những chỉ trích gay gắt trong thập kỷ qua vẫn có tới 73% người Mỹ tiếp tục tin rằng người nhập cư làm lợi cho nước Mỹ.

“Nếu tôi là Thượng nghị sỹ của đảng Cộng hòa và đang cố gắng tìm cách thoát khỏi tình trạng bế tắc này, tôi sẽ chú ý đến quan điểm của cộng đồng”, ông Galston nói.

Tình huống mà ông Trump đang gặp phải liên quan đến bức tường biên giới được cho phản ánh một thực tế, đó là ông không có khả năng mở rộng sự ủng hộ vượt ra khỏi những gì đã mang lại cho ông chiến thắng trong cuộc chạy đua trở thành Tổng thống Mỹ năm 2016 với chỉ 46% số phiếu phổ thông.

Bất chấp dư luận, ông Trump vẫn khẳng định an ninh biên giới là cuộc khủng hoảng thực sự và Chính phủ đóng cửa là cuộc khủng hoảng giả mạo do đảng Dân chủ tạo ra.

Sức ép và tính toán của ông Trump

Quay trở lại thời điểm tháng 12/2018, Tổng thống Trump dường như đã sẵn sàng để ký thông qua biện pháp chi tiêu tạm thời để chấm dứt tình trạng đóng cửa mà không có điều khoản ngân sách cho bức tường biên giới. Ông Trump khi đó đã phải hứng chịu chỉ trích gay gắt từ những nhà bình luận bảo thủ.

“Ông Trump sẽ chẳng có gì trong khi đảng Dân chủ có được mọi thứ”, nhà bình luận Rush Limbaugh nói.

Ann Hart Coulter, một nhà bình luận xã hội và chính trị bảo thủ khác cho rằng: “Nếu Tổng thống ký thông qua biện pháp giải quyết khúc mắc thì ông ấy [Trump-ND] sẽ chỉ là một vị Tổng thống nói khoác và không trung thực với người dân Mỹ”.

Thượng nghị sĩ John Cornyn nói với tờ New York Times cho biết, những gì tôi được biết là Tổng thống sẽ ký thông qua biện pháp đó nhưng rõ ràng là ông ấy đã thay đổi quyết định.

Bill Schneider, giáo sư về các vấn đề chính sách tại ĐH George Mason (Mỹ) nhận định: “Cam kết của Tổng thống Trump không phải là ý thức hệ bảo thủ. Cam kết của ông ấy là giành chiến thắng. ‘Kẻ thua cuộc’ dường như là một khái niệm tồi tệ nhất trong đầu của ông Trump. Đó là một thuật ngữ được ông Trump sử dụng để gán cho bất kỳ ai không có chung quan điểm với ông. Nếu Trump lùi bước trong cuộc tranh cãi về việc Chính phủ đóng cửa, ông sẽ có nguy cơ bị gọi là kẻ thua cuộc. Đối với Trump, điều đó là không thể chịu đựng được”.

Ông Trump coi vấn đề nhập cư là chìa khóa để chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi năm 2016. Tổng thống Mỹ tuyên bố rằng vấn đề nhập cư đã mang lại một cái gì đó mà ông gọi là “chiến thắng lớn” cho những người Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ hồi năm ngoái. Rõ ràng, ông Trump tin tưởng bức tường biên giới sẽ giúp ông tái đắc cử vào năm 2020.

Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là an ninh biên giới có phải là vấn đề thực sự đối với cử tri? Nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ đã giảm mạnh kể từ đầu những năm 2000. Những người nhập cư qua khu vực biên giới Mexico hiện nay chủ yếu là người đang tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn. Họ chấp nhận trình diện các nhân viên quản lý biên giới ngay khi họ tiếp cận đất Mỹ. Hầu hết những người nhập cư bất hợp pháp không phải là những đối tượng tìm cách lẻn qua biên giới phía Nam.

Theo ông Schneider, Tổng thống Trump và phe Cộng hòa đã cố gắng để chống lại nỗ lực cấp tư cách pháp lý cho những người nhập cư theo diện được đưa đến Mỹ từ khi còn nhỏ (dreamers) . Như vậy, trên thực tế, đảng Cộng hòa đã cố gắng để áp đặt các hạn chế mới đối với các đối tượng nhập cư hợp pháp. Điều này cho thấy rằng vấn đề thực sự ở đây không phải là nhập cư bất hợp pháp. Đó là vấn đề nhập cư. Cụ thể ở đây là đối tượng nhập cư.

Trong một cuộc họp với các nhà lập pháp hồi đầu năm ngoái, ông Trump được cho là đã nói: “Tại sao chúng ta lại muốn những người từ các nước ‘shithole’ [ám chỉ Haiti và châu Phi] ở đây? Chúng ta nên có nhiều người từ những nơi như Na Uy”.

Theo Hùng Cường

VOV