1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

GS Thayer: Trung Quốc đang lừa dối dư luận về hoạt động bay phi pháp

(Dân trí) - Giáo sư Carl Thayer, từ Học viện Quốc phòng Úc, nói rằng Trung Quốc đang lừa dối dư luận khi đưa ra lời giải thích về việc các máy bay nước này đã vào Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh nhưng lại không thông báo với cơ quan chức năng của Việt Nam.


Một máy bay của Trung Quốc hạ cánh trái phép xuống bãi Chữ Thập ngày 6/1 (Ảnh: AFP)

Một máy bay của Trung Quốc hạ cánh trái phép xuống bãi Chữ Thập ngày 6/1 (Ảnh: AFP)

Giáo sư Carl Thayer từ Học viện quốc phòng Úc, chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á, trao đổi với phóng viên Dân trí xung quanh các diễn biến gần đây trên Biển Đông.

Trung Quốc gần đây đã điều các máy bay tới thử nghiệm đường băng trái phép mới trên bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Theo ông, ý đồ của Bắc Kinh đằng sau hành động này là gì?

Trung Quốc đang dần biến các đảo nhân tạo thành các cơ sở hoạt động lâu dài và đang sử dụng các tàu và máy bay dân sự để thiết lập sự hiện diện thường xuyên. Trung Quốc sẽ tiến hành một loạt các cuộc tập trận mang tính tuyên truyền như tìm kiếm và cứu nạn để cố gắng chứng tỏ với thế giới rằng các ý định của họ là hòa bình. Nói cách khác, Trung Quốc đang thiết lập “điều bình thường mới” với sự hiện diện ngày càng gia tăng ở Biển Đông.

Trước các diễn biến gần đây, có lo ngại rằng Trung Quốc có thể đẩy nhanh lập vùng nhận dạng phòng không chính thức (ADIZ) hoặc ADIZ trên thực tế ở Biển Đông. Các quốc gia liên quan cần làm gì để ngăn chặn bước leo thang nguy hiểm này?

 

GS Thayer: Trung Quốc đang lừa dối dư luận về hoạt động bay phi pháp - 2

Giáo sư Carl Thayer, từ Học viện quốc phòng Úc tại Canberra, là nhà nghiên cứu khoa học xã hội nổi tiếng, được biết tới khắp thế giới qua các nghiên cứu và xuất bản về các vấn đề an ninh Đông Nam Á, đặc biệt là các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Ông là tác giả của trên 380 ấn phẩm, trong đó có các nghiên cứu về Việt Nam và ASEAN.

Trung Quốc đã và đang thách thức các máy bay quân sự của Mỹ và Philippines trên quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh đã thông báo với các máy bay nước ngoài rằng họ đang đi vào một vùng quân sự hoặc an ninh. Cảnh báo này được phát đi từ các cơ sở trên bãi Chữ Thập. Bắc Kinh cũng nói với máy bay quân sự nước ngoài rằng các máy bay này đang đe dọa Hải quân Trung Quốc. Cảnh báo này xuất phát từ các tàu chiến của Trung Quốc hoạt động trong khu vực. Các nước có tuyên bố chủ quyền trong khu vực có thể tiếp tục đưa máy bay qua quần đảo Trường Sa để thách thức Bắc Kinh. Trung Quốc chưa có các máy bay trong khu vực để chặn các chuyến bay này. Các nước cũng cần phản đối mạnh mẽ hơn nữa các hành động của Trung Quốc.

Khó có thể buộc Trung Quốc ngừng phát đi các cảnh báo bằng lời như trên. Việc Trung Quốc cảnh báo các máy bay quân sự Úc mới đây cũng là không có gì. Các máy bay quân sự Úc nói rằng họ đang thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế. Những cảnh báo của Trung Quốc đã được nhắc lại vài lần và khi máy bay Úc bay qua, Trung Quốc đã ngừng phát cảnh báo và không có chuyện gì xảy ra.

Khi bay phi pháp ra Trường Sa mới đây, các máy bay Trung Quốc đã vào vùng thông báo bay (FIR) của Việt Nam nhưng lại không thông báo với cơ quan chức năng của Việt Nam. Các chuyến bay như vậy tiềm ẩn những nguy cơ gì, thưa ông?

Trung Quốc đã ký kết Công ước về Hàng không Dân dụng Quốc tế và phải có nghĩa vụ công bố các kế hoạch bay đối với các máy bay dân sự. Công ước này không áp dụng đối với “máy bay nhà nước”, tức là “máy bay quân sự, hải quan và cảnh sát”. Nhưng các chuyến bay này vẫn cần phải “cung cấp thông tin vì sự an toàn bay của các chuyến bay dân sự” khi chúng hoạt động trong vùng thông tin bay do một nước khác quản lý, trong trường hợp này là Việt Nam. Các chuyến bay không đăng ký có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông hàng không thương mại dân sự ở Biển Đông.

Trung Quốc biện bạch 2 lý do của hành động bay mà không thông báo. Thứ nhất, máy bay Trung Quốc bay trên lãnh thổ Trung Quốc. Nói cách khác, Bắc Kinh tự xem Biển Đông là vùng biển của riêng mình. Thứ 2, Bắc Kinh khẳng định rằng các máy bay của hãng Southern China Airlines là “máy bay nhà nước”. Thực ra, Trung Quốc đang cố tình đánh lạc hướng dư luận vì Southern China Airlines rõ là hãng hàng không thương mại dân sự.

Trung Quốc thậm chí còn đưa các tàu trinh sát giả dạng tàu cá vào sâu trong lãnh hải Việt Nam để do thám. Theo ông, Việt Nam nên làm gì trong trường hợp này?

Việt Nam có quyền tài phán đối với Vùng Đặc quyền kinh tế của mình. Các tàu của Cảnh sát Biển Việt Nam và Kiểm ngư việt Nam có thể yêu cầu các tàu cá Trung Quốc rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam cũng có thể bắt giữ các tàu này và gửi công hàm phản đối tới Bộ ngoại giao Trung Quốc.

Năm 2016 bắt đầu với một loạt các hành động gây căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông dự đoán tình hình Biển Đông năm nay sẽ ra sao? Mỹ sẽ hành động như thế nào?

Tôi cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục thận trọng khi tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã nói với Thượng nghị sĩ John McCain (Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện) rằng Mỹ đang xem xét tất cả các khía cạnh pháp lý tiềm tàng trong khi tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông. Nói cách khác, Mỹ đang buộc Trung Quốc phải xem xét vấn đề pháp lý liên quan. Bắc Kinh đã không công bố các đường cơ sở quanh các đảo nhân tạo và do đó không có cơ sở để tuyên bố vùng lãnh hải 12 hải lý hay không phận. Rõ ràng là bất kỳ đảo nhân tạo nào mà Trung Quốc bồi đắp cũng không phù hợp với định nghĩa hợp pháp về một hòn đảo theo Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS).

An Bình

Thực hiện