GS Thayer nói về nguy cơ Trung Quốc dùng đảo nhân tạo cho mục đích quân sự
(Dân trí) - Trao đổi với phóng viên Dân Trí, Giáo sư Carl Thayer cho rằng một khi Trung Quốc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng như cảng, bến tàu, đường băng... trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, nước này có thể dễ dàng sử dụng các cơ sở đó cho mục đích quân sự.
Trung Quốc đang đối mặt với những chỉ trích rằng họ muốn thay đổi hiện trạng Biển Đông bằng việc tăng cường các hoạt động bồi đắp ở Trường Sa và xây dựng các đảo nhân tạo sử dụng cho mục đích quân sự để kiểm soát vùng biển bằng vũ lực. Ý kiến của ông như thế nào?
Các hành động cải tạo đất của Trung Quốc giờ đây giống như "việc đã rồi", hiện trạng ở Biển Đông đã bị thay đổi tới mức không thể đảo ngược. Trung Quốc tiếp theo sẽ phát triển hạ tầng dân sự để hỗ trợ việc dự báo thời tiết và tìm kiếm, cứu hộ. Trung Quốc cũng sẽ sử dụng các cơ sở này để bác bỏ những chỉ trích. Nhưng một khi Trung Quốc hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng như cảng, bến tàu, kho, các đường băng, họ có thể dễ dàng sử dụng các cơ sở này cho mục đích quân sự.
Tạm thời, Trung Quốc sẽ sử dụng lực lượng bảo vệ bờ biển để khẳng định chủ quyền đối với tất cả các vùng biển quanh những thực thể mà nước này tuyên bố chủ quyền, trong đó có các thực thể do Philippines kiểm soát.
Các bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang ồ ạt bồi đắp các bãi đá ngầm ở Biển Đông? Theo ông dự án này sẽ đi đến đâu?
Trung Quốc đã hoàn tất cải tạo đất tại 4 trong số 7 bãi đá. Bắc Kinh giờ đây đã chuyển sang giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất để hỗ trợ các cơ sở cả dân sự và quân sự. Một đường băng dài 3.110 m đang được hoàn thiện trên bãi Chữ Thập và một đường băng khác dường như đang được xây dựng trên bãi Xu Bi. Trung Quốc giờ đây có thể kiểm soát các khu vực phía nam của Biển Đông với các tàu chấp pháp biển.
Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng đảo nhân tạo để sớm tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Khi nào Bắc Kinh sẽ làm điều này?
Trung Quốc đã tuyên bố nước này có quyền lập ADIZ ở Biển Đông nhưng không cần thiết làm vậy ở hiện tại vì tình hình ổn định. Bắc Kinh lập ADIZ ở Hoa Đông vì Trung Quốc đã có các máy bay quân sự đồn trú trên bờ để thực thi nó. Trung Quốc đang xây dựng cơ sở hạ tầng ở Biển Đông để cho phép nước này có khả năng làm điều tương tự. Bắc Kinh hiện cũng đang phát triển máy bay cất cánh và hạ cánh ngắn để thích hợp cho việc hoạt động trên bãi Chữ Thập, cùng với các tàu đổ bộ hiện hải quân Trung Quốc đang sở hữu hoặc đang được chế tạo. Trung Quốc sẽ có mạng lưới radar để theo dõi và nhận dạng các máy bay nước ngoài.
Trung Quốc đang thách thức máy bay quân sự Philippines bay qua các thực thể mà Bắc Kinh bồi đắp bằng cách yêu cầu chúng rời khỏi "khu vực an ninh quân sự". Đây là tiền đề cho một ADIZ đầy đủ sau này. Vào một thời điểm nào đó trong tương lai khi Trung Quốc nhận thấy các điều kiện chính trị thuận lợi, nước này có thể dễ dàng và nhanh chóng tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không chính thức.
Các động thái cứng rắn của Mỹ, như việc xem xét điều tàu và máy bay quân sự tới gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc, có giúp kiềm chế các hành động của Trung Quốc hay không?
Bộ quốc phòng Mỹ đang cân nhắc phương án điều tàu chiến tuần tra quanh các thực thể mà Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông. Đây có thể là một phần trong chương trình lâu dài của Mỹ nhằm khẳng định tự do hàng hải tại các vùng biển và không phận bị kiểm soát mà theo quan điểm của Washington là trái phép theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước quốc tế về luật biển (UNCLOS). Những hành động này của Mỹ sẽ không ngăn được Bắc Kinh kiềm chế việc xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc các cơ sở khác trên 4 thực thể mà Trung Quốc đã hoàn thành cải tạo đất. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chống lại các cuộc tuần tra của Mỹ bằng việc sử dụng các tàu chấp pháp dân sự.
Ông nhận định như thế nào về nguy cơ xung đột ở Biển Đông do tranh chấp lãnh thổ? Khi nào xung đột có thể xảy ra?
Trung Quốc đã cho thấy nước này tránh rủi ro khi sử dụng lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh ngày càng hung hăng trong việc khẳng định "chủ quyền không thể tranh cãi" thì việc đối đầu là có khả năng, đặc biệt với các tàu và máy bay quân sự Philippines. Trung Quốc sẽ không phải là bên đầu tiên sử dụng lực lượng vũ trang. Bắc Kinh cũng sẽ sử dụng các chiến thuật đối đầu bằng cách sử dụng lực lượng bảo vệ bờ biển dân sự và các tàu khác để cản trở bạo lực hoặc đâm các tàu nước ngoài. Tần suất và quy mô của các cuộc đối đầu bạo lực này chắc chắn sẽ làm gia tăng nguy cơ về tính toán sai hoặc rủi ro. Nhưng hiện tại, tình hình chưa đến mức này.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh công tác bồi đắp ở Trường Sa, ông có lời khuyên gì cho Việt Nam với tư cách là chuyên gia hàng đầu về Biển Đông?
Việt Nam phải tiếp tục hối thúc ASEAN và cộng đồng quốc tế để gia tăng sức ép chính trị và ngoại giao lên Trung Quốc nhằm ngừng các hoạt động của nước này hoặc đảm bảo rằng các thực thể bị bồi đắp không được sử dụng để quân sự hóa các tranh chấp ở Biển Đông. Việt Nam cần đáp trả việc Trung Quốc sử dụng cuộc chiến thông tin để bóp méo các hoạt động của Việt Nam.
Việt Nam cũng cần chủ động hơn trong việc công bố những gì đã xây dựng trên các đảo và các bãi đá nổi hiện đang kiểm soát và cho thấy rằng các công trình này không đe dọa làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và không đe dọa sự ổn định và hoa bình khu vực. Cùng lúc đó, quân đội Việt Nam nên thực thi các bước đề phòng thích hợp để đảm bảo rằng các hành động tương lai của Trung Quốc trên thực thể cải tạo không đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Đôi nét về chuyên gia Carl Thayer Giáo sư Carl Thayer, từ Học viện quốc phòng Úc tại Canberra, là nhà nghiên cứu khoa học xã hội nổi tiếng, được biết đến khắp thế giới qua các nghiên cứu và xuất bản về các vấn đề an ninh Đông Nam Á, đặc biệt là các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Ông là tác giả của trên 380 ấn phẩm. (Nguồn: Học viện quốc phòng Úc) |
An Bình