1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Gordon Brown: Một nhà giáo, một học giả uyên bác

(Dân trí) - Vào ngày 27/6 tới, nước Anh sẽ chứng kiến sự chuyển giao lãnh đạo quan trọng: Thủ tướng Anh Tony Blair sẽ "nhường ghế" cho người kế nhiệm sau mười năm cầm quyền. Đó là nội dung thông báo trước Nội các Anh đã được ông Tony Blair đưa ra ngày 10/5 vừa qua.

 Một tài năng hiếm có

Cùng với tuyên bố sẽ từ chức của mình, phát biểu với các phóng viên, ông Blair cho biết: "Tôi thực sự vui mừng dành sự ủng hộ hoàn toàn cho ông Gordon Brown trở thành người lãnh đạo kế tiếp của Công đảng cũng như chiếc ghế Thủ tướng Anh. Với sự xuất chúng của mình, ông ấy có đủ những phẩm chất cần thiết để đứng đầu Công đảng và cả đất nước này. Ông ấy là một tài năng phi thường và hiếm có, sẽ thật là tuyệt vời nếu tài năng đó được phụng sự cho quốc gia tại thời điểm này". 

Nhân vật mà Thủ tướng Anh Tony Blair nhắc đến trên là vị Bộ trưởng Tài chính Anh Gordon Brown, 56 tuổi, người được coi là có triển vọng nhất để trở thành Thủ tướng Anh trong nhiệm kỳ tới. Mặc dù phải 5 tuần tiếp theo, tân Thủ tướng được bầu mới chính thức làm lễ nhậm chức, song dư luận chung đều cho rằng, Bộ trưởng Tài chính Gordon Brown sẽ là người kế nhiệm ông Tony Blair. Sở dĩ nói như vậy vì, ngoài việc được ông Tony Blair công khai hậu thuẫn, ông Gordon Brown còn giành được sự ủng hộ của 45 đại biểu Công đảng trong Quốc hội - con số đủ đảm bảo để ông giành chiến thắng và để trở thành người lãnh đạo kế tiếp của Công đảng cũng như chiếc ghế Thủ tướng Anh.

 

Trong suốt thời gian 10 năm qua Bộ trưởng Tài chính Anh Gordon Brown đã giúp ông Blair gây dựng và củng cố lại Công đảng và xây dựng chính sách kinh tế. Ông Brown và ông Blair cũng lập một kỷ lục: có mối quan hệ lâu dài nhất giữa một Thủ tướng và Bộ trưởng trong vòng 200 năm trở lại đây ở Anh.

 

Sinh viên trẻ nhất 50 năm qua tại ĐH Tổng hợp Edimburg

 

Không chỉ được biết đến trên chính trường như một người kế nhiệm đầy tiềm năng cho vị trí của ông Tony Blair tại số 10 phố Downing (Phủ Thủ tướng Anh), ông Gordon Brown còn giành được sự ngưỡng mộ của nhiều người Anh với tư cách một nhà giáo và học giả uyên bác.

 

Sinh ra tại Scotland năm 1951, từ nhỏ, cậu bé Brown đã luôn là một học sinh xuất sắc và chăm chỉ. Từ năm 16 tuổi, Gordon Brown đã trở thành sinh viên trường Đại học Tổng hợp Edimburg và là sinh viên trẻ nhất của trường đại học này kể từ chiến tranh thế giới thứ II đến nay. Tại trường Đại học Tổng hợp Edimburg, Brown đã đạt được tấm bằng thạc sĩ hạng ưu rồi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đề tài Người lao động ở Scotland trong giai đoạn 1918-1929. Sau đó, ông đã trở thành giảng viên môn kinh tế trong thời gian từ 1976 đến 1980. Ông còn tham gia viết bài cho đài truyền hình Scoland và làm chủ bút The Red Paper on Scotland, một tạp chí của cánh tả do ông thành lập trong trường đại học.

 

Là một nhà kinh tế học đầy tài năng, Brown đã có nhiều bài viết về các học thuyết liên quan đến nguồn cung và cuộc cách mạng tiền tệ nổ ra cuối những năm 70 của thế kỷ trước. Sau khi trở thành thành viên Quốc hội, ông Brown nắm giữ chức vụ người đứng đầu Công đảng ở Scotland. Năm 1997, Ông Brown trở thành Bộ trưởng Tài chính Anh. Dưới sự điều hành của ông trong cương vị Bộ trưởng Tài chính, nền kinh tế Anh đã có những tiến bộ đáng kể, tỷ lệ lạm phát ở mức thấp, số người thất nghiệp giảm xuống còn 5,5%.

 

Đầu tư toàn diện cho giáo dục

 

Phát biểu về những ưu tiên hàng đầu của mình nếu lên làm thủ tướng, ông Gordon Brown cho biết chính phủ của ông sẽ chịu trách nhiệm nhiều hơn, chính sách của Anh sẽ được chuyển hướng ưu tiên vào các vấn đề trước đó chưa được quan tâm thoả đáng, quốc hội và người dân sẽ có nhiều quyền lực hơn. Theo quan điểm của chính trị gia từng là giảng viên trường Đại học Tổng hợp Edimburg này, ưu tiên trong nước của ông sẽ tập trung vào giáo dục. ''Chúng ta sẽ phải đầu tư toàn diện cho giáo dục để không tụt lại sau Trung Quốc hoặc Ấn Độ'', ông Gordon Brown nói. Sự đầu tư mạnh cho giáo dục sẽ giúp nước Anh "chuẩn bị cho một nền kinh tế toàn cầu  như một quốc gia có nền giáo dục tốt nhất trên thế giới", ông Brown cho biết.

 

Là người giữ túi tiền của nước Anh, chính ông Gordon Brown đã góp phần quyết định trong việc tăng ngân sách cho các trường học phổ thông, trường trung cấp và các trường đại học ở Anh lên 8,3 tỉ Euro trong năm học 2007-2008 và dự kiến sẽ lên 10,2 tỉ Euro trong năm học 2010-2011. Số tiền này sẽ giúp Chính phủ đạt được mục tiêu nâng cấp một nửa số trường tiểu học và 90% số trường trung học.

 

Giáo dục - Món quà lớn nhất cho các nước nghèo

 

Theo ông Gordon Brown, các nước phát triển phải chung tay lại vì một khí hậu trong sạch hơn và giúp những quốc gia nghèo. Là Bộ trưởng Tài chính Anh, ông Brown đã cam kết viện trợ 8,5 tỉ bảng Anh trong vòng 10 năm để tạo dựng cơ sở học tập cho 15 triệu học sinh ở các nước nghèo. Theo ông, giáo dục sẽ là món quà lớn nhất mà các nước giàu có thể cho những quốc gia thiệt thòi hơn.

 

Với Gordon Brown, việc đẩy mạnh giáo dục miễn phí cho học sinh nghèo tại châu Phi sẽ giúp chống nguy cơ của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Ngày nay, giáo dục không chỉ là vấn đề đạo đức, kinh tế mà còn mang ý nghĩa chiến lược.

 

Ngoài ra, ông Gordon Brown cho biết, nếu lên làm Thủ tướng, Chính phủ mới của xứ sở Sương mù còn dành ưu tiên cho lĩnh vực chăm sóc y tế, đặc biệt là chữa trị cho bệnh nhân HIV/AIDS tại các nước đang phát triển.       

 

Vũ Anh Tuấn

 Theo Reuters, Economist, BBC 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm