1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Giọt nước tràn ly

Trong một động thái đầy kịch tính có thể đẩy châu Âu vào thế như đi trên dây, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã tuyên bố trước người dân rằng ông sẽ kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về thỏa thuận gói cứu trợ mà các chủ nợ quốc tế đưa ra nhằm cứu nước này khỏi vỡ nợ.

Người dân Hy Lạp đổ xô đi rút tiền sau quyết định trưng cầu dân ý. (Nguồn:
Người dân Hy Lạp đổ xô đi rút tiền sau quyết định trưng cầu dân ý. (Nguồn: USnews)

Sau một cuộc họp nội các khẩn cấp tối 26-6, ông Tsipras nói rằng chính phủ của ông đã quyết định để cho người dân tự quyết định xem có nên thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà các chủ nợ đưa ra để đổi lại gói cứu trợ hay không. Cuộc trưng cầu dự kiến sẽ được tổ chức vào Chủ nhật, ngày 5-7 tới.

“Sau 5 tháng đàm phán khó khăn với các đối tác, người dân Hy Lạp lại buộc phải đưa ra một lựa chọn cuối cùng” – ông Tsipras nói – “Đề xuất mà các chủ nợ dành cho người Hy Lạp đã đi ngược lại với các nguyên tắc và giá trị cơ bản của châu Âu”.

Tuyên bố mở trưng cầu dân ý của ông Tsipras diễn ra chỉ vài giờ sau khi ông bác bỏ đề xuất cải cách mà các chủ nợ đề ra trong cuộc họp cấp cao ở Brussels, Bỉ. Ông nói rằng các đề xuất cải cách này chẳng khác gì một “bức thư tống tiền” mới đối với Hy Lạp, vốn đang phải chịu đựng các biện pháp thắt lưng buộc bụng không hồi kết trong khi chẳng mang lại lợi ích gì cho kinh tế và xã hội.

Quyết định được cho là “lịch sử” của ông Tsipras đã được Chính phủ Hy Lạp thông báo cho lãnh đạo các nước Pháp, Đức, Italia và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Athens còn đề nghị kéo dài thêm thời hạn trả nợ một vài ngày để tiến trình dân chủ trong cuộc trưng cầu có thể diễn ra.

Trong cuộc trưng cầu này, người dân Hy Lạp sẽ được lựa chọn giữa chấp nhận hoặc bác bỏ hàng loạt các đề xuất cải cách như tăng thuế, cắt giảm lương hưu mà các chủ nợ quốc tế gồm Liên minh châu Âu (EU), ECB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đề ra như một điều kiện để nước này nhận được gói tín dụng cứu trợ. Gói cứu trợ này từng được gia hạn một lần, và sẽ kết thúc vào ngày 30-6 tới.

Thông tin này đối với người dân Hy Lạp thực sự là một cú sốc, khi những người có tài khoản tiết kiệm ngân hàng lo ngại rằng sẽ không thể rút tiền khi đất nước lâm vào tình trạng vỡ nợ. Rất nhiều người trong ngày 27-6 đã đổ xô đến các máy ATM để rút tiền, trong khi hàng loạt người xếp hàng dài trước cửa các ngân hàng.

Phản ứng của người dân đã khiến chính phủ Hy Lạp phải đứng ra trấn an, trong đó người phát ngôn chính phủ Gavriel Sakellarides khẳng định rằng cuộc trưng cầu không hề đe dọa vị trí của Hy Lạp ở châu Âu: “Câu hỏi đặt ra không phải là liệu chúng ta ở lại hay ra đi khỏi khối đồng tiền chung. Thế nên mọi người không nên lo lắng”.

Quyết định trưng cầu dân ý được đưa ra cũng giống như “giọt nước tràn ly” đối với một đất nước đã phải chịu hàng loạt các biện pháp khắc khổ nhằm sinh thặng dư ngân sách, như một điều kiện để nhận các gói cứu trợ. Ông Tsipras thậm chí tuyên bố rằng Hy Lạp là nạn nhân của “sự sỉ nhục và tống tiền”. Ông cho rằng các đề xuất cải cách mà chủ nợ đưa ra rõ ràng vi phạm các quy định của châu Âu.

Quốc hội Hy Lạp đã có các hành động khẩn cấp trong hôm 27-6 để cuộc trưng cầu dân ý có thể diễn ra phù hợp với Hiến pháp nước này. Nhiều vị Bộ trưởng trong nội các của ông Tsipras cũng ủng hộ quyết định này, cho rằng Athens không bao giờ ủng hộ “các biện pháp dã man” mà các chủ nợ đưa ra.

Để nhận được gói cứu trợ 240 tỷ Euro – chương trình cứu trợ lớn nhất trong lịch sử tài chính thế giới – Hy Lạp đã phải hy sinh rất nhiều. Nền kinh tế của họ liên tục tụt dốc và rơi vào suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao chưa từng có trong khi tỷ lệ nghèo khó cũng tăng lên nhanh chóng do sức nặng của biện pháp cắt giảm ngân sách, tăng thuế…mà các chủ nợ đề ra. 

Theo Khánh Duy
Đại đoàn kết