1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giới quan sát hoài nghi về thỏa thuận Mỹ-Trung về tránh đối đầu trên không

(Dân trí) - Các chính khách và các học giả nổi tiếng Mỹ đã bày tỏ hoài nghi về bộ quy tắc về tránh đối đầu trên không, đạt được giữa Mỹ và Trung Quốc mới đây, đồng thời cảnh báo nguy cơ vẫn tiềm tàng, đặc biệt trên Biển Đông do cách diễn giải quy định trên có thể còn khác nhau.

 

Tổng thống Mỹ-Trung (Ảnh minh họa)
Tổng thống Mỹ-Trung (Ảnh minh họa)

Thượng nghĩ sỹ Đảng Dân chủ Jack Reed thuộc Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ bày tỏ hoài nghi về thỏa thuận gần đây có thể giảm rủi ro đối đầu, mặc dù có những bước tiến trong vấn đề trên giữa không quân hai nước.

“Những nỗ lực phía Mỹ tính cho đến nay có vẻ chưa ngăn chặn được những hoạt động bành chướng (cải tạo và bồi đắp đảo nhân tạo) tại Biển Đông”, ông Reed nhấn mạnh.

Lý do vị thượng nghị sĩ trên quan ngại vì chỉ vài ngày trước chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Mỹ thì máy bay chiến đấu JH-7 của quân đội Trung Quốc đã “cắt mặt nguy hiểm” máy bay do thám RC-135 của Mỹ tại Hoàng Hải.

Còn học giả Richard Weitz đến từ Học viện Hudson, chuyên nghiên cứu về chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ, đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có tuân thủ nghiêm các thỏa thuận mới đạt không.

“Một vài giới chức quân đội và chính phủ Trung Quốc sẽ không tuân thủ những thỏa thuận trên. Vấn đề là ở chỗ Bắc Kinh sẽ thực thi các thỏa thuận nêu trên như thế nào”, học giả Weitz nhấn mạnh.

Những người quan sát có cái nhìn như ông Weitz còn lập luận rằng các máy bay do thám của Mỹ sẽ gặp phải vấn đề ở Biển Đông vì bộ quy tắc tránh đối đầu trên không chỉ kêu gọi một trong hai bên tránh can thiệp “vào khu cảnh báo” của bên kia. Trong khi đó, bộ quy tắc này còn chưa công nhận quyền tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế.

Sự lý giải khác nhau giữa hai bên có thể dẫn tới những “hậu quả nghiêm trọng”, ông Weitz nhấn mạnh.

Trung Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận về bộ quy tắc tránh đối đầu trên không trong chuyến thăm kéo dài 1 tuần của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Mỹ. Lãnh đạo hai nước cũng thảo luận một loạt các vấn đề quan trọng như an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nhân quyền nhưng vẫn bất đồng về vấn đề Biển Đông.

Giới phân tích cũng đánh giá chuyến thăm của ông Tập tới Mỹ lần này là mờ nhạt và mang lại những kết quả khiêm tốn bởi cả Mỹ và Trung Quốc đang phải đối mặt với những vấn đề đối nội riêng trong nước.

Những năm gần đây đã xảy ra vài vụ chạm trán giữa máy bay trinh thám Mỹ và máy bay chiến đấu của Trung Quốc trên không phận quốc tế trên Biển Đông.

Tháng 8/2014, máy bay do thám P-8A của Hải quân Mỹ đã bị chiến đấu cơ của Quân đội giải phóng Trung Quốc chặn và hăm dọa tại Biển Đông. Trước đó tháng 4/2001, một vụ va chạm “nguy hiểm” giữa máy bay chiến đấu của Trung Quốc với máy bay do thám EP-3 của Mỹ cũng tại vùng biển trên, kết quả là một phi công Trung Quốc tử nạn còn máy bay Mỹ bị chìm.

Vũ Duy

Theo VOA

 

Giới quan sát hoài nghi về thỏa thuận Mỹ-Trung về tránh đối đầu trên không - 2