Giao tranh leo thang quanh nhà máy Ukraine, IAEA cảnh báo sự cố hạt nhân
(Dân trí) - Giao tranh vẫn tiếp diễn xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, ngay cả khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cảnh báo nguy cơ xảy ra sự cố hạt nhân.
Trong một tuyên bố mới nhất, Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi cảnh báo, các hành động thù địch xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine có nguy cơ làm bùng nổ "sự cố hạt nhân lớn không chừa một ai".
Người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc đã có chuyến thăm thứ hai tới nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia giữa lúc xung đột leo thang xung quanh khu vực này.
Ông Grossi đã được các quan chức và lực lượng Nga, lực lượng đang kiểm soát Zaporizhzhia, dẫn đi xem xung quanh nhà máy. "Rõ ràng là các hoạt động quân sự đang leo thang trong toàn khu vực này, vì vậy cần thực hiện mọi biện pháp và kế hoạch phòng ngừa có thể để ngăn nhà máy không bị tấn công", ông nói.
Zaporizhzhia nằm ở bờ nam sông Dnieper, tạo thành khu tiền tuyến vào thời điểm các lực lượng Nga đang nỗ lực tiến hành một loạt cuộc tấn công và Ukraine được cho là sẽ phản công trong những tháng tới.
Ông Grossi đã đi cùng với 3 thanh sát viên của IAEA, những người sẽ thay thế một nhóm giám sát đã ở đây trong suốt thời gian qua và sẽ ở lại địa điểm này trong 2 tháng tới. Đây là nhóm thứ 7 đến nhà máy này kể từ khi cả Moscow và Kiev chấp nhận các hoạt động giám sát của IAEA ở đây.
Tổng giám đốc IAEA cũng đang ở Zaporizhzhia để tiếp tục nỗ lực đàm phán về các biện pháp bảo vệ nhà máy. Nhưng điều này cần phải được các lực lượng Ukraine và Nga đồng ý, với việc đảm bảo không giao tranh tại khu vực này.
Các cuộc đàm phán cho đến nay đã bị đình trệ do Nga từ chối rút lực lượng vũ trang khỏi nhà máy theo điều kiện tiên quyết mà Ukraine đặt ra. Ông Grossi đã nhiều lần cảnh báo, một cuộc đối đầu trực tiếp hoặc sự cố trong hệ thống an toàn tại nhà máy này có thể gây ra thảm họa kinh hoàng.
"Điều chúng ta cần là bảo vệ nhà máy điện hạt nhân, vì nếu không làm như vậy, sẽ có nguy cơ cao xảy ra sự cố hạt nhân lớn và ảnh hưởng không chừa một ai, dù là người Ukraine hay người Nga", ông Grossi nói với các phóng viên trong chuyến thăm đến Washington vào đầu tháng này.
Ông cho biết, trong khi đang cố gắng đàm phán về một khu vực bảo vệ thì không thể quy kết trách nhiệm gây ra các vụ pháo kích hằng ngày cho bên nào.
"Tôi vẫn đang nỗ lực, vì vậy các bạn có thể hiểu rằng, sẽ không khôn ngoan lắm nếu tôi bắt đầu nói lỗi của bên nào. Đó là một quá trình. Đó là một cuộc đàm phán phức tạp. Vì vậy, đây là lý do chúng tôi tránh đổ lỗi cho nhau vì đó sẽ là một câu chuyện không bao giờ kết thúc. Điều chúng ta cần là một thỏa thuận, một cam kết chính trị vững chắc, chứ không phải đổ lỗi cho nhau" , ông nói.
Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu, nhưng tất cả 6 lò phản ứng của nó đã ngừng hoạt động sau khi chiến sự bùng nổ. Hai trong số đó đang ở trạng thái "tắt nóng", nghĩa là vẫn tiếp tục cung cấp một lượng năng lượng hạn chế cho các hệ thống sưởi ấm và an toàn điện.
Tuy nhiên, đây là một trạng thái khó duy trì và 3.000 công nhân Ukraine còn lại ở đó, chiếm 1/4 số nhân viên thời điểm trước chiến tranh, đang phải đối mặt với tình trạng căng thẳng và kiệt sức liên tục.
"Mọi thứ vẫn tiếp tục nhưng không bền vững", Tổng giám đốc IAEA nói.