1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Giáo hoàng Francis quỳ gối hôn chân các lãnh đạo Nam Sudan

(Dân trí) - Trong một động thái gây bất ngờ hôm 11-4, Giáo hoàng Francis đã quỳ gối hôn chân các lãnh đạo Nam Sudan để cầu hòa bình cho người dân.

Giáo hoàng Francis quỳ gối hôn chân các lãnh đạo Nam Sudan - 1

Giáo hoàng Francis quỳ gối hôn chân các lãnh đạo Nam Sudan. Ảnh: Reuters, Twitter

Theo hãng tin Reuters, Giáo hoàng Francis kêu gọi Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và 3 phó tổng thống tôn trọng một hiệp định đình chiến mà họ ký kết, đồng thời thực hiện cam kết thành lập chính phủ thống nhất vào tháng tới.

"Tôi nói với các bạn như một người anh em để gìn giữ hòa bình, bằng cả trái tim. Sẽ có nhiều vấn đề nhưng chúng sẽ không khuất phục được chúng ta. Hãy giải quyết vấn đề của các bạn" - Giáo hoàng Francis nói.

Giáo hoàng Francis quỳ gối hôn chân các lãnh đạo Nam Sudan - 2

Các nhà lãnh đạo Nam Sudan tỏ ra sững sờ khi vị giáo hoàng 82 tuổi, bị đau chân mãn tính, được các trợ lý giúp đỡ khi ông quỳ xuống một cách khó khăn để hôn chân hai thủ lĩnh đối lập chính và một số người khác.
Đã xuất hiện những lo ngại cuộc đảo chính ở nước láng giềng của Nam Sudan là Sudan hôm 11-4 có thể làm ảnh hưởng tới thỏa thuận hòa bình mong manh vốn chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 5 năm ở Nam Sudan.

Tòa thánh Vatican hôm 11-4 nhóm họp các nhà lãnh đạo Nam Sudan tại nơi cư trú của Giáo hoàng Francis để cầu nguyện và thuyết giảng nhằm hàn gắn sự chia rẽ ở quốc gia này.

"Sẽ có những cuộc đấu tranh, bất đồng giữa các bạn nhưng hãy giữ chúng bên trong các bạn, bên trong văn phòng. Còn trước mặt mọi người, hãy nắm tay nhau đoàn kết" - Giáo hoàng Francis phát biểu bằng tiếng Ý, sau đó được trợ lý dịch sang tiếng Anh.

Giáo hoàng Francis quỳ gối hôn chân các lãnh đạo Nam Sudan - 3

Tòa thánh Vatican hôm 11-4 nhóm họp các nhà lãnh đạo Nam Sudan tại nơi cư trú của Giáo hoàng Francis. Ảnh: Twitter

Ông cũng cho biết người dân Nam Sudan đã kiệt sức vì chiến tranh và các nhà lãnh đạo có nhiệm vụ xây dựng quốc gia non trẻ của họ bằng công đạo.

Nam Sudan chìm vào cuộc nội chiến sau khi Tổng thống Kiir (người Dinka) sa thải Phó Tổng thống Riek Machar (người dân tộc Nuer). Khoảng 400.000 người đã thiệt mạng và hơn 1/3 trong số 12 triệu người dân Nam Sudan phải đi sơ tán, gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất ở châu Phi kể từ vụ diệt chủng ở Rwandan năm 1994.

Theo Phạm Nghĩa
Người Lao Động