1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giáng sinh đầy khó khăn của Tổng thống Zelensky

Thanh Thành

(Dân trí) - Khi đất nước sắp bước sang năm mới với rất ít khả năng chấm dứt chiến sự khốc liệt với Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có lý do để không thể nào vui khi cả thế giới chuẩn bị đón Giáng sinh.

Giáng sinh đầy khó khăn của Tổng thống Zelensky - 1

Tổng thống Zelensky trả lời các phóng viên tại Nhà Trắng ở Washington, Mỹ vào ngày 12/12 (Ảnh: Getty).

Ông Zelensky đã trở về sau chuyến thăm đầy khó khăn tới Washington nhưng rồi cũng không thể tìm kiếm được gói viện trợ quân sự mới sau bế tắc ở Quốc hội Mỹ.

Và nhà lãnh đạo này có thể đang hướng tới những gì sẽ diễn ra vào năm 2024 giữa lúc Ukraine đang nhanh chóng tiến gần đến 2 năm xung đột khốc liệt và đầy mệt mỏi.

Có những mối lo ngại rõ ràng đối với Kiev.

Nga đang tiến gần thị trấn Avdiivka thuộc vùng Donetsk. Các đồng minh NATO của Ukraine đang cạn kiệt kho đạn dược mà họ có thể vận chuyển đến tiền tuyến Ukraine trong khi đảng Cộng hòa ở Mỹ vẫn đang chặn gói viện trợ mới cho Kiev. Vượt qua tất cả, Ukraine phải tiếp tục bắn hạ bầy đàn máy bay không người lái (UAV) Shahed mà Nga tấn công hàng ngày hàng giờ và dường như chưa có dấu hiệu kết thúc.

Đối với Ukraine, một đất nước đang phải chiến đấu với điều kiện mùa đông khắc nghiệt cũng như sự tấn công dữ dội của Nga, đó thực sự là tình cảnh khắc nghiệt và khốn khổ.

Ukraine đã chiến đấu hết mình trước các lực lượng Nga trong cuộc tấn công bao vây thị trấn Avdiivka ở Donetsk, nhưng Moscow hầu như ngày càng tiến xa hơn xung quanh khu công nghiệp này.

Nga phát động cuộc tấn công vào thị trấn này vào ngày 10/10, làm bùng nổ những cuộc giao tranh nặng nề và đẫm máu nhất cho đến nay. Trong các bản cập nhật hoạt động mỗi ngày, Bộ Tổng tham mưu Ukraine tiết lộ Moscow không hề chùn bước trong nỗ lực bao vây Avdiivka.

Quân đội Ukraine hôm 14/12 cho biết lực lượng của họ đã "đẩy lùi thành công" 57 cuộc tấn công của Nga tại các khu vực xung quanh khu vực tiền tuyến Avdiivka một ngày trước đó.

Nhưng Nga đang ngày càng giành được nhiều quyền kiểm soát hơn ở đây. Các lực lượng của Moscow đã tiến về phía đông nam Stepove, ngôi làng chỉ cách Avdiivka chưa đến 3,5km về phía tây bắc, vào hôm 13/12, theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW). 

Theo ISW, những đánh giá của phương Tây ở chiến tuyến này ban đầu hoàn toàn tích cực nghiêng về phía Ukraine, nhưng Nga đã có những bước tiến chậm chạp nhưng hiệu quả xung quanh Avdiivka. "Chậm chạp và thiệt hại nặng nề, nhưng rõ ràng Nga đang giành được lãnh thổ ở Avdiivka", ISW cho biết.

Các nguồn tin cho biết, dù Moscow cũng phải trả giá đắt nhưng cũng đã khiến các chỉ huy và chính trị gia Ukraine lo lắng. Hồi tháng trước, Bộ Quốc phòng Anh cho biết, thời điểm từ ngày 10/10 đến cuối tháng 11 "có thể đã chứng kiến tỷ lệ thương vong của Nga trong cuộc chiến ở mức cao nhất cho đến nay".

"Đây hiện là một cuộc chiến tiêu hao và người Nga dường như sẵn sàng hy sinh cho chiến dịch này", ông Dan Rice, cựu trợ lý của Tổng tư lệnh Ukraine và hiện là chủ tịch của Đại học Mỹ-Kiev, đánh giá.

Giáng sinh đầy khó khăn của Tổng thống Zelensky - 2

Toàn cảnh thành phố Avdiivka của Ukraine vào ngày 7/12 (Ảnh: Getty).

Theo ông, Ukraine đang phòng thủ ở Avdiivka và đã chống lại một lực lượng lớn mạnh hơn rất nhiều.

"Nếu họ được cung cấp đủ đạn dược, họ có thể sẽ tiếp tục chiến đấu chống quân Nga. Nhưng câu hỏi lớn đặt ra là liệu phương Tây có tiếp tục cung cấp đủ đạn dược vũ khí để tiêu diệt hết đợt này đến đợt khác và làn sóng tấn công nối tiếp đợt của các đơn vị Nga hay không", ông nói thêm.

Cuộc chiến lần này không chỉ làm cạn kiệt nguồn cung cấp của Ukraine mà còn của Mỹ và các đồng minh phương Tây. Các quan chức NATO trong nhiều tháng đã cảnh báo kho dự trữ đang cạn kiệt, nhưng Ukraine hiện vẫn phụ thuộc vào các nước phương Tây ủng hộ phần lớn số đạn được bắn mỗi ngày.

Vào cuối tháng 11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết khối này đã chuyển hoặc sẽ gửi tổng cộng 480.000 quả đạn pháo tới Ukraine, trong khi các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang tăng cường sản xuất đạn dược.

Tuy nhiên, vào đầu tháng 10, quan chức cấp cao nhất của NATO, Đô đốc Rob Bauer, cho biết "đáy thùng hiện đã lộ rõ" đối với kho đạn dược của liên minh quân sự này.

Tình trạng đói đạn hoặc thiếu đạn dược hiện rõ ở chiến tuyến Avdiivka. "Tôi sẽ không nổ súng nữa, chỉ khi đó là tình huống nguy kịch", một chỉ huy người Ukraine thuộc Lữ đoàn 47 của nước này nói với báo The Times của London vào tuần trước.

Việc phân phối đạn dược yếu kém sẽ hạn chế hoạt động của lực lượng Ukraine, nhưng có thể có những vấn đề lớn hơn sắp xảy ra với đường ống viện trợ quân sự của Kiev.

Bất chấp những lời kêu gọi đoàn kết để giúp đỡ Ukraine của Tổng thống Zelensky ở trung tâm Washington trong tuần qua, Kiev ngày càng lo ngại sâu sắc trước những tiếng nói trong Quốc hội Mỹ, ngăn chặn các gói viện trợ quân sự trong tương lai cho nỗ lực chiến tranh của nước này.

Tổng thống Joe Biden đã tận dụng chuyến đi của ông Zelensky tới Mỹ vào đầu tuần này để tái khẳng định sự ủng hộ của chính quyền ông đối với cuộc chiến ở Ukraine. "Tôi sẽ không rời bỏ Ukraine và người dân Mỹ cũng vậy", ông Biden nói hôm 12/12.

Tuy nhiên, tuyên bố của Tổng thống Biden không gây được tiếng vang với tất cả các nghị sĩ Mỹ. Nhiều đảng viên Cộng hòa đang chặn dự luật tài trợ trị giá 110 tỷ USD, bao gồm khoảng 60 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, vì họ muốn các biện pháp an ninh chặt chẽ hơn ở biên giới phía nam đất nước.

"Tôi nghĩ người dân Mỹ đồng ý với chúng tôi rằng an ninh quốc gia bắt đầu từ biên giới của chúng ta", đại diện và nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Johnson nói hôm 12/12, đồng thời nói thêm: "Chúng ta phải duy trì chủ quyền của chính mình, để có thể xây dựng hòa bình thông qua sức mạnh và giúp đỡ các bạn".

Mỹ là nước đóng góp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine và đã cam kết hỗ trợ an ninh hơn 44 tỷ USD cho Kiev kể từ khi nổ ra chiến sự vào tháng 2/2022. Nhưng thời gian không còn nhiều - và chính quyền Tổng thống Biden cũng như Kiev biết điều đó.

Đầu tháng này, Nhà Trắng cảnh báo rằng "vào cuối năm nay, chúng tôi sẽ cạn kiệt nguồn lực để mua thêm vũ khí và thiết bị cho Ukraine cũng như cung cấp thiết bị từ kho quân sự của Mỹ". Người đứng đầu ngân sách của Nhà Trắng, Shalanda Young, cho biết trong bức thư gửi Quốc hội hôm 4/12: "Việc cắt đứt dòng vũ khí và thiết bị của Mỹ sẽ khiến Ukraine bị chèn ép trên chiến trường. Không có nguồn tài trợ kỳ diệu nào có thể đáp ứng được thời điểm này. Chúng tôi hết tiền và gần như hết thời gian".

Trong bối cảnh đó, Ukraine phải thường xuyên để mắt đến bầu trời khi phải đối mặt với một cuộc tấn công đã được dự đoán từ lâu nhưng vẫn đầy thách thức và khốc liệt từ tên lửa Nga và UAV Shahed trong mùa đông này.

Theo Newsweek