1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giải mật hồ sơ J.F.Kennedy (*): Lee Oswald - nhân vật kỳ bí

FBI trước sau luôn yêu cầu công chúng tin rằng Lee Harvey Oswald là hung thủ duy nhất giết hại Tổng thống J.F.Kennedy. Liệu có thể tin được không?

Các nhà sử học và chuyên gia từng dự báo sẽ không có tin "động trời" nào liên quan đến sự thật cái chết của Tổng thống J.F.Kennedy cách đây 54 năm được tiết lộ trong đợt giải mật hồ sơ chiều 26-10 vừa qua theo lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu gần 3.000 hồ sơ, họ đã lọc được một số "cục vàng thô" đáng giá, theo nguồn tin NBC News ngày 27-10.

Bản ghi nhớ của ông trùm FBI

Một trong những "cục vàng thô" đó là bản ghi nhớ của J.Edgar Hoover, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) lúc bấy giờ, đề ngày 24-11-1963.

Đây là một trong tổng số 52 bản ghi nhớ của vị giám đốc FBI liên quan đến cái chết thảm thương của Tổng thống J.F.Kennedy được bảo mật hơn nửa thế kỷ qua.


Vợ chồng Oswald - Marina Ảnh REDDIT.COM

Vợ chồng Oswald - Marina Ảnh REDDIT.COM

"Không có gì khác về trường hợp của Oswald ngoài chuyện gã đã chết". Đây là tình tiết quan trọng nhất trong bản ghi nhớ cho thấy ông trùm FBI tỏ ra quan ngại trước sự hoài nghi rằng Oswald không phải là kẻ thủ ác duy nhất.

Theo nhà báo Alex Johnson của NBC News, xem kỹ nội dung bản ghi nhớ, không rõ ông Hoover có thật sự tin rằng Oswald hành động một mình và khẳng định điều đó để trấn an dư luận hay không, hoặc ông biết có âm mưu nào đó mà vì lý do tế nhị nên không nói ra?

Đó là "nếu để dư luận tin rằng Oswald là một thành viên tham gia âm mưu chính trị nào đó của nước ngoài thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về mặt ngoại giao".

Trong bản ghi nhớ, ông Hoover đã phản đối việc thành lập ủy ban điều tra độc lập về vụ án và đề xuất để việc này cho Bộ Tư pháp, cơ quan cấp trên của FBI. Tuy nhiên, vài hôm sau, tân Tổng thống Lyndon Johnson tuyên bố thành lập Ủy ban Warren điều tra các chứng cứ liên quan đến vụ sát hại Tổng thống J.F.Kennedy.

Làm việc với Ủy ban Warren, ông Hoover vẫn khẳng định như đinh đóng cột rằng không có "chút chứng cứ nào" cho thấy Oswald tham gia một âm mưu nào đó. Do vậy, theo ông, Viện Công tố, cụ thể là viện phó Katzenbach, cần thiết phải thuyết phục công chúng rằng Oswald là hung thủ duy nhất.

Ông Katzenbach cũng đồng quan điểm với ông Hoover. Trong bản ghi nhớ đề ngày 25-11-1963, vị viện phó viết: "Công chúng nên bằng lòng với kết luận rằng Oswald là hung thủ, không có đồng mưu".

Đáng chú ý, trong bản ghi nhớ, ông Hoover đã phê bình gay gắt Sở Cảnh sát Dallas vì để Oswald bị một chủ hộp đêm bắn chết mặc dù FBI từng cảnh báo rằng sinh mạng của anh ta đang bị đe dọa.

"Tôi chỉ là một gã khờ"

Hơn 50 năm qua, Lee Harvey Oswald (1939-1963) là một gương mặt hết sức kỳ bí trong vụ án J.F.Kennedy. 14 tuổi, Oswald đã tỏ ra thích thú Liên bang Xô viết sau khi đọc một tờ truyền đơn về sự kiện cặp vợ chồng Ethel - Julius Rosenberg bị tử hình vì tội làm gián điệp cho Liên Xô. Anh ta tìm hiểu và đọc rất nhiều tài liệu, tiểu thuyết Liên Xô.

Dù vậy, Oswald đăng ký vào binh chủng thủy quân lục chiến. Năm 1957, Oswald đồn trú tại Atsugi - Nhật Bản. Tại đây, anh ta được đồng đội đặt bí danh là "Osvaldovitch" do tư tưởng thân Liên Xô.

Sau khi xuất ngũ, tháng 10-1959, Oswald đến Moscow xin nhập quốc tịch Liên Xô. Trong đơn xin nhập tịch, Oswald viết: "Tôi muốn trở thành công dân Liên Xô vì tôi là công nhân và đảng viên Cộng sản (Mỹ)".

Đơn bị bác, Oswald rất sốc vì vỡ mộng. Anh ta quyết định tự sát. Oswald viết trong nhật ký: "Tôi chui vào bồn tắm xả nước lạnh để xoa dịu nỗi đau. Sau đó, tôi cắt mạch máu tay". Oswald được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Vài ngày sau, chính quyền thay đổi ý định và cho phép anh ta lưu trú tại Nga.

Tuy nhiên, Oswald không ở Moscow mà đến TP Minsk, thủ đô Belarus, sinh sống và lấy vợ, một phụ nữ Nga tên Marina. Tháng 6-1962, anh ta dẫn vợ trở về Dallas sinh sống, tìm việc làm nhưng ở đâu cũng không được bền.

Về mặt chính trị, anh ta rất tích cực ủng hộ cách mạng Cuba. Từ tháng 9 đến tháng 10-1963, Oswald thực hiện các chuyến đi đến Mexico và Cuba, khiến Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và FBI chú ý.

Oswald từng bị cảnh sát bắt giữ về hành vi mưu sát bằng súng. Mục tiêu ám sát là thiếu tướng về hưu Edwin Walker mà Oswald cho là thủ lĩnh một nhóm phát-xít vì ông này chống cộng rất quyết liệt. Ngày 10-4-1963, Oswald đến nhà Walker, chĩa súng bắn vào cửa sổ nơi ông ta đang ngồi khiến vị tướng bị thương ở tay.

Ngày 22-11-1963, cả thế giới bàng hoàng sửng sốt trước cái chết của Tổng thống J.F.Kennedy. Oswald bị bắt tại rạp hát Texas vài giờ sau khi cảnh sát phát hiện một khẩu súng trường với nhiều vỏ đạn cất giấu trên tầng 6 kho sách của trường trung học Dallas, nơi xuất phát những viên đạn kết liễu cuộc đời vị tổng thống. Đó là khẩu Carcano nòng 6,5 mm, được xác định do Oswald dùng tên giả A.Hidell đặt mua qua đường bưu diện với giá 29,95 USD hồi tháng 3-1963.

Oswald đã bác bỏ mọi cáo buộc của cơ quan điều tra Dallas. Anh ta cho rằng mình là một "gã khờ" nên không thể làm chuyện tày trời như vậy.

Trong lúc cảnh sát điều tra vụ án, mọi sự càng trở nên rối rắm khi 2 ngày sau, nghi can Oswald bị chủ hộp đêm Jack Ruby cầm súng ngắn bắn chết ở cự ly gần ngay cổng Sở Cảnh sát Dallas trước ống kính đài truyền hình địa phương đang phát sóng trực tiếp. Lúc đó, cảnh sát đang giải Oswald từ sở cảnh sát đến nhà tù quận thì xảy ra chuyện.

"Không hề thù ghét"

Nhiều nhân chứng không tin Lee Oswald là thủ phạm bắn chết Tổng thống J.F.Kennedy vì chưa bao giờ anh ta tỏ ra thù ghét ông. Paul Gregory, bạn của vợ chồng Oswald - Marina, kể lại trên nhật báo The New York Times: "Trong nhà Oswald có cuốn tạp chí Time đăng hình J.F.Kennedy với tiêu đề "Người trong năm" đặt ở nơi trang trọng nhất". Priscilla McMillan - bạn của Marina, tác giả quyển "Lee và Marina" viết về cuộc đời của cặp vợ chồng này - cũng nói: "Oswald thích Kennedy vì ông cổ xúy quyền công dân. Anh ta chỉ không thích ông ấy vì chiến dịch xâm lược Cuba ở vịnh Con Heo. Tuy nhiên, Oswald thường khen Kennedy nhiều hơn chê".

Gerald Posner, một cây bút chuyên về phóng sự điều tra có tiếng ở Mỹ, từng phát biểu trên bán nguyệt san Ấn Độ Frontline rằng Oswald không hề thù ghét J.F.Kennedy. "Oswald chỉ ghét hệ thống chính quyền Mỹ" - Posner tiết lộ.

Kỳ tới: Ai giết Tổng thống J.F.Kennedy?

Theo Nguyễn Cao

Người lao động