1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Giải mật hồ sơ J.F.Kennedy

Cái chết của Tổng thống Mỹ John Fitzgerald Kennedy (JFK) ngày 22-11-1963 đã được báo trước 25 phút tại Anh.

Đó là tiết lộ bất ngờ nhất khi Cục Lưu trữ Liên bang Mỹ (NA) công bố trên website của mình 2.891 trang tư liệu và hồ sơ, gồm băng ghi âm, băng thu hình, hình ảnh, lời khai… chiều 22-10 vừa qua. Đây là hồ sơ của Cục Tình báo trung ương (CIA), Cục Điều tra Liên bang (FBI), Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ liên quan đến vụ ám sát Tổng thống J.F.Kennedy cách đây 54 năm. Tất cả đều là tài liệu thô, chưa qua xử lý nên nội dung của chúng có thể là thật và không có thật.

Cú điện thoại bí ẩn

Việc giải mật thực hiện theo Đạo luật Hồ sơ J.F.Kennedy được quốc hội Mỹ thông qua năm 1992. Theo đó, các trang tài liệu mật này phải được công khai toàn bộ sau 25 năm và cần phải được tổng thống Mỹ phê duyệt.


Tổng thống J.F.Kennedy và phu nhân Ảnh: BẢO TÀNG VÀ THƯ VIỆN J.F.KENNEDY

Tổng thống J.F.Kennedy và phu nhân Ảnh: BẢO TÀNG VÀ THƯ VIỆN J.F.KENNEDY

Đây chưa phải là toàn bộ hồ sơ về vụ ám sát Tổng thống J.F.Kennedy (3.603 hồ sơ chưa giải mật). Do quan ngại về vấn đề an ninh quốc gia, Tổng thống Donald Trump quyết định hoãn công bố 712 hồ sơ quan trọng khác trong vòng 180 ngày. Ông hứa sẽ cho công bố hết số hồ sơ này vào ngày 26-4-2018 sau khi cân nhắc và xem xét kỹ những hệ quả.

Tuy không có những tiết lộ mới, giật gân thuộc hàng "bom tấn" như kỳ vọng của các nhà sử học và công luận, những tài liệu này cũng cho thấy một số tình tiết mới chưa từng được tiết lộ xung quanh vụ ám sát Tổng thống J.F.Kennedy. Một trong số đó là cú điện thoại bí ẩn đến từ một phóng viên kỳ cựu của tờ Cambridge News (Anh), dự báo sẽ có một sự kiện cực kỳ quan trọng diễn ra tại Mỹ.

Trong bản ghi nhớ gửi Cục trưởng FBI J. Edgar Hoover đề ngày 26-11-1963, Phó Cục trưởng James Angleton cho biết: "Theo MI-5 (cơ quan tình báo, phản gián, bảo đảm an ninh của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland), vào lúc 18 giờ 5 phút ngày 22-11-1963, một phóng viên kỳ cựu của báo Cambridge News nhận được cú điện thoại nặc danh. Người gọi bảo phóng viên báo với tòa đại sứ Mỹ ở London rằng sắp có tin đặc biệt rồi cúp máy ngay".

Bản ghi nhớ viết tiếp: "Sau khi hay tin Tổng thống J.F.Kennedy chết, phóng viên đã báo cảnh sát Cambridge về cú điện thoại nặc danh. Sau đó, cảnh sát báo lại với MI-5. Điểm đáng nói là, theo tính toán của MI-5, cú điện thoại đó được thực hiện trước vụ ám sát Tổng thống J.F.Kennedy 25 phút".

Tuy nhiên, theo bản ghi nhớ, phóng viên Cambridge News (không được nêu tên) quả quyết chưa bao giờ nhận được cú điện thoại nào như thế. MI-5 cũng nhận định rằng phóng viên này là một người trung thực, "không có vấn đề gì về mặt an ninh".

Đáng chú ý, bản ghi nhớ nêu trên từng được NA công khai hồi tháng 7-2017 nhưng không có báo đài nào đưa tin. Mãi đến nay, chi tiết này mới được nhắc tới.

Theo tờ The Telegraph (Anh), người gọi điện có thể là một người bạn của Lee Harvey Oswald, kẻ được CIA cho là thủ phạm duy nhất bắn chết Tổng thống J.F.Kennedy. Đó là điệp viên Liên Xô người Anh tên Albert Osborne, lúc bấy giờ sống ở thành phố cảng Grimsby, quận Lincolnshire, miền Đông nước Anh.

Nghi vấn bao trùm

Cú điện thoại bí ẩn đó thực hư ra sao? Xung quanh câu chuyện này có nhiều thông tin khác nhau.

Một vị luật sư Anh tên Michael Eddowes cho rằng ông đã tìm thấy tài liệu đề cập cú điện thoại bí ẩn đó vào năm 1979. Tờ Cambridge News đã đăng chi tiết này năm 1981. Luật sư Eddowes cũng nhận định rằng người gọi là điệp viên Albert Osborne. Sở dĩ ông ta không gọi báo với Cambridge News nơi mình ở vì sợ lộ tẩy.

Vẫn theo nhận định của luật sư Eddowes vào năm 1981, Liên Xô muốn tạo ra một thuyết âm mưu về cái chết của Tổng thống J.F.Kennedy nên đã chỉ đạo Osborne thực hiện cuộc gọi đó. Tuy nhiên, tuyên bố của luật sư Eddowes đã bị nhiều người bài bác.

Bình luận về chi tiết kể trên, nhà sử học Mike Pretty thuộc Trường Đại học Cambridge nhận định trên trang tin trực tuyến Sun: "Chi tiết đó thật kỳ lạ. Bởi lẽ, nhiều nhà báo từng làm ở Cambridge News năm 1981 chưa bao giờ nghe nói về cú điện thoại này. Ngay cả chuyện tìm ra người báo cáo chuyện đó với cảnh sát lúc bấy giờ cũng không dễ".

Theo ông Pretty, có thể vào thời điểm có cú điện thoại đó, trong tòa soạn chỉ có một mình phóng viên nêu trên. Người này sau đó từ chối tiết lộ thông tin vì đã thề giữ kín miệng với CIA.

Cựu tổng biên tập Keith Whetstone thời thập niên 1960 của tờ Cambridge News, năm 1981 cũng đã bác bỏ thông tin của luật sư Eddowes: "Câu chuyện của ông ấy hoàn toàn hư cấu. Không một phóng viên nào làm việc cho tôi xác nhận có một cú điện thoại như vậy".

Tờ Mirror dẫn lời cựu phóng viên Rodney Tibb - năm nay 83 tuổi , từng làm phóng viên tờ Cambridge News thời trai trẻ - cũng tỏ ra hoài nghi về cú điện thoại kể trên: "Theo tôi biết, không hề có chuyện đó. Chúng tôi chưa bao giờ nghe nói hay bàn luận về chuyện này. Cũng không có bài báo nào ghi nhận chuyện như thế vào năm 1981".

Cá độ về cái chết của ông J.F.Kennedy

Theo tài liệu vừa được giải mật, một người đàn ông đã cược 100 USD rằng trong vòng 3 tuần, Tổng thống J.F.Kennedy sẽ chết. Vụ cá độ này diễn ra trong một quán bar ở TP New Orleans. Người đưa ra thông tin này có tên Robert C. Rawls. Một đặc vụ Mỹ đã báo cáo lại nội dung thẩm vấn Rawls về câu chuyện này với cấp trên vào ngày 27-11-1963.

Tuy nhiên, Rawls khai không thể mô tả nhân dạng người đàn ông này hay nhớ tên quán bar vì lúc đó, ông đã uống quá nhiều rượu và say xỉn. Hơn nữa, ông cũng không quan tâm đến chuyện người đàn ông đòi cá độ vì "hắn ta đã quá xỉn và khi say, người ta sẽ cá mọi thứ trên đời". Dù vậy, sau khi nghe tin Tổng thống J.F.Kennedy bị bắn chết, Rawls đã tình nguyện đến gặp đặc vụ Mỹ để báo cáo.

Kỳ tới: Lee Oswald - nhân vật kỳ bí

Theo Nguyễn Cao

Người lao động