1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Giải mã" ý tưởng hoãn bầu cử gây tranh cãi của Tổng thống Trump

Thành Đạt

(Dân trí) - Việc đưa ra ý tưởng hoãn bầu cử có thể là cách để Tổng thống Donald Trump “thử” các đồng minh đảng Cộng hòa, trong bối cảnh Mỹ đang chìm trong khó khăn do đại dịch và suy thoái kinh tế.

Giải mã ý tưởng hoãn bầu cử gây tranh cãi của Tổng thống Trump - 1

Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Getty)

Theo Hill, Tổng thống Donald Trump dường như đang “thử” lòng trung thành của các đồng minh đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ vào thời điểm tỷ lệ ủng hộ ông trong các cuộc khảo sát liên tục sụt giảm khiến nhiều nghị sĩ Cộng hòa lo ngại rằng, ông có thể sẽ thất bại trong chiến dịch tái tranh cử tổng thống vào cuối năm nay.

Tổng thống Trump ngày 30/7 đã đưa ra gợi ý trên mạng xã hội Twitter về việc hoãn bầu cử Mỹ, viện dẫn lý do dịch Covid-19 và lo ngại nguy cơ gian lận khi bầu cử qua thư. Bầu cử tổng thống Mỹ dự kiến diễn ra vào ngày 3/11, tuy nhiên chỉ quốc hội Mỹ mới có thẩm quyền thay đổi thời gian bầu cử.

Trả lời phỏng vấn các phóng viên tại Nhà Trắng sau đó, ông Trump đính chính rằng ông “mong muốn một cuộc bầu cử” và không muốn “trì hoãn”. Tuy nhiên, tổng thống cho biết ông “không muốn phải chờ tới 3 tháng rồi mới phát hiện ra các phiếu bầu bị thất lạc và kết quả bầu cử không còn ý nghĩa gì”.

Các nghị sĩ Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ phần lớn bị “mắc kẹt” bởi Tổng thống Trump trong suốt nhiệm kỳ “thăng trầm” của ông tại Nhà Trắng hơn 3 năm qua. Mặc dù các nghị sĩ nhiều lần chỉ trích Tổng thống Trump, song các nghị sĩ Cộng hòa hầu như đều tránh những cuộc tranh cãi công khai.

Tuy nhiên, các nghị sĩ đã đồng loạt lên tiếng phản đối khi Tổng thống Trump gợi ý hoãn cuộc bầu cử đang được trông đợi trong vài tháng tới. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell đã thẳng thừng bác bỏ ý tưởng hoãn bầu cử.

"Chưa bao giờ trong lịch sử Quốc hội, kể cả trong chiến tranh, suy thoái hay Nội chiến, chúng ta không tổ chức bầu cử liên bang đúng hạn, và chúng ta sẽ tìm cách để thực hiện điều này vào ngày 3/11 tới", ông McConnell nói.

Khi được hỏi liệu cuộc bầu cử vào ngày 3/11 có phải là thời gian "cố định" không, ông McConnell khẳng định: "Đúng vậy".

"Chúng tôi sẽ giải quyết bất kỳ tình huống nào và cuộc bầu cử ngày 3/11 sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch", lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện nhấn mạnh.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio, Chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện, cũng nói với các phóng viên rằng: "Tổng thống có thể đề xuất bất cứ điều gì, nhưng luật là luật. Chúng ta sẽ có một cuộc bầu cử hợp pháp, đáng tin cậy".

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Lindsey Graham, một đồng minh thân cận của Tổng thống Trump, cũng phản đối đề xuất hoãn bầu cử của ông chủ Nhà Trắng.

"Tôi nghĩ việc trì hoãn bầu cử có lẽ không phải một ý hay", ông Graham nói.

Các nghị sĩ Cộng hòa khác cũng không đồng tình với quan điểm của ông Trump.

Ted Cruz, thượng nghị sĩ bang Texas, thừa nhận gian lận bầu cử là “vấn đề nghiêm trọng và chúng ta nên chiến đấu để ngăn chặn vấn đề này”. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là hoãn bầu cử. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitt Romney từ bang Utah khẳng định cuộc bầu cử Mỹ vẫn diễn ra vào ngày do Quốc hội ấn định.

Nỗi sợ thua cuộc?

Tổng thống Trump vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phe Cộng hòa tại Quốc hội. Tuy nhiên, sự gắn kết trung thành này đang bị thách thức khi tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Trump liên tục “trượt dốc” trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát khiến hơn 156.000 người Mỹ thiệt mạng và hơn 4,7 triệu người nhiễm bệnh. Ngoài ra, nước Mỹ cũng đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ sau cuộc đại suy thoái.

"Tôi nghĩ tổng thống thực sự lo ngại về triển vọng tái tranh cử. Đó thực sự là điều ông ấy đang trải qua", Chiến lược gia đảng Cộng hòa Vin Weber nói, khẳng định Tổng thống Trump biết rằng “ông đang gặp rắc rối”.

Lý giải về gợi ý hoãn bầu cử tổng thống, ông Vincho rằng Tổng thống Trump “đang lo sợ sẽ bị tụt lại phía sau và có thể thua cuộc nên mới đưa ra một bình luận thực sự thiếu khôn ngoan như vậy về việc hoãn bầu cử”.

Theo hiến pháp Mỹ, tổng thống không có quyền thay đổi ngày bầu cử, việc ấn định thời gian bầu cử là quyền hạn của quốc hội. Giới chuyên gia cho rằng việc thay đổi ngày bầu cử tổng thống Mỹ là không thể nếu không có sự chấp thuận của quốc hội. 

Theo kết quả trung bình các cuộc khảo sát do trang FiveThirtyEight.com thực hiện, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump đã giảm xuống 40% trong tháng 7. Trong khi đó, theo một số cuộc khảo sát khác, tỷ lệ ủng hộ ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa cũng chỉ ở mức trên 30%.

Nền kinh tế Mỹ, vốn được phe Cộng hòa xem là “quân bài” mạnh nhất trong chiến dịch tái tranh cử của ông Trump, đã xuống dốc từ tháng 3. Theo Washington Post, số liệu mới công bố cho thấy GDP quý 2 của Mỹ giảm kỷ lục 32,9%, giảm mạnh nhất kể từ khi Mỹ bắt đầu thu thập dữ liệu. Với 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp, kinh tế Mỹ chính thức rơi vào suy thoái kỹ thuật.

Theo  New York Times, ông Trump hiểu rất rõ rằng tổng thống Mỹ không có thẩm quyền hoãn bầu cử và đề xuất của ông chắc chắn sẽ vấp phải rào cản từ phe Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện. Tuy nhiên việc ông chủ Nhà Trắng vẫn đưa ra ý tưởng như vậy có thể là một đòn “tung hỏa mù”.

Một số quan chức và nghị sĩ Mỹ cho rằng ý tưởng hoãn bầu cử của Tổng thống Trump có thể là dấu hiệu cho thấy ông đang “hoảng loạn” trong bối cảnh đại dịch bùng phát và kinh tế Mỹ bị thiệt hại nghiêm trọng như hiện nay.

"Có quá nhiều người thiệt mạng và nền kinh tế rơi tự do, và phản ứng của ông ấy là gì? Hoãn bầu cử. Đó là dấu hiệu của tâm lý khó khăn khi đối diện với thực tế", cựu thống đốc bang Massachusetts William F. Weld nhận định, đồng thời cho rằng ý tưởng hoãn bầu cử của ông Trump không phải là “lời đe dọa hợp pháp”.