1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Giải mã sự trái ngược ở hai nước tiêm chủng Covid-19 nhanh nhất thế giới

Minh Phương

(Dân trí) - Được coi là hai nước triển khai chương trình tiêm chủng nhanh nhất thế giới, nhưng Israel và Anh đang cho thấy hai bức tranh Covid-19 đối lập.

Giải mã sự trái ngược ở hai nước tiêm chủng Covid-19 nhanh nhất thế giới - 1

Chiến lược tiêm chủng khác biệt đã làm nên thành công của Israel trong cuộc chiến đối phó Covid-19 (Ảnh: Reuters).

Hai bức tranh đối lập

Trong khi cuộc sống ở Israel gần như trở lại bình thường sau đại dịch Covid-19, Anh buộc phải hoãn kế hoạch mở cửa trở lại vì sự xuất hiện của biến chủng SARS-CoV-2 mới, mặc dù đây là hai nước được coi là triển khai chương trình tiêm chủng nhanh chóng nhất.

Mặc dù Israel khởi động chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 sau Anh vào tháng 12/2020, nhưng Israel đã đạt được cột mốc quan trọng sớm hơn, đó là xóa bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở không gian trong nhà - một trong những hạn chế cuối cùng để phòng dịch Covid-19 còn được áp dụng tại nước này.

Sau khi triển khai chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19 nhanh nhất thế giới, Israel, đất nước 9 triệu dân đã nhanh chóng tiêm đủ hai liều vắc xin Pfizer/BioNTech cho hơn một nửa dân số. Cuộc sống ở đây đã gần như trở lại bình thường như trước đại dịch. Cửa hiệu, nhà hàng, khách sạn, nhà hát, rạp chiếu phim được phép mở cửa.

Theo số liệu của Bộ Y tế Israel, nước này chỉ ghi nhận 37 ca Covid-19 mới trong ngày 20/6. Hiện tại, Israel chỉ còn hơn 300 bệnh nhân Covid-19 đang phải điều trị, chưa đầy 20 người tử vong trong suốt một tháng qua.

Trái lại, chương trình tiêm chủng vắc xin nhanh chóng chưa đem lại "quả ngọt" cho Anh. Số ca mắc Covid-19 ở Anh có xu hướng tăng mạnh trở lại gần đây, lên tới hơn 10.000 ca/ngày. Đợt bùng phát dịch này được cho là do sự xuất hiện của biến chủng Delta - biến chủng SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ và có khả năng lây lan cao hơn 60% so với chủng cũ. Hiện tại hơn 90% số ca mới ở Anh nhiễm biến chủng Delta. Điều này buộc chính phủ Anh phải lùi kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế thêm 4 tuần.

Điều làm nên sự khác biệt

Giải mã sự trái ngược ở hai nước tiêm chủng Covid-19 nhanh nhất thế giới - 2

Israel đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng Covid-19 (Ảnh: Times of Israel).

Guardian dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng, sự khác biệt lớn nhất giữa Anh và Israel không phải là quy mô nhà ở mà là hành vi văn hóa, mức độ tiếp cận vắc xin, mật độ dân cư và tâm lý ngại tiêm vắc xin. Tỷ lệ tiêm chủng của Anh và Israel không chênh lệch quá nhiều làm dấy lên tranh luận điều gì đã kéo theo hai bức tranh Covid-19 trái ngược nhau ở hai quốc gia trong số các nước tiêm nhanh và tiêm chủng nhiều nhất thế giới.

Ở Israel, 60% dân số đã được tiêm chủng một liều, khoảng 57% đã tiêm đủ hai liều. Ở Anh, 62% dân số được tiêm một liều, mặc dù chỉ 44% đã tiêm đủ hai liều.
Oliver Geffen, một chuyên gia dịch tễ Israel đang làm việc tại Anh, nhận định: "Hai khác biệt chính giữa Israel và Anh đó là Israel có tỷ lệ dân cư tiêm liều thứ hai cao hơn". Ông cho biết, ở Israel, 77% người trong độ tuổi 20-29 đã được tiêm mũi thứ hai, trong khi tỷ lệ này ở Anh chỉ đạt 15%.

"Điều này có thể tạo ra các nhóm người vẫn dễ nhiễm bệnh và đó có thể là nguyên nhân khiến dịch tái bùng phát", ông Geffen nói. Theo số liệu của chính phủ Anh, các ca mắc mới ở nước này gần đây chủ yếu tập trung vào nhóm người dưới 39 tuổi và một tình trạng đáng lo ngại là dịch lây lan trong các trường học.

Chuyên gia Geffen cũng cho rằng, sự xuất hiện của biến chủng Delta cũng là một phần nguyên nhân khiến dịch bùng phát mạnh trở lại ở Anh. Các chuyên gia cảnh báo, hiện tại số ca mắc mới ở Israel tương đối thấp nhưng nỗ lực đẩy lùi đại dịch của họ vẫn có thể bị cản trở nếu xuất hiện các biến chủng mới.

Hồi tháng 1, Israel trải qua một đợt bùng phát mạnh chưa từng có do sự xuất hiện của biến chủng Alpha (phát hiện lần đầu ở Anh) mặc dù đã đẩy mạnh tiêm chủng. Tuy nhiên, Israel đã ứng phó nhanh chóng bằng việc đóng cửa biên giới với người nước ngoài - một chính sách mà đến nay phần lớn vẫn duy trì.

Adi Niv-Yagoda, một chuyên gia về chính sách y tế của Đại học Tel Aviv và là thành viên cố vấn Covid-19 của Bộ Y tế Israel, cho rằng việc Anh chậm trễ tiêm mũi vắc xin thứ hai có thể đã làm giảm hiệu quả của chương trình tiêm chủng quốc gia.

"Israel đã tiến hành tiêm chủng 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19 của Pfizer. Đây không phải là một mối tương quan dựa trên bằng chứng nhưng chúng ta có thể thấy nó có hiệu quả khác biệt", ông Yagoda nói. Ông cũng cho biết, Israel cũng tuân thủ khuyến cáo tiêm chủng 2 mũi cách nhau 21 ngày.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm