1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Giải mã cảnh báo “hòa nhạc” của IS trước vụ khủng bố Jakarta

(Dân trí) - Từ tháng 12, an ninh Indonesia đã nhận được cảnh báo của IS về một “buổi hòa nhạc” tại nước này. Đây cũng chính là “mật mã” ám chỉ một vụ thảm sát liên hoàn, được các nghi phạm sử dụng trong vụ tấn công rạp hát Bataclan tại Paris.

Hiện trường buổi hòa nhạc tại Jakarta như ám hiệu của những kẻ khủng bố. (Ảnh: Zuma Wire)
Hiện trường buổi "hòa nhạc" tại Jakarta như ám hiệu của những kẻ khủng bố. (Ảnh: Zuma Wire)

Vài giờ sau vụ tấn công khủng bố xảy ra tại trung tâm thủ đô Jakarta, khiến 7 người thiệt mạng, trong đó có 5 phần tử khủng bố, người phát ngôn cảnh sát quốc gia Indonesia Anton Charliyan khẳng định nhóm Hồi giáo cực đoan IS đứng sau vụ tấn công.

Căn cứ được ông đưa ra đó là một cảnh báo được mã hóa của IS mà cơ quan chức năng thu được vài tuần trước.

“Cảnh báo nói rằng sẽ có một buổi hòa nhạc (concert) ở Indonesia, và đó sẽ là tin tức quốc tế”, ông Anton được trang Detik News trích dẫn, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với tờ Sydney Morning Herald của Úc khi chuẩn bị kế hoạch an ninh cho Giáng sinh, ông Anton cũng từng đề cập tới mật mã này.

Đoạn mật mã xuất hiện trong một số tài liệu được cơ quan an ninh Indonesia thu giữ, cũng như khi thẩm vấn một số nghi phạm khủng bố bị bắt sau các cuộc bố ráp trên đảo các Sumatra, Java và Kalimantan trong tháng 12.

Các tài liệu cho thấy nghi phạm đang lên kế hoạch “thực hiện một buổi hòa nhạc”.

Ông Anton khi đó nói rằng vẫn chưa rõ “hòa nhạc” có nghĩa gì, nhưng trong quá khứ “cô dâu” từng là mật mã ám chỉ kẻ đánh bom liều chết, Sydney Morning Herald trích dẫn.

“Chúng tôi vẫn duy trì tình trạng báo động cao. Nó có thể có nghĩa một vụ tấn công. Như trước đây khi chúng nói “cô dâu” với ám chỉ đánh bom tự sát, có thể giờ chúng gọi là “hòa nhạc”. Chúng tôi chưa biết rõ nhưng vẫn báo động cao bởi có thể vẫn có những kẻ ngoài kia có liên hệ với các nhóm cực đoan”, ông Anton nói.

“Hòa nhạc” là thảm sát liên hoàn tại trung tâm?

Dường như giới chức Indonesia đã bỏ qua một chi tiết rất quan trọng, đó là trong vụ tấn công khủng bố Paris tháng 11 vừa qua, mục tiêu với thương vong lớn nhất chính là rạp hát Bataclan. Thời điểm xảy ra vụ tấn công là trong một buổi trình diễn nhạc rock.

Đáng lưu ý hơn, trước vụ tấn công đó, các nghi phạm khủng bố bị bắt cũng từng khai về nhiệm vụ tấn công một buổi hòa nhạc.

Hiện trường buổi hòa nhạc chết chóc tại Paris hôm 13/11. (Ảnh: Daily Mail)
Hiện trường buổi hòa nhạc chết chóc tại Paris hôm 13/11. (Ảnh: Daily Mail)

Cụ thể, tờ New York Times trong bài viết ngày 30/11 cho biết, một thanh niên trẻ người Pháp có tên Reda Hame ngày 15/8/2015 đã khai với một thẩm phán chống khủng bố rằng, y được Abdelhamid Abaaoud, kẻ chủ mưu loạt vụ khủng bố Paris, chỉ thị thực hiện tấn công một “buổi hòa nhạc” tại Paris.

Hame bị bắt tại pháp khi vừa trở về từ Syria do bị một đồng bọn chỉ điểm cho cảnh sát. “Từ cuối mùa Hè, chúng tôi đã biết rằng một âm mưu gì đó lớn đang được hoạch định”, một quan chức tình báo Pháp khi đó thừa nhận. Chỉ có điều cơ quan an ninh Pháp không biết thời gian và địa điểm vụ tấn công sẽ xảy ra tại đâu.

So sánh vụ tấn công tại Paris và Jakarta vừa qua, có thể thấy một số điểm chung trong “buổi hòa nhạc” mà các phần tử IS ám chỉ. Trước hết các vụ tấn công không diễn ra đơn lẻ, mà liên hoàn được lên kế hoạch trước, nhịp nhàng như các nhạc công trong một buổi hòa nhạc.

Địa điểm tấn công tại trung tâm thủ đô, ở những nơi tập trung đông người nhất. Với Paris đó là rạp hát Bataclan và những nhà hàng giờ cao điểm. Tại Jakarta là một quán cà phê, trung tâm thương mại, giao lộ đông người giữa buổi sáng.

Đối tượng bị nhắm tới là dân thường vô tội với mục đích gây thương vong lớn nhất có thể. Trong đó, các phần tử tấn công sẵn sàng liều chết, mang theo nhiều vũ khí sát thương.

Và do tất cả những đặc điểm trên, vụ việc thực sự là một “tin tức quốc tế”, như cảnh báo của IS ám chỉ. Chỉ trong thời gian ngắn, truyền thông khắp thế giới từ châu Á, sang Úc, Mỹ, châu Âu, Trung Đông…đều đã có những bài viết dày đặc, thậm chí tường thuật trực tuyến về sự kiện.

Khi vụ tấn công chưa xảy ra, nếu giải mã đúng thông điệp của IS, cơ quan chức năng Indonesia liệu có ngăn chặn được vụ việc?

Trả lời báo giới ngày 14/1, ông Luhut Binsar Panjaitan, Bộ trưởng các vấn đề An ninh và Chính trị khẳng định: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng không có manh mối nào bị bỏ lỡ. Chúng tôi đã biết (về âm mưu), chúng tôi chỉ không biết khi nào và ở đâu chúng thực hiện. Thành thực mà nói đó là một câu hỏi rất khó trả lời với bất kỳ ai”.

Thanh Tùng