1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Giải mã" cảnh báo của Tổng thống Putin về chiến tranh hạt nhân

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi thông điệp cứng rắn với phương Tây khi đề cập đến nguy cơ chiến tranh hạt nhân trong thông điệp liên bang.

Giải mã cảnh báo của Tổng thống Putin về chiến tranh hạt nhân - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc thông điệp liên bang hôm 29/2 (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 29/2 cảnh báo phương Tây phải đối mặt với viễn cảnh xung đột hạt nhân nếu họ can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến ở Ukraine.

Ông Putin cáo buộc các quốc gia thành viên NATO, những nước đang hỗ trợ Ukraine tấn công lãnh thổ Nga hoặc có thể cân nhắc gửi quân đội tới Ukraine, "cuối cùng phải hiểu" rằng "tất cả những điều này thực sự có nguy cơ dẫn đến một cuộc xung đột sử dụng vũ khí hạt nhân, và từ đó hủy diệt nền văn minh".

"Chúng tôi cũng có vũ khí có thể tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của họ. Họ không hiểu điều này sao?", ông Putin đặt câu hỏi.

Nhà lãnh đạo Nga ám chỉ bình luận của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuần này, trong đó đề cập đến khả năng gửi quân từ các nước NATO tới Ukraine, một kịch bản mà Điện Kremlin cảnh báo sẽ dẫn đến một cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga và liên minh phương Tây.

Mỹ và các chính phủ phương Tây phần lớn cố gắng tránh để xảy ra các cuộc tấn công của Ukraine trên lãnh thổ Nga. Tuyên bố của ông Macron về khả năng quân đội phương Tây được gửi đến Ukraine đã nhanh chóng bị các quan chức phương Tây phản bác.

Những lời cảnh báo của Tổng thống Putin được đưa ra ngay từ những phút mở đầu khi ông đọc thông điệp liên bang, một sự kiện quan trọng thường niên của Điện Kremlin. Trong thông điệp liên bang, tổng thống Nga công bố các kế hoạch và ưu tiên của chính quyền trước hàng trăm quan chức, nhà lập pháp và các thành viên khác của giới tinh hoa cầm quyền ở Nga.

Năm nay, bài phát biểu càng có ý nghĩa quan trọng hơn vì cuộc bầu cử tổng thống Nga dự kiến diễn ra từ ngày 15 đến ngày 17/3, trong đó ông Putin sẽ tranh cử thêm một nhiệm kỳ sáu năm nữa.

Bài phát biểu cũng diễn ra vào thời điểm nhạy cảm về mặt địa chính trị: Hơn hai năm tham chiến, Nga đã giành thế chủ động trên chiến trường, viện trợ quân sự cho Ukraine bị đình trệ tại quốc hội Mỹ và các chính phủ phương Tây đang tranh cãi về cách tốt nhất để hỗ trợ Kiev.

Ông Putin đã nhiều lần đưa ra cảnh báo hạt nhân nhằm vào phương Tây kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hai năm trước, sử dụng mối đe dọa từ kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Nga để ngăn chặn việc châu Âu và Mỹ hỗ trợ Ukraine.

Ông chủ Điện Kremlin được cho là đã giảm bớt cảnh báo hạt nhân trong một năm qua. Nhưng tuần này, ông lại đưa vấn đề quay trở lại, kết hợp những lời đe dọa với tuyên bố rằng ông sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí với Mỹ nếu Washington cũng sẵn sàng thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine.

"Nga sẵn sàng đối thoại với Mỹ về các vấn đề ổn định chiến lược", ông Putin nói, ám chỉ các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí từng được tiến hành với Mỹ trước chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Fyodor Lukyanov, một chuyên gia về chính sách đối ngoại thân cận với Điện Kremlin ở Moscow, cho biết những cảnh báo của ông Putin có lẽ được thúc đẩy bởi tuyên bố của ông Macron hồi đầu tuần rằng "không nên loại trừ" khả năng một quốc gia NATO gửi quân tới Ukraine.

Theo ông Lukyanov, nhìn rộng hơn, ông Putin đang đáp trả những cam kết của phương Tây nhằm cung cấp vũ khí mạnh hơn cho Ukraine khi lợi thế chiến trường của Nga ngày càng tăng. Các vũ khí này bao gồm tên lửa nhằm giúp Ukraine có thể tập kích sâu hơn vào lãnh thổ Nga.

"Ông Macron không phải là người duy nhất bắt đầu nói rằng chiến thắng của Nga là không thể chấp nhận được. Ở phương Tây, họ không nói về một thỏa thuận hòa bình, họ đang nói về việc không để Nga giành chiến thắng", chuyên gia Lukyanov nhận định.

Ông Lukyanov dự đoán, mục tiêu của Tổng thống Putin là tránh việc phương Tây can dự trực tiếp hơn vào cuộc chiến ở Ukraine và "đạt được các cuộc đàm phán theo những điều kiện mà Nga chấp nhận". Trong thông điệp liên bang, ông Putin ra tín hiệu rằng ông muốn các cuộc đàm phán không chỉ bao gồm tương lai của Ukraine mà còn cả "an ninh bình đẳng và không thể chia cắt ở Á - Âu".

Ông Putin trước đó đã tìm kiếm một thỏa thuận an ninh sâu rộng với NATO vào cuối năm 2021, vài tuần trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Vào thời điểm đó, các quan chức phương Tây đã bác bỏ đề xuất của Nga, vì cho rằng điều đó sẽ hệ thống hóa phạm vi ảnh hưởng của Nga trên toàn khu vực Liên Xô cũ.

Về phần mình, Nhà Trắng đã bác bỏ nỗ lực của ông Putin nhằm đặt Mỹ vào trung tâm của bất kỳ cuộc đàm phán nào liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine. Các quan chức Mỹ nói rằng Washington chưa và sẽ không đàm phán thay mặt cho Ukraine.

Những lời đe dọa của ông Putin đối với phương Tây chỉ chiếm vài phút trong bài phát biểu kéo dài hơn hai giờ đồng hồ. Phần lớn bài phát biểu tập trung vào các vấn đề cơ bản trong nước như đường cao tốc, chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng năng lượng và giáo dục.

Nhưng ông Putin cho rằng tất cả những ưu tiên trong nước đó đều phụ thuộc vào sự thành công của cuộc xung đột ở Ukraine, mà Điện Kremlin gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt". Ông không đưa ra thông tin chi tiết mới nào về mục tiêu của cuộc chiến hoặc cách cuộc chiến có thể kết thúc, thay vào đó ông chỉ nói rằng Nga muốn "tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa phát xít".

Callum Fraser, nhà nghiên cứu an ninh Nga và Á - Âu tại Viện nghiên cứu An ninh và Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI), việc ông Putin gọi cuộc xung đột ở Ukraine là một "cuộc chiến" đã cho thấy sự thay đổi trong tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga. Điều này cũng phù hợp với những thay đổi gần đây của Tổng thống Putin khi ông nhận định cuộc xung đột này là cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây ở Ukraine.

"Điều này có liên quan đến những tín hiệu gần đây của ông Putin về việc sẵn sàng đàm phán, nhưng chỉ thông qua lập trường của ông về cách hệ thống quốc tế nên vận hành, trong đó chỉ có các cuộc thảo luận giữa các cường quốc khu vực (Nga và Mỹ) và loại Ukraine ra khỏi bàn đàm phán.

Chuyên gia Fraser nhận định, việc Tổng thống Putin đề cập đến sự leo thang liên quan đến vũ khí hạt nhân và tuyên bố "chúng tôi cũng có vũ khí để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của họ" là "một cách tinh tế để thăm dò phản ứng của phương Tây khi ông đang tìm cách lợi dụng sự mất đoàn kết của phương Tây sau tuyên bố của (Tổng thống) Macron về việc đưa quân đến Ukraine".

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev từng nhiều lần đề cập tới học thuyết hạt nhân của Nga, trong đó nêu các trường hợp Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.

Theo ông Medvedev, trường hợp đầu tiên là Nga bị tấn công bằng tên lửa hạt nhân. Trường hợp thứ hai là bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào khác được sử dụng để chống lại Nga hoặc các đồng minh của Nga. Trường hợp thứ ba là một cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu làm tê liệt các lực lượng răn đe hạt nhân của Nga. Trường hợp thứ tư là khi xuất hiện hành động thù địch nhằm vào Nga và các đồng minh, gây nguy hiểm cho sự tồn vong của đất nước, dù chỉ bằng vũ khí thông thường, chứ chưa bao gồm vũ khí hạt nhân.

Theo New York Times, Inews, Bloomberg