1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giấc mộng dang dở của gia tộc Shinawatra trên chính trường Thái Lan

(Dân trí) - Ngoài 2 vị trí thủ tướng của ông Thaksin và bà Yingluck, các thành viên của gia tộc Shinawatra còn từng nắm giữ vị trí thứ trưởng, nghị sĩ trong chính trường Thái Lan. Hiện tại, một vài thành viên trong gia tộc Shinawatra vẫn tiếp tục trên con đường chính trị.

Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, 50 tuổi, em gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, được cho là đã rời Thái Lan tới Dubai trước khi nhận phán quyết cuối cùng của tòa án hôm 25/8 liên quan đến bê bối chính sách trợ giá gạo cho nông dân Thái Lan mà bà đã ban hành. Lệnh bắt giữ bà Yingluck đã được ban hành ngay lập tức.

Sự biến mất đột ngột của bà Yingluck đã đưa đến nhận định rằng vị thế chính trị của gia tộc Shinawatra sẽ suy yếu. Nhưng trên thực tế, một số thành viên trong gia tộc này đang theo đuổi con đường chính trị.


Bà Yingluck chụp ảnh cùng anh trai Thaksin Shinawatra trong một bức ảnh cũ (Ảnh: Pinterest)

Bà Yingluck chụp ảnh cùng anh trai Thaksin Shinawatra trong một bức ảnh cũ (Ảnh: Pinterest)

Truyền thống chính trị

Truyền thống chính trị trong dòng họ Shinawatra bắt nguồn từ ông Lert Shinawatra, cha của bà Yingluck. Ông từng là một doanh nhân trước khi trở thành nghị sĩ Thái Lan đại diện cho tỉnh Chiang Mai. Chú của bà, ông Sujate Shinawatra, từng là thị trưởng Chiang Mai. Một người chú khác, ông Suraphan Shinawatra, là thứ trưởng Bộ giao thông dưới thời cựu Thủ tướng Prem Tinsulanonda vào những năm 1980.

Khi gia tộc Shinawatra nổi tiếng với ngành nghề kinh doanh lụa, ông Thaksin đã ghi dấu ấn trong ngành viễn thông. Sử dụng kinh nghiệm trong thương trường, ông Thaksin đã tập trung vào nhóm đối tượng cử tri ở vùng nông thôn để làm nên chiến thắng áp đảo cho đảng “Người Thái yêu người Thái” trong cuộc bầu cử năm 2001.

Bà Yingluck là em út trong gia đình đông anh chị em. Chị gái bà, Yaowapa Shinawatra, từng được bầu làm nhà lập pháp tại Chiang Mai năm 2001. Một người anh trai khác của bà, ông Payap Shinawatra, cũng trúng cử tại Chiangmai năm 2005.

Tuy nhiên, bà Yingluck là thành viên tiếp theo trong dòng họ có bước tiến mạnh mẽ nhất vào năm 2011 khi bà trở thành ứng cử viên hàng đầu cho đảng Puea Thái, đảng được thành lập sau khi thủ tướng tiền nhiệm bà giải tán một đảng khác do ông Thaksin ủng hộ. Vào thời điểm đó, bà Yingluck đã bị nhạo báng chỉ là “vật thế thân” cho ông Thaksin tại chính trường Thái Lan.

Ba năm trước đó, anh rể bà, chồng của bà Yaowapa, ông Somchai Wongsawat, từng được bổ nhiệm làm thủ tướng, nhưng đã bị tòa án bãi nhiệm ngay sau khi những cuộc biểu tình lớn nổ ra.

Trong nhiệm kỳ 3 năm trước khi bị lật đổ, bà Yingluck đã để lại dấu ấn trên cương vị nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan. Thậm chí sau khi bị bãi miễn và bị kiềm chế hoạt động chính trị, tầm ảnh hưởng của bà vẫn rất mạnh mẽ trên chính trường Thái Lan.

Tương lai nào cho gia tộc quyền lực


Một số thành viên trong gia tộc Shinawatra, (Từ trái qua phải): bà Monthathip, cô Chayika Wongnapachant, bà Yaowapa, anh Yodchanan Wongsawat. (Ảnh: Nation, Twitter, EPA, Strait Times)

Một số thành viên trong gia tộc Shinawatra, (Từ trái qua phải): bà Monthathip, cô Chayika Wongnapachant, bà Yaowapa, anh Yodchanan Wongsawat. (Ảnh: Nation, Twitter, EPA, Strait Times)

Khi bà Yingluck rời chính trường, mọi sự chú ý đổ dồn vào người chị 58 tuổi của bà, Monthathip Shinawatra. Tuy nhiên, nữ doanh nhân này một mực phủ định mình có tham vọng chính trị. “Tôi chỉ mong sống yên ổn. Tôi chỉ mong sao gia đình của tôi đều được hạnh phúc”, bà Monthathip trả lời truyền thông hôm 25/8.

Khi được hỏi về việc bà có muốn lên thay vị trí chủ tịch đảng Puea Thái, bà cho biết mình không bao giờ muốn vào vị trí đó và cho rằng có nhiều người thích hợp hơn.

Trong khi các đảng được ông Thaksin ủng hộ chưa từng thất bại trong mọi cuộc bầu cử từ năm 2001 tới nay, các đảng đối thủ đổ lỗi cho gia tộc Shinawatra đã tạo nên sự chia rẽ chính trị ở Thái Lan. Họ muốn gia tộc này rời khỏi chính trường. Với việc chính quyền quân đội chưa công bố ngày bầu cử, tương lai của đảng Puea Thái vẫn còn đang khá “mờ mịt”.

Tuy vậy, thế hệ kế tiếp của nhà Shinawatra hiện vẫn đang tiếp tục trên con đường chính trị của gia tộc. Con trai của bà Yaowapa, Tiến sĩ Yodchanan Wongsawat, đã đăng ký làm ứng cử viên của đảng Puea Thái cho cuộc bầu cử vào ngày 2/2/2014 nhằm giữ ghế nghị sĩ ở Chiang Mai. Tuy nhiên, cuộc bầu cử này đã bị hoãn do biểu tình.

Trong khi đó, cháu gái bà Yingluck, cô Chayika Wongnapachant, từng giúp đỡ bà quản lý hình ảnh truyền thông trong nhiệm kỳ thủ tướng. Sau khi bà bị lật đổ năm 2014, cô Chayika vẫn hoạt động với vai trò tương tự trong âm thầm. Tài khoản mạng xã hội Twitter của cô, hiện có 16.800 người theo dõi, đăng giới thiệu rằng cô “không phải là một chính trị gia, mà chỉ là người hoạt động trong lĩnh vực chính trị”.

Đức Hoàng

Theo Strait Times