1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Giấc mơ châu Á - Thái Bình Dương của Trung Quốc không có Mỹ?

Trong Giấc mơ châu Á- Thái Bình Dương của mình, Trung Quốc mơ sẽ đóng vai trò đầu tàu trong khu vực và Mỹ không hề có vai trò gì.

Tờ Diplomat nhận định Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là người thích “mơ mộng”. Bên cạnh Giấc mơ Trung Hoa vốn đã quá nổi tiếng của mình, trong phát biểu tại Hội nghị APEC cuối tuần qua, ông Tập lại nhắc đến một giấc mơ mới: Giấc mơ châu Á- thái Bình Dương.
 
Giấc mơ châu Á - Thái Bình Dương của Trung Quốc không có Mỹ?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mô tả về Giấc mơ châu Á- Thái Bình Dương tại Hội nghị Cấp cao APEC (ảnh Tân Hoa xã)

Phiên bản mở rộng của Giấc mơ Trung Hoa?

Giấc mơ châu Á- Thái Bình Dương của ông Tập thể hiện rõ ý định của Trung Quốc về một cộng đồng châu Á thống nhất mà ở đó Trung Quốc đóng vai trò trung tâm, trong khi không hề nhắc đến sự hiện diện của Mỹ.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Tập nhắc đến Giấc mơ châu Á- Thái Bình Dương, trước đó, tại Hội nghị Hợp tác và Xây dựng Lòng tin tại châu Á (CICA) được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào tháng 5 năm nay, Giấc mơ châu Á- Thái Bình Dương cũng đã được ông Tập đề cập đến.

Tuy nhiên, tại thời điểm đó, ông Tập mới chỉ bóng gió về ý tưởng về việc tạo ra một “châu Á vì người dân châu Á”- một tư tưởng cốt lõi trong Giấc mơ châu Á- Thái Bình Dương của ông Tập khi ông kêu gọi phải hành động “trên tinh thần của cộng đồng châu Á- Thái Bình Dương”.

Tại Hội nghị CICA, ông Tập nêu rõ rằng ý tưởng của ông là người châu Á sẽ tự giải quyết các vấn đề của mình thay vì có sự can dự từ bên ngoài (mà nhiều người hiểu là từ Mỹ).

Tương tự như vậy, tại Hội nghị APEC, ông Tập cũng nhấn mạnh ý tưởng “chia sẻ các vấn đề chung” của các nước châu Á và coi đó là nền tảng của giấc mơ châu Á- Thái Bình Dương của ông.

Một điều đáng chú ý là Giấc mơ châu Á- Thái Bình Dương của ông Tập tập trung nhiều vào khía cạnh kinh tế. Theo đó, ông Tập muốn thúc đẩy mục tiêu phát triển một nền kinh tế năng động hơn kèm theo nhiều thỏa thuận về thương mại tự do cũng như các khả năng hợp tác đầu tư trong tương lai.
 
Con Đường Tơ lụa- nền tảng của Giấc mơ châu Á- Thái Bình Dương

Chính vì thế, giới phân tích nhận định, việc Trung Quốc thúc đẩy thành lập Khu vực Thương mại Tự do châu Á- Thái Bình Dương (FTAAP) chính là một mảnh ghép quan trọng trong việc Trung Quốc mở rộng Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa trên biển.

Vào cuối tuần qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố Trung Quốc sẽ đóng góp 40 tỷ USD thành lập Quỹ Con đường Tơ lụa để xây dựng cơ sở hạ tầng cho dự án Con đường Tơ lụa trên biển và trên đất liền của Trung Quốc.
 
Bản đồ Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa (ảnh AP)
Bản đồ Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa (ảnh AP)

Khi mô tả dự án này, ông Tập Cận Bình nêu rõ, việc gây quỹ chính là rào cản quan trọng trong việc thống nhất và phát triển của toàn châu Á và Trung Quốc kỳ vọng Quỹ Con đường Tơ lụa có thể “phá vỡ mọi rào cản trong các hoạt động kết nối tại châu Á”.

Các chuyên gia nhận định, việc thành lập Quỹ Con đường Tơ lụa cùng với dự án Ngân hàng Đầu tư Phát triển Cơ sở Hạ tầng châu Á, đang giúp Trung Quốc chiếm được ưu thế trong việc gắn kết các nền kinh tế trong khu vực và mạng lưới kinh tế toàn cầu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc hưởng lợi rất nhiều từ việc này.

Bên cạnh đó, trong khi mô tả về tương lai phát triển của châu Á, ông Tập nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong khu vực.

Trên thực tế, Trung Quốc đang là nền kinh tế hàng đầu trong khu vực và là đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và ASEAN.

Như vậy với những sáng kiến mới của mình, Trung Quốc muốn biến vị thế hàng đầu về kinh tế của mình thành một lợi thế chiến lược để có thể hiện thực hóa Giấc mơ châu Á- Thái Bình Dương của mình.

Chính vì vậy, tại Hội nghị APEC, ông Tập đã rất tự tin khẳng định rằng, rất nhiều nước đang muốn “cùng hội cùng thuyền với một Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ”.

Tuy nhiên, ông Tập không hề nêu rõ những nước nói trên là những nước nào và thông điệp này của ông Tập sẽ khiến Mỹ, nước luôn nghi ngờ tham vọng thực sự của Trung Quốc trong khu vực, “đứng ngồi không yên”.

Mỹ nằm ở đâu trong Giấc mơ châu Á- Thái Bình Dương?

Các chuyên gia nhận định, Mỹ có lý do để lo ngại về Giấc mơ châu Á- Thái Bình Dương bởi điều này sẽ tăng cường vai trò hàng đầu của Trung Quốc trong khu vực và sẽ làm suy yếu tầm ảnh hưởng của Mỹ tại đây.

Một điều hiển nhiên là Mỹ không có chỗ trong sáng kiến Con đường Tơ lụa của Trung Quốc dù Trung Quốc luôn nói rằng sáng kiến này sẽ mở rộng ra toàn cầu chứ không chỉ là ở châu Á.

Hơn thế nữa, việc Trung Quốc theo đuổi mục tiêu xây dựng một “châu Á vì người châu Á” được coi là một “gáo nước lạnh” dội vào những lợi ích của Mỹ và các đồng minh trong khu vực.
 
Liệu Tổng thống Obama (phải) có chịu nhường lại vị thế dẫn đầu cho ông Tập Cận Bình? (ảnh AP)
Liệu Tổng thống Obama (phải) có chịu nhường lại vị thế dẫn đầu cho ông Tập Cận Bình? (ảnh AP)

Các nhà phân tích Trung Quốc luôn khẳng định rằng Trung Quốc không muốn mình là “con ngáo ộp” trong khu vực, nhưng trên thực tế với những gì Trung Quốc đang làm, có thể thấy rõ rằng Trung Quốc đang muốn “cảnh báo” Mỹ không nên can thiệp vào các vấn đề trong khu vực.

Trung Quốc đã nói rõ rằn các dự án mới của mình, đặc biệt là các dự án kinh tế được mở rộng cho mọi quốc gia muốn tham gia. Tuy nhiên, điều này có nghĩa là họ sẽ phải tuân thủ mọi luật lệ do Trung Quốc đề ra cũng như chấp nhận vai trò dẫn đầu của Trung Quốc đặc biệt khi nó liên quan đến lợi ích của Trung Quốc, bao gồm cả các tranh chấp trên Biển Đông.

Có thể Mỹ vẫn có chỗ trong Giấc mơ châu Á- Thái Bình Dương của Trung Quốc nhưng như thế có nghĩa là Mỹ sẽ phải thay đổi toàn bộ cách thức tư duy và hành động trong khu vực.

Đây là điều mà không chỉ Mỹ mà nhiều nước khác trong khu vực như Ấn Độ cũng không chấp thuận. Đối với Washington, việc nhường lại vị thế dẫn đầu cho Trung Quốc là điều “gần như không thể./.

Theo Trần Khánh/VOV.VN