Trung Quốc vẫn cương quyết chỉ đàm phán song phương về Biển Đông
(Dân trí) - Phát biểu tại hội nghị cấp cao ASEAN ngày 13/11, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định chỉ giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng đàm phán trực tiếp với các bên có tranh chấp, kêu gọi cùng phát triển đồng thời hứa cho ASEAN vay 20 tỷ USD.
Tuyên bố của ông Lý được đưa ra trong bối cảnh tuyên bố chung của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khẳng định: “Chúng tôi tiếp tục quan ngại về tình hình tại Biển Đông”, tuyên bố Chủ tịch viết.
Người đứng đầu chính phủ Trung Quốc cũng khẳng định rằng việc đi lại cũng như an ninh hàng hải tại Biển Đông đã được đảm bảo, đồng thời cam kết Trung Quốc sẽ tăng cường trao đổi thông tin với các quốc gia Đông Nam Á để xây dựng bộ quy tắc ứng xử tại các vùng nước tranh chấp.
Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng có tranh chấp trên Biển Đông thời gian qua đã xấu đi. Giới chức nước này cho rằng các nước trong khu vực đã về phe với Mỹ để gây áp lực với Trung Quốc.
Dù vậy, tại hội nghị lần này, với giọng điệu mềm mỏng đến ngạc nhiên, ông Lý cho rằng việc Trung Quốc có bất đồng với các nước xung quanh là không thể tránh khỏi, và kêu gọi đối thoại chân thành để giải quyết các khác biệt.
“Trung Quốc sẵn sàng trở thành bên đối thoại đầu tiên ký kết với ASEAN hiệp ước hữu nghị và hợp tác”, ông Lý tuyên bố.
“Để giải quyết tranh chấp, Trung Quốc đề xuất các nước liên quan tích cực thúc đẩy hoạt động cùng phát triển như một cách thực chất và hiệu quả để giải quyết các bất đồng”, vị thủ tướng Trung Quốc nói tiếp
Hiệp ước này được xem như một nỗ lực của Trung Quốc để giải tỏa bất kỳ ý niệm nào rằng nước này là một mối đe dọa, và ông Lý khẳng định Trung Quốc sẵn sàng ký kết với nhiều nước khác hiệp ước về láng giềng tốt và hữu nghị.
Hứa hẹn cho vay 20 tỷ USD
Cũng tại hội nghị, nhà lãnh đạo chính phủ Trung Quốc đã đề xuất cho các nước ASEAN vay 20 tỷ USD dưới dạng các khoản vay ưu đãi và vay vốn đặc biệt để phát triển hạ tầng. Đây được xem như một đề nghị hấp dẫn trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực đang gặp khó khăn về vốn để phát triển đường xá, cảng biển và đường sắt để thúc đẩy tăng trưởng.
Phản ứng trước đề xuất về hiệp ước hữu nghị của Trung Quốc, các nguồn tin ngoại giao Philippines, nước đang theo đuổi vụ kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế do tranh chấp biển đảo, tỏ ra lạnh nhạt khi khẳng định tuyên bố này thiếu tính thực chất, và cũng tương tự như một đề xuất được Philippines đưa ra năm 2012 nhưng bị Bắc Kinh từ chối.
Thanh Tùng
Tổng hợp